Thứ bảy, 27/04/2024 07:10 (GMT+7)
    Thứ ba, 15/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Giá vàng trong nước giảm sâu; Giá thép tăng 4 lần liên tiếp trong 15 ngày... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/3/2022.

    Giá vàng trong nước “tụt dốc”, giảm sát mốc 68 triệu đồng/lượng

    Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào đầu phiên sáng 15/3 ở mức 66,90 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,10 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Giảm 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 14/3. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 1,2 triệu đồng/lượng.

    Thời điểm hiện tại, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 66,80 – 68,20 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 14/3. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI đang là 1,4 triệu đồng/lượng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/3/2022 - Ảnh 1
    Giá vàng trong nước tiếp tục giảm sâu. 

    Giá vàng thế giới giảm sâu cuối phiên 14/3. Hiện giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.953 USD/oz. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank sáng nay: 1 USD = 230.030 VND, giá vàng thế giới tương đương 54,18 triệu đồng/lượng, thấp hơn 13,92 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra sáng 15/3.

    WB khẳng định không nên tích trữ lương thực, xăng dầu

    Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do báo Washington Post tổ chức, Chủ tịch Malpass nhận định các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động lớn hơn đối với sản lượng kinh tế toàn cầu so với chính cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, dựa trên các đánh giá hiện nay, ông không cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ đặt dấu chấm hết cho đà phục hồi kinh tế và làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/3/2022 - Ảnh 2
    WB khẳng định không nên tích trữ lương thực, xăng dầu. 

    Chủ tịch WB hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế và người dân không cần phải tích trữ lương thực. Ông cũng dự báo nguồn cung năng lượng bên ngoài Nga và nguồn cung lương thực bên ngoài Nga và Ukraine sẽ tăng mạnh, qua đó giảm thiểu tác động của việc giá cả leo thang và giúp duy trì đà phục hồi kinh tế. Chủ tịch Malpass tin tưởng nguồn cung năng lượng có thể tăng nhanh hơn nguồn cung lương thực do việc điều chỉnh trong ngành nông nghiệp thường mất khoảng một năm.

    Chủ tịch WB nhấn mạnh việc cần làm trong tình hình hiện nay không phải là đi mua lương thực và xăng để dự trữ, mà mỗi người dân trên thế giới cần nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hết sức năng động và sẽ phản ứng phù hợp, đảm bảo đủ nguồn cung.

    Giá thép tăng 4 lần liên tiếp trong 15 ngày

    Ngày 15/3, nhiều công ty thép thông báo tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán. Theo đó, Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty TNHH Thép Đặc biệt Shengli Việt Nam... thông báo điều chỉnh giá bán trên phạm vi toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây tăng 600.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

    Tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, thép cuộn CB240 hiện có giá 19,53 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB 300 có giá 19,68 triệu đồng/tấn. Đây là doanh nghiệp có mức tăng giá thép mạnh nhất.

    Nhiều thương hiệu thép lớn khác như Hòa Phát, Vinausteel, Kyoei, Pomina... cũng điều chỉnh giá bán tăng mức 600.000 đồng/tấn. Nguyên nhân được các bên đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng.

    Các dòng thép của Hòa Phát ghi nhận mức tăng hơn 2 triệu đồng so với tháng trước. Tại miền Bắc, giá thép thanh vằn D10 CB300 từ mức 17,12 triệu đồng/tấn lên 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 4/3), 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 6/3), 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11/3) và 19,03 triệu đồng/tấn (ngày 15/3).

    Như vậy, tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8-2,2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/3/2022 - Ảnh 3
    Giá thép tăng 4 lần liên tiếp trong 15 ngày.

    Giá thép hôm nay (15/3) trên Sàn giao dịch Thượng Hải ở mức 4.793 nhân dân tệ/tấn, tương đương 17,2 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân giá thép tăng liên tục trong thời gian qua là do giá nguyên liệu, trong đó có phôi thép tăng cao. Theo cập nhật của Hiệp hội thép Việt Nam ngày 23/2, giá phôi thép tăng vượt 700 USD/tấn.

    Không chỉ thép mà các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước cũng tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng 100.000-120.000 đồng/tấn trong thời gian tới.

    Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Long thông báo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng PCB30 các loại tăng 100.000 đồng/tấn; Xi măng PCB40 các loại tăng 120.000 đồng/tấn. Thời gian áp dụng từ ngày 17/3 đối với xuất hàng đường thủy; từ ngày 20/3 đối với xuất hàng đường bộ.

    Tương tự, Công ty TNHH MTV xi măng Xuân Thành Quảng Nam, Công ty Cổ phần Xi măng Đỉnh Cao, Công ty Cổ phần xi măng Cẩm Phả... cũng tăng 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT 8%) đối với một số sản phẩm xi măng trong vài ngày tới..

    Trong báo cáo cập nhật ngành thép quý I, nhóm nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo xung đột giữa Ukraine và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.

    Hiện, Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).

    Giá thép cuộn cán nóng (HRC) Bắc Âu đã tăng 35% từ 1.054 USD/tấn vào đầu tháng 2 lên 1.419 USD/tấn hiện nay.

    EU chính thức phê chuẩn vòng trừng phạt mới với Nga

    Liên minh châu Âu ngày 15/3 chính thức phê chuẩn gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và nhập khẩu sản phẩm thép từ Nga.

    Lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực ngay lập tức, sau khi được đăng tải trên tạp chí chính thức của khối này cuối giờ hôm nay.

    Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu nêu rõ, các lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm sâu rộng đối với các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng của Nga. Các biện pháp này sẽ có tác động lớn tới những nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Nga như Rosneft, Transneft và Gazprom. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm đầu tư, Liên minh châu Âu vẫn sẽ mua dầu mỏ và khí đốt từ các công ty này.

    Cũng theo lệnh trừng phạt mới, các công ty Liên minh châu Âu sẽ không còn được phép xuất khẩu các hàng hóa xa xỉ, bao gồm cả trang sức tới Nga.

    Riêng về lệnh nhập khẩu thép từ Nga, Ủy ban châu Âu ước tính, biện pháp trừng phạt này sẽ khiến lĩnh vực này thiệt hại 3,3 tỷ euro, tương đương, 3,6 tỷ USD.

    Cũng trong gói trừng phạt này, Liên minh châu Âu sẽ đóng băng tài sản của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nga, trong số này có ông chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea Abramovich.

    Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận sơ bộ về lệnh trừng phạt mới đối với Nga từ ngày 14/3 song đến nay mới đi đến công bố chính thức. Lệnh trừng phạt mới đưa ra sau khi phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga bao gồm đóng băng tài khoản ngân hàng trung ương và loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch tiền tệ liên ngân hàng SWIFT.

    SSI Research: Mặt bằng lãi suất đã chạm đáy

    Theo số liệu của SSI Research, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 1.019 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 968 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Nhờ vậy, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành được nâng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

    Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,25% (giảm 0,12 điểm %) và kỳ hạn 1 tuần 2,38% (giảm 0,01 điểm %). Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,61%.

    SSI Research dẫn thông tin của NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/2 đạt 2,52% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,82% được Chính phủ công bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 2 trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay, tương đương giảm 23.000 tỷ đồng.

    SSI Research cho rằng tín dụng tăng chậm lại trong tháng 2 do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác động của yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên Đán đến hoạt động tín dụng, trong đó nhu cầu thường tăng mạnh trước Tết, và sau Tết hạ nhiệt dần. Thứ hai, thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực là giữa tháng 1 và doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát hành trái trước thời điểm này. Số trái phiếu này sau đó sẽ được phân phối, do đó có thể dẫn đến giảm dư nợ tín dụng tại các ngân hàng.

    NHNN cũng đã công bố số liệu tăng trưởng huy động tính đến 25/2, với mức tăng 1,29% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11,1% so với cùng kỳ).

    Nhìn chung, SSI Research cho rằng tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch, phản ánh môi trường lãi suất thấp đã và đang được duy trì trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên nhóm phân tích kỳ vọng huy động vốn có thể tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng của lãi suất huy động có khả năng thu hút lượng tiền gửi lớn hơn.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới