Thứ sáu, 19/04/2024 20:04 (GMT+7)
    Thứ tư, 09/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, dự báo vượt 30.000 đồng/lít; Nhiều hãng xe ô tô lên kế hoạch tăng giá bán xe... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022.

    Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, dự báo vượt 30.000 đồng/lít

    Theo dữ liệu của Bộ Công Thương đến ngày 8/3, giá bán lẻ tại Singapore xăng RON 92 có giá gần 150 USD/thùng (tăng 36 USD/thùng so với ngày 1/3); Xăng 95 có giá 144.8 USD/thùng (tăng 28 USD/thùng), dầu hỏa 147,7 USD/thùng (tăng 34,5 USD/thùng); dầu Diesel 157,6 USD thùng (tăng 40 USD/thùng), mazut 700 USD/tấn (tăng 145 USD/tấn).

    Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine hiện nay, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng cao.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022 - Ảnh 1
    Giá xăng dầu trong nước có thể cán mốc 30.000 nghìn đồng/lít. 

    Theo ông Long, hiện, nguồn cung trên thị trường đã bị ảnh hưởng sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với ngành năng lượng của Nga. Do đó, giá xăng trong nước dự báo tiếp tục tăng mạnh. Trong thời gian tới, mốc 30.000 nghìn đồng/lít trong nước là điều có thể xảy ra.

    Ông Bùi Xuân Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho rằng, giá dầu thô thế giới đang tăng chóng mặt, từ 24-34% trong gần 10 ngày qua. Trong khi cơ quan điều hành vẫn điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần nên nhiều doanh nghiệp đang phải gồng lỗ 1.000-2.000 đồng/lít, thậm chí phải bù thêm nhiều chi phí vận chuyển, mặt bằng, lương nhân viên...

    “Chính vì vậy, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 11/3, giá xăng sẽ tăng rất mạnh, trong đó giá xăng phải tăng hơn 2.000 đồng/lít, giá dầu tăng trên 1.000 đồng/lít", ông Vũ nói.

    Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tính toán, giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.000-4.000 đồng/lít. Mức tăng có thể giảm trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính sử dụng quỹ Bình ổn giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ Bình ổn giá cạn kiệt, mức chi "không thấm vào đâu" so với giá tăng.

    2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 50%

    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASAP) thông tin, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Cụ thể, trong tháng 2, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62% ước đạt 635 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Theo đó, trong tháng 2, xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất, với con số 127% đạt 171 triệu USD, lũy kế 2 tháng đầu năm, cá tra đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93%.

    Xuất khẩu tôm cũng tăng 50% so với cùng kỳ đạt 237 triệu USD, đưa kết quả 2 tháng đầu năm lên 550 triệu USD, tăng 46%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022 - Ảnh 2
    2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 50%.

    Theo VASAP xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều tăng mạnh từ 30-90% so với tháng 2/2021. Xuất khẩu cá ngừ tháng 2 đạt 68 triệu USD, 2 tháng đầu năm mang về 156 triệu USD, tăng 83%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc tháng 2 đạt 34 triệu USD, tăng 47% và 2 tháng đầu năm mang về con số 97 triệu USD, tăng 45%.

    Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ký Quy chế mua bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối

    Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức lễ ký quy chế nêu trên; tuy nhiên, cơ chế về giá, rủi ro tỷ giá và thanh toán chưa được công bố..

    Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022 - Ảnh 3
    Việc ký kết này đã cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai cơ quan theo Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2012. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

    Việc ký Quy chế mua bán ngoại tệ là nhằm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành thị trường ngoại hối; đồng thời, tạo thuận lợi cho ngân sách Nhà nước cân đối ngoại tệ, phục vụ cho các khoản chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ.

    "Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách Nhà nước và dự trữ ngoại hối Nhà nước chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách Nhà nước, dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện mua, bán ngoại tệ của ngân sách Nhà nước".

    Nhiều hãng xe ô tô lên kế hoạch tăng giá bán xe

    Theo các chuyên gia, xung đột Nga và Ukraine đang làm giảm sản lượng hàng triệu chiếc ô tô trên toàn cầu. Nguyên nhân các hãng xe đặt nhà máy sản xuất ô tô tại Nga phải đóng cửa do lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ.

    Mặt khác, Nga chiếm phần lớn nguồn cung nguyên vật liệu thiết yếu cho sản xuất chip nhưng hiện đã bị đứt gãy chuỗi cung khiến các hãng xe không có hàng sản xuất. Nguồn cung xe càng thấp, giá xe càng tăng cao.

    Chưa hết, giá xăng đang tăng cao khiến người tiêu dùng có ý định chuyển sang xe điện. Nhưng thực tế, ô tô điện cũng đối diện với tình huống nguyên vật liệu thiếu và giá cao khiến giá thành chiếc xe đội lên.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022 - Ảnh 4
    Nhiều hãng xe ô tô lên kế hoạch tăng giá bán xe.

    Chẳng hạn, giá niken đang tăng rất cao, đã leo lên 100.000 USD/tấn. Nga chính là nước cung cấp nguyên liệu này lớn nhất thế giới.

    Niken là một thành phần quan trọng trong các tế bào pin lithium-ion được sử dụng trong hầu hết các loại xe điện đang được bán ra trên thị trường.

    Ông Adam Jonas, chuyên gia phân tích ô tô Morgan Stanley cho biết, sự tăng giá đột ngột của niken có thể làm suy yếu kế hoạch sản xuất ô tô điện đầy tham vọng của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu bao gồm General Motors, Ford Motor, Toyota, Honda... Nếu căng thẳng địa chính trị kéo dài thì các hãng xe buộc phải tăng giá.

    2 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt 330 nghìn tỷ đồng

    Bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 2/3/2022 trên hệ thống Tabmis thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 330,681 nghìn tỷ đồng, bằng 23,42% dự toán, trong đó NSTW đạt 23,34% dự toán; NSĐP đạt 23,51% dự toán.

    Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 9/3, Bộ Tài chính cho hay, theo số liệu Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 23/BC-BTC ngày 28/2/2022 về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước tháng 2 và 2 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng.

    Trong đó thu nội địa: thực hiện tháng 2 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73,8% số thu tháng 1. Thu từ dầu thô thực hiện tháng 2 ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 2 ước đạt 19 nghìn tỷ đồng.

    Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 2 tháng ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.

    Trong đó, thu nội địa, lũy kế 2 tháng đầu năm thu ngân sách Nhà nước ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,2% dự toán, tăng 4,9%).

    Thu từ dầu thô, lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá bình quân 2 tháng đạt khoảng 83 USD/thùng, tăng 23 USD/thùng so dự toán, tăng 59,7% so cùng kỳ năm 2021; sản lượng ước 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% kế hoạch, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

    Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, lũy kế thu 2 tháng ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng 29,4% so cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 69,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán.

    Tính đến hết ngày 2/3/2022 trên hệ thống Tabmis thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 330,681 nghìn tỷ đồng, bằng 23,42% dự toán (NSTW đạt 23,34% dự toán; NSĐP đạt 23,51% dự toán). Như vậy thu ngân sách tăng thêm 7 nghìn tỷ đồng trong 3 ngày.

    Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 2 tháng đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, mặc dù tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ đạt 8,5% dự toán Quốc hội quyết định, do trong 2 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao, kết hợp với thời gian nghỉ tết Nguyên đán dài, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; chi trả nợ lãi ước đạt gần 20,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán, giảm 4,3%; chi thường xuyên ước đạt 163,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2021.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
    Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .