Chủ nhật, 28/04/2024 17:19 (GMT+7)
Thứ tư, 30/03/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3

Theo dõi KTMT trên

Từ đêm mai 31/3, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng tới Bắc Bộ; Từ 1/4, triển khai giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; Việt Nam tham dự Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 8... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 30/3.

Từ đêm mai 31/3, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng tới Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, khoảng đêm 31/3, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ, từ gần sáng và ngày 1/4 ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối và đêm 31/3 đến ngày 1/4, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3 - Ảnh 1
Từ đêm 31/3 miền Bắc trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi có nơi dưới 12 độ.

Ở Bắc Bộ từ đêm 31/3 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi có nơi dưới 12 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ ngày 01/4 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ.

Từ đêm 31/3, trong đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5; ở vịnh Bắc Bộ từ gần sáng ngày 01/4, gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Từ ngày 01/4, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m. Từ đêm 01/4, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m.

Riêng khu vực Hà Nội, từ chiều tối mai (31/3) đến ngày 1/4, có mưa rào và dông. Từ gần sáng ngày 01/4 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ.

Việt Nam tham dự Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 8

Mới đây, diễn đàn Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 8 đã khai mạc tại thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức.

Dưới khẩu hiệu "Từ tham vọng tới hành động," các bộ trưởng và phái đoàn cấp cao từ hơn 50 nước trên thế giới sẽ thảo luận trong 2 ngày 29-30/3 về chiến lược chuyển đổi thông minh các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới cũng như độc lập hơn với nhiên liệu hóa thạch.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu (BMWI) Robert Habeck, tình hình thế giới đang đặt vấn đề an ninh năng lượng vào trọng tâm của các cuộc thảo luận quốc tế; khẳng định nhu cầu cấp thiết thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mở rộng năng lượng tái tạo cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ông cho rằng chìa khóa quan trọng nhất đối với chủ quyền năng lượng là mở rộng nguồn năng lượng tái tạo - vấn đề chung đối với an ninh quốc gia, của châu Âu và quốc tế.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3 - Ảnh 2
Chìa khóa quan trọng nhất đối với chủ quyền năng lượng là mở rộng nguồn năng lượng tái tạo - vấn đề chung đối với an ninh quốc gia, của châu Âu và quốc tế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo liên bang Đức (BEE) Simone Peter, năng lượng tái tạo cung cấp nguồn cung năng lượng độc lập, ổn định, thân thiện với môi trường và tiện lợi đối với các khu vực và toàn cầu.

Các nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng hòa bình, có thể tạo nguồn cung một cách đáng tin cậy và không bị tác động bởi những căng thẳng quốc tế.

Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin diễn ra từ năm 2015 theo sáng kiến của Chính phủ Đức và được đồng tổ chức với Hiệp hội Năng lượng tái tạo liên bang, Hiệp hội Kinh tế năng lượng mặt trời liên bang (BSW-Solar), Công ty Năng lượng Đức (DENA) và Công ty tư vấn năng lượng ECLAREON.

Trong khuôn khổ các sự kiện trên, cùng ngày 29/3, đoàn công tác Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với đại diện một số tập đoàn lớn của Đức như ThyssenKrupp, SkyWind, Enertrag, PNE.

Cà Mau: Nhiều nguồn lực đầu tư bảo vệ bờ biển Tây

Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cùng với ảnh hưởng của các hình thức thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ biển tỉnh Cà Mau bị xói lở nghiêm trọng, diễn biến xói lở rất khó lường.

Theo đó, hiện Bộ NN&PTNT cùng với Tổ chức AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) tiến hành các bước đầu tiên nhằm tiến tới triển khai thực hiện chương trình thuộc dự án xây dựng đoạn kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến cửa biển Bảy Háp (huyện Phú Tân) với chiều dài khoảng 11 km, tổng mức đầu tư dự kiến 326 tỷ đồng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3 - Ảnh 3
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cùng với ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ biển tỉnh Cà Mau bị xói lở nghiêm trọng, diễn biến xói lở rất khó lường.

Đến nay, đã đầu tư xây dựng được 55 km kè kiên cố ven bờ biển Tây với tổng mức đầu tư khoảng 1.803 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân.

Cùng với đó, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (trực thuộc Bộ NN&PTNT) đang triển khai dự án kè chống sạt lở bờ biển Tây với chiều dài 15 km, tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT đồng thời phối hợp cùng với Tổ chức JICA (Nhật Bản) triển khai chương trình thuộc “Dự án cải thiện hệ thống thủy lợi các tỉnh ven biển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vay vốn ODA Nhật Bản (JICA5)" do Bộ NN&PTNT làm chủ quản đầu tư. Trong đó, Cà Mau có 2 hạng mục, gồm: Xây dựng nâng cấp tuyến đê biển Tây từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm, chiều dài 23 km, dự kiến kinh phí 600 tỷ đồng; Xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ bờ biển Tây, chiều dài 22 km, dự kiến kinh phí 660 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành từ Quảng Bình - Bình Thuận chủ động với mưa lũ trái mùa

Ngày 30/3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 171/VPTT gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 31/3 đến ngày 2/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to; trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông lên mức báo động 1; riêng các sông Quảng Ngãi lên mức báo động 1-báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3 - Ảnh 4
Từ ngày 31/3 đến ngày 2/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.

Đây là đợt mưa lũ trái mùa, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai văn bản số 167/VPTT ngày 28/3 và thực hiện theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh như có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Chính quyền và các cơ quan chức năng thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét.

Từ 1/4, triển khai giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 04/CĐ-TCT về việc thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa. Mức thuế cụ thể được quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3 - Ảnh 5
Từ ngày 1/4/2022-31/12/2022, chính thức triển khai giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.

Cụ thể, mức giảm được quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 18 như sau: xăng (trừ Etanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người nộp thuế trên địa bàn, đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Australia nỗ lực cứu loài chim biểu tượng trước nguy cơ tuyệt chủng

Một nhóm các nhà sinh vật học đã tập hợp các trình tự gen của Helmeted Honeyeater – một trong những loài chim ăn mật được coi là biểu tượng của đất nước Australia - nhằm khôi phục “dân số” của chúng.

Trong báo cáo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí GigaScience, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tạo ra bản đồ chất lượng cao về trình tự gene của loài chim Helmeted Honeyeater, qua đó cho phép các nhà bảo tồn có thể gia tăng "sức khỏe di truyền" của loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng này.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3 - Ảnh 6
Helmeted Honeyeater là loài chim biểu tượng của bang Victoria (Australia).

Tiến sỹ Diana Robledo-Ruiz thuộc trường Đại học Monash cho biết: "Trình tự gene và bản đồ gene sẽ được ứng dụng để đưa ra những giải pháp hài hòa, trong đó vừa giúp cứu loài chim này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng thông qua giao phối cận huyết, trong khi vẫn giữ được những đặc điểm độc đáo của chúng”.

Helmeted Honeyeater là loài chim biểu tượng của bang Victoria (Australia). Tuy nhiên, số lượng của loài này đã suy giảm đáng kể trong 200 năm qua.

Dữ liệu thống kê cho thấy ở thập niên 80 của thế kỷ trước, chỉ có khoảng 50 con chim Helmeted Honeyeater sống trong tự nhiên. Chúng đều là “cư dân” của Khu bảo tồn Thiên nhiên Yellingbo ở Victoria.

Hiện tại, quy mô quần thể Helmeted Honeyeater đã được phục hồi ở mức khoảng 250 con. Tuy nhiên, do mức độ giao phối cận huyết cao, loài chim này thiếu sự biến đổi di truyền để duy trì một quần thể khỏe mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 30/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới