Thứ năm, 25/04/2024 09:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/04/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 1/4

Theo dõi KTMT trên

Không khí lạnh tăng cường gây mưa rét cho miền Bắc; Rà soát, thu hồi bằng các làng nghề không đủ tiêu chí ở Hải Dương; Mưa giông dị thường ở miền Trung, nhiều nơi thiệt hại nặng nề... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 1/4.

Không khí lạnh tăng cường gây mưa rét cho miền Bắc đến khi nào?

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trưa nay (1/4), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi ở khu vực Tây Bắc của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Dự báo đêm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 1/4 - Ảnh 1
Đêm nay không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ở Bắc Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi có nơi dưới 12 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ.

Cơ quan khí tượng dự báo mưa ở miền Bắc giảm từ chiều nay (1/4), trời chuyển rét trong 2 ngày tới. Trong những ngày tới, áp cao lạnh lục địa tăng cường mạnh xuống phía Nam, từ khoảng ngày 03/4 có cường độ ổn định, sau di chuyển ra phía Đông và suy yếu dần.

Ở phía Nam từ khoảng ngày 3-4/4, hình thành lại rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5-8 độ Vĩ Bắc và có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc và hoạt động mạnh dần lên với một vùng xoáy thấp có khả năng hình thành trên khu vực giữa Biển Đông trong khoảng 2-3 ngày cuối.

Hải Dương: Rà soát, thu hồi bằng các làng nghề không đủ tiêu chí

Tại cuộc giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác quản lý nhà nước về hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh chiều 31/3, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích đưa ra ý kiến rằng, Hải Dương cần rà soát và thu hồi bằng công nhận làng nghề đối với những làng nghề không còn đảm bảo tiêu chí.

Hải Dương có khoảng 5.000 cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động sản xuất trong làng nghề; trong đó, nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm đa số với 43%.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 1/4 - Ảnh 2
Hải Dương có khoảng 5.000 cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động sản xuất trong làng nghề.

Theo bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối ở các làng nghề. Cùng với đó là các vấn đề như: hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm, các công nghệ lạc hậu và công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên; Hệ thống chính sách chưa đồng bộ, đầu tư còn khiêm tốn. Ngoài ra, việc hỗ trợ xúc tiến thương mại nâng tầm sản phẩm, việc kết nối tua tuyến phát triển du lịch làng nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự phối hợp của các sở ngành chưa hiệu quả. Có làng nghề dừng hoạt động nhưng chưa thu hồi bằng công nhận.

Để phát triển làng nghề, nâng tầm sản phẩm làng nghề, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đầu mối tham mưu cho tỉnh việc định hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới, có giải pháp khắc phục các tồn tại hiện nay.

Đặc biệt, cần rà soát lại thực trạng làng nghề hiện nay trên địa bàn tỉnh, tham mưu định hướng làng nghề nào cần phát triển; có văn bản ý kiến yêu cầu thu hồi bằng công nhận làng nghề đối với những làng nghề không còn đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đó tham mưu cho tỉnh chính sách đầu tư cho các làng nghề có trọng tâm trọng điểm.

Mưa giông dị thường ở miền Trung, nhiều nơi thiệt hại nặng nề

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, liên tiếp từ 30 - 31/3, các tỉnh Trung bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to. Mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển đã gây thiệt hai nặng nề đến nhiều địa phương.

Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đợt mưa lớn, giông lốc “dị thường” vừa qua gây thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 1/4 - Ảnh 3
Mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển đã gây thiệt hai nặng nề đến nhiều địa phương.

Cụ thể, có 2 người dân mất tích, 91 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, có 2.450 lồng tôm; 12 nhà dân và 1 trường học bị ảnh hưởng; trên 12.400ha lúa bị đổ ngã, ngập nước; 259 ha hoa màu bị thiệt hại. Ước tính khoảng 170 tỷ đồng thiệt hại.

“Đợt mưa lớn, giông lốc vừa qua khác hẳn với những nhận thức của người dân địa phương về thiên tai, mưa lũ. Tàu thuyền, lồng bè Phú Yên bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dòng chảy ngầm, sóng biển lớn khiến người dân trở tay không kịp”, ông Thế cho hay.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đợt mưa những ngày vừa qua là đợt mưa trái mùa, diễn ra trên diện rộng, kéo dài nhiều tỉnh miền Trung và không theo quy luật.

“Đề nghị các địa phương huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả trong đợt mưa gió bất thường vừa rồi, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Đối với những khu vực có lúa, hoa màu chuẩn bị thu hoạch ngập nước, cần mau chóng tiêu thoát lũ, thoát lũ đến đâu, thu hoạch đến đó để giảm thiệt hại cho người dân. Đối với tàu thuyền bị chìm, lồng bè nuôi hải sản hư hỏng, cần có giải pháp trục vớt, thu hồi kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong những ngày tới vẫn có mưa nên yêu cầu các địa phương rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân…cần có kế hoạch di dời kịp thời. Cần có sự ứng trực, phân tích kỹ và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để điều tiết mực nước tại các hồ đập, đặc biệt là đập thủy điện, tránh trường hợp xả lũ ẩu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu.

Tài chính xanh toàn cầu tăng hơn 100 lần trong giai đoạn 2012-2021

Một nghiên cứu của tổ chức TheCityUK (Vương quốc Anh) và ngân hàng BNP Paribas (Pháp) cho biết, tài chính xanh toàn cầu - nguồn tài chính nhằm vào các dự án thân thiện với môi trường trên khắp thế giới, đã tăng hơn 100 lần trong thập kỷ vừa qua.

Theo đó, việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu xanh và các khoản vay xanh, và tài trợ bằng vốn chủ sở hữu thông qua các đợt chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) nhằm vào các dự án xanh, đã tăng từ 5,2 tỷ USD năm 2012 lên 540,6 tỷ USD năm 2021.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 1/4 - Ảnh 4
Sự tăng trưởng của tài chính xanh toàn cầu cho thấy nỗ lực ngày càng lớn từ các chính phủ và các tập đoàn hướng tới hạn chế phát thải carbon và đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Sự tăng trưởng của tài chính xanh toàn cầu cho thấy nỗ lực ngày càng lớn từ các chính phủ và các tập đoàn hướng tới hạn chế phát thải carbon và đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Cũng theo dữ liệu nghiên cứu, trái phiếu xanh chiếm 93,1% tổng mức tài chính xanh huy động trên thế giới trong thập kỷ vừa qua. Cụ thể, năm 2021, phát hành trái phiếu xanh toàn cầu đạt 511,5 tỷ USD, so với mức 2,3 tỷ USD năm 2012.

Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 13,6% và 11,6% lượng trái phiếu xanh phát hành từ năm 2012 đến năm 2021, tiếp theo là Pháp và Đức với 10%.

Tỷ trọng tài chính xanh trong thị trường tài chính toàn cầu là khoảng 4% năm 2021, so với khoảng 0,1% năm 2012.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 1/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.