Thứ bảy, 27/04/2024 02:53 (GMT+7)
    Thứ tư, 16/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 16/3

    Theo dõi KTMT trên

    Lượng tìm kiếm phòng trọ, căn hộ cho thuê tăng đột biến ; Có nên xuống tiền mua lô đất 20 tỷ khi chủ đất yêu cầu cọc 5 tỷ? ; Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Công khai, minh bạch trong thu hồi đất,… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Lượng tìm kiếm phòng trọ, căn hộ cho thuê tăng đột biến

    Hàng loạt dãy phòng trọ cho thuê, căn hộ, mặt bằng ế ẩm trong một thời gian dài. Tuy nhiên từ sau Tết âm lịch, khi đã quen tâm lý "sống chung với dịch", quy định 5K nới lỏng, nhiều địa phương dần bước qua đỉnh dịch, thích nghi với giai đoạn bình thường mới, các hoạt động kinh doanh dần trở lại. Nhu cầu tìm kiếm bất động sản cho thuê tại Hà Nội, đặc biệt là nhà trọ, phòng trọ phục vụ nhóm lao động ngoại tỉnh dần tăng trở lại từ tháng 1 và đột biến trong tháng 2 vừa qua.

    Cụ thể, theo báo cáo thị trường tháng 2/2022 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm của hầu hết các loại hình bất động sản cho thuê tại Hà Nội đều tăng mạnh trở lại. Cá biệt, loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê tăng đột biến 237%. Lượng tìm kiếm nhà riêng cho thuê cũng tăng 77%, căn hộ cho thuê tăng 73%. Đáng chú ý, mức độ quan tâm văn phòng cho thuê cũng tăng 17%, trong khi trước đó gần như đi ngang. Hai loại hình bất động sản cho thuê có mức độ quan tâm tăng không đáng kể là cửa hàng, kiot và nhà mặt phố cho thuê.

    Một điểm đáng chú ý là lượng tin đăng cho thuê ki ốt, nhà mặt phố lại tăng khá mạnh, dù lượng tìm kiếm tăng không nhiều. Cụ thể, lượng tin rao cho thuê cửa hàng, ki ốt tăng 46%, tin rao cho thuê nhà mặt phố tăng 62% so với tháng 1/2022. Điều này cho thấy các chủ mặt bằng cho thuê đã nhanh nhạy khi nhìn thấy xu hướng người lao động quay trở lại các thành phố lớn tìm việc, chuẩn bị sẵn mặt bằng và chào thuê để kịp đón khách.

    Có nên xuống tiền mua lô đất 20 tỷ khi chủ đất yêu cầu cọc 5 tỷ?

    Một mảnh đất vị trí đẹp, giá trị lớn nhưng chủ đất lại yêu cầu phải cọc tới 5 tỷ đồng, chiếm tới 25% giá trị tiền số đất. Nguyên nhân mà chủ đất yêu cầu mức cọc cao vì tài chính eo hẹp nên cần khoản tiền lớn để nộp vào ngân hàng, rút sổ đỏ.

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 16/3 - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.

    Chị Phượng Thạch chia sẻ, cách đây không lâu, nhà đầu tư này được giới thiệu lô đất đẹp, trị giá 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên bán đang vay ngân hàng 5 tỷ đồng và không đủ tài chính rút sổ nên đặt ra yêu cầu số tiền cọc lên tới 5 tỷ đồng, 25% giá trị lô đất.

    Trong trường hợp này, chị Phượng Thạch vì số tiền cọc lớn nên muốn công chứng hợp đồng cọc để giảm thiểu rủi ro trong mua bán.

    "Phòng công chứng chỉ công chứng khi đã có sổ hồng và xóa thế chấp sổ ở văn phòng đăng ký đất đai. Hoặc họ có thể linh động nếu đã có đơn xóa thế chấp từ ngân hàng kèm sổ hồng. Trong khi đó, ngân hàng lại chỉ trả sổ hồng khi khách tất toán toàn bộ dư nợ, phí trả trước hạn. Đồng thời ngân hàng phải làm thủ tục xuất kho sổ hồng vì bộ phận lưu trữ và cho vay riêng. Công đoạn này mất thời gian nếu không có sự chuẩn bị trước. Bên ngân hàng cho vay cũng sẽ không hỗ trợ ký kết 3 bên gì cả vì sổ đang vay không được quyền mua bán nếu không xử lý xong nợ".

    Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Công khai, minh bạch trong thu hồi đất

    Lần sửa đổi này sẽ kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn chiều 16/3, cập nhật tiến độ chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 16/3 - Ảnh 2
    Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà. (Ảnh: Nguồn internet)

    Đây là một trong những nội dung về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật được nêu tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

    Dự án Luật đất đai (sửa đổi) sau rất nhiều lần lùi, hoãn đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

    Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là: Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cụ thể như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng.

    “Sóng” đất ăn theo Vành đai 4, giá tăng theo ngày

    Từ khi thông tin xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được công bố, bất động sản khu vực ven Hà Nội - nơi đường vành đai 4 đi qua đang “nóng” lên từng ngày.

    Theo tờ trình UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km, trong đó có 58,2 km qua địa phận thành phố Hà Nội, từ km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), đến Khu đô thị Mê Linh (huyện Mê Linh) và từ Khu đô thị Mê Linh qua sông Hồng, kéo dài đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức…

    Khảo sát thực tế tại một số khu vực liên quan tới đường Vành đai 4, giá đất đã có biến động, nhiều nhà đầu tư dù đã đạt lợi nhuận cao, nhưng vẫn chưa chốt giá bán.

    Anh Nguyễn Văn Trường - môi giới bất động sản tại Hoài Đức chia sẻ, ngay khi biết thông tin dự án đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Hoài Đức, đã có rất nhiều nhà đầu tư ở các quận nội thành về địa phương khảo giá để đầu tư. Anh Trường cũng nắm trong tay tới 4 mảnh đất nền, đã chốt bán được 2 mảnh, lãi gấp 2-3 lần.

    "Trên địa bàn huyện Hoài Đức, từ khi có thông tin tuyến đường Vành đai 4 sẽ đi qua khoảng giữa chùa Diên Phúc và đền Giẻ Sen, gần với đường liên khu vực 1 đã khởi công, mức giá tại đây dao động từ 30-50 triệu đồng/m2. Tăng từ 10-20 triệu đồng so với hồi đầu năm", ông Trường nói.

    Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”.

    Đất nền quay cuồng trong cơn sốt, vì sao?

    Theo chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay sốt giá bất động sản là do hoàn cảnh thị trường tạo nên, đặc biệt là việc thiếu cung do hệ thống pháp luật không hợp lý.

    Thời gian qua, dịch Covid-19 xảy ra và kéo dài đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế- xã hội; trong đó có lĩnh vực bất động sản. Mặc dù vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, liên tiếp các đợt sốt giá bất động sản, đặc biệt là đất nền xảy ra đã đẩy giá đất tại nhiều tỉnh, thành phố tăng cao.

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 16/3 - Ảnh 3
    Ảnh minh họa.

    Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021; trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.

    Theo báo cáo, không chỉ tại Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đồng Nai cũng là những thị trường có tăng trưởng nhu cầu tìm mua đất nền cao trong tháng 2.

    Cụ thể, Lâm Đồng có lượt tìm kiếm đất nền tăng 41%, tiếp theo sau là Khánh Hòa và Đà Nẵng, lần lượt ghi nhận nhu cầu giao dịch đất nền tăng 32-34%, Đồng Nai cũng có số lượng tìm kiếm đất nền tăng 25% so với tháng trước.

    Ngoài ra, các tỉnh thành liền kề TP.HCM như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An cũng tiếp tục có nhu cầu giao dịch đất nền tăng 12-17% so với tháng trước.

    Các chuyên gia của Batdongsan.com.vn cũng dự báo, thị trường đất nền sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới mà tâm điểm đất nền phía Nam sẽ là khu Đông, Nam TP.HCM và các đô thị vệ tinh tiếp giáp Sài Gòn.

    Điểm nhấn mới của phân khúc này là các hạng mục hạ tầng giao thông sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ở phía Nam TP.HCM, Long An tiếp tục là thủ phủ đất nền khá lớn trong năm 2022.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 16/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới