Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 16/3/2022
Vàng thế giới đổ sụp, xuống 54 triệu đồng/lượng; Thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh qua mạng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 16/3/2022.
Thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh qua mạng
Quản lý thuế kinh doanh qua mạng, đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực thuế là những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 16/3.
Tham gia trả lời chất vấn cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý thuế bán hàng qua môi trường mạng.
Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo ngành thuế kiểm soát chặt lĩnh vực này và đã thu được gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp như Facebook đã nộp 1.694 tỷ đồng, Google 1.618 tỷ đồng tiền thuế.
"Chúng tôi đã rất chủ động trong thu thuế, quản lý thuế qua bán hàng trực tuyến (online), thu thuế trên môi trường mạng xuyên biên giới", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tổng Cục Thuế chủ động xây dựng Cổng Thông tin điện tử kê khai thuế xuyên biên giới và kê khai thuế trên môi trường mạng. Ngày 21/3, Cổng Thông tin này sẽ được khai trương để các doanh nghiệp trực tiếp kê khai và thực hiện nộp thuế tham gia giao dịch qua môi trường mạng. Đồng thời có kết nối cơ sở dữ liệu thuế với cơ cơ sở dữ liệu dân cư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh thời gian tới, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, xây dựng trung tâm dữ liệu về thuế và áp dụng các giải pháp điện tử khác để các hộ kinh doanh nộp thuế qua ứng dụng trên điện thoại di động. Người nộp thuế sẽ nộp qua điện thoại di động mà không phải đến cơ quan thuế, không phải đến kho bạc. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử sẽ được thực hiện, áp dụng rộng rãi.
Vàng thế giới đổ sụp, xuống 54 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.920 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.921 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 15/3 cao hơn khoảng 1,3% (25 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 13,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 15/3.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục lao dốc, giá quy đổi về ngưỡng 54 triệu đồng/lượng. Dòng tiền trở lại các loại tài sản rủi ro khi có tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga.
Vàng giảm giá chủ yếu do đồng USD vẫn treo cao, trong khi đó nhiều thị trường chứng khoán tăng trở lại. Giới đầu tư không còn quá lo lắng về ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine cũng như bắt đáy cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận.
Vàng giảm giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu giảm mạnh. Giá dầu đã giảm từ đỉnh cao 140 USD/thùng trong tuần trước về mức 96 USD/thùng đêm ngày 15/3 (giờ Việt Nam).
ADB: 4,7 triệu người dân ASEAN rơi vào cảnh nghèo cùng cực vì Covid-19
Báo cáo của ADB cho biết năm ngoái, số người dân nghèo cùng cực, được định nghĩa là sống dựa vào mức thu nhập dưới 1,9 đô la Mỹ/ngày, ở ASEAN là 24,3 triệu người, chiếm 3,7% tổng dân số 650 triệu người. Nhưng trước đại dịch, con số này đang trong xu hướng giảm với chỉ 14,9 triệu người vào năm 2019, giảm so với 18 triệu người vào năm 2018 và 21,2 triệu người vào năm 2017.
ADB cũng cho biết số lao động có việc làm ở Đông Nam Á trong năm 2021 ít hơn 9,3 triệu so với kịch bản không có đại dịch vì biện pháp kiểm soát Covid-19 làm giảm hoạt động kinh tế, khiến hàng triệu người mất việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
Những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động phổ thông và người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ và nền kinh tế phi chính thức, cũng như các doanh nghiệp nhỏ không có sự hiện diện của kỹ thuật số.
ADB nhận định tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thất nghiệp có thể sẽ kéo dài vì những người lao động thất nghiệp sẽ trở nên kém kỹ năng đồng thời khả năng tiếp cận các cơ hội của người nghèo ngày càng giảm sút.
“Khi điều này xảy ra, tình trạng xói mòn bất bình đẳng thu nhập trầm trọng có thể kéo dài qua các thế hệ khác”, ADB nhận định.
Chủ tịch ADB, Masatsugu Asakawa nói: “Đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, dẫn đến bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng và mức độ nghèo đói gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người giá tại Đông Nam Á”.
ADB cho rằng việc trang bị các công cụ số hóa cho doanh nghiệp nhỏ và cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng cho những lao động mất việc trong những ngành chịu tác động nặng nề từ đại dịch sẽ bảo đảm họ không bị bỏ lại đằng sau trong trạng thái bình thường mới của công việc.
Để cải thiện các hệ thống kinh tế và xã hội ở Đông Nam Á, ADB kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên các cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất.Các biện pháp như vậy có thể bao gồm các kế hoạch tạo việc làm, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ.
EU hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do giá nhiên liệu tăng vọt
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire cho biết các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trợ giá nhiên liệu cho các hộ gia đình và hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng cuộc cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phát biểu ngày 15/3 với báo giới sau khi chủ trì cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính EU, Bộ trưởng Le Maire cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang khiến giá cả hàng hóa, đặc biệt là khí đốt và thực phẩm, tăng vọt.
Điều này đòi hỏi các quốc gia EU cần có phản ứng chung để giảm bớt thiệt hại. Ông cho biết thêm chiến lược chung dựa trên những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm nới lỏng những hạn chế về việc hỗ trợ của chính phủ các nước thành viên EU để giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Theo Bộ trưởng Le Maire, chiến lược gồm 3 khía cạnh chính. Thứ nhất là hỗ trợ tất cả các hộ gia đình bị ảnh hưởng của việc giá nhiên liệu tăng mạnh như giảm giá bán ra.
Biện pháp hỗ trợ thứ hai là giúp các công ty chịu tác động nặng nề nhất của việc giá khí đốt tăng vọt bằng cách chính phủ bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp hoặc trợ cấp cho những công ty phải sử dụng nhiều năng lượng.
Thứ ba là đa dạng hóa các nguồn năng lượng để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, nước vốn cung cấp đến 45% nhu cầu khí đốt, hơn 25% nhu cầu dầu mỏ và khoảng 50% nhu cầu than đá của EU.
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng các nước thành viên EU có thể triển khai những khoản đầu tư như vậy bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp có sẵn dưới dạng quỹ phục hồi của EU vốn chưa dùng đến.
Theo ông, quỹ phục hồi này vẫn còn 200 tỷ euro, theo đó các nước thành viên EU có thể yêu cầu sử dụng dưới dạng cung cấp các khoản cho vay với mục đích đầu tư và tài trợ cải cách đến tháng 8/2023.
Phó Chủ Chủ tịch EC cho rằng ở thời điểm hiện nay, quỹ này có thể được sử dụng để ứng phó với những thách thức nhất định, trong đó có việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Hà Lan (T/h)