Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 29/3
Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương; Ninh Bình khánh thành công trình ứng phó BĐKH; Bố trí 2.680 tỷ đồng phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 29/3.
Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang và Cà Mau, mưa lớn, mưa đá, dông lốc, sét xảy ra trong ngày 27/3 đã làm 1 người chết (tỉnh Bình Thuận). Bên cạnh đó, 183 nhà tốc mái, hư hỏng (tỉnh An Giang 158 nhà; tỉnh Đắk Nông 20 nhà; tỉnh Gia Lai 4 nhà; tỉnh Bình Phước 1 nhà; tỉnh Cà Mau 1 nhà).
Về nông nghiệp, 43,5 ha hoa màu, 22.530 cây trồng lâu năm, 350 cây cao su bị gãy đổ; 1 trang trại trồng nấm bị thiệt hại,…
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 30/3 đến 2/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong đó khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; các khu vực khác phổ biến từ 50-150mm/đợt, có nơi trên 200m/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông.
Trước diễn biến thiên tai còn nhiều phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung tại văn bản số 167/VPTT ngày 28/3/2022 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động ứng phó khi có tình huống, huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, sản xuất nông nghiệp và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
Ninh Bình khánh thành công trình ứng phó tác động biến đổi khí hậu
Tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức khánh thành Dự án xây dựng Âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và ứng phó tác động nước biển dâng cho 6 huyện, thành phố khu vực nam Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam tài trợ.
Giám đốc AFD tại Việt Nam Hervé Conan cho biết công trình sẽ góp phần cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi của người dân Ninh Bình trước những hệ quả của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Bên cạnh đó, giúp ngăn chặn sự xâm nhập mặn ở các khu vực sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi cho quản lý tài nguyên nước trong tỉnh.
Theo đó, Dự án có vai trò quan trọng trước mắt và lâu dài đối với công tác phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn, ngăn lũ và triều dâng vào sông Vạc, giảm thiểu tác động xâm nhập mặn và ngập úng cho gần 800 km2 đất (gần 60% diện tích đất toàn tỉnh) và diện tích nước ngọt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho hơn 730 nghìn người dân của 04 huyện (Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư) và 02 thành phố (Ninh Bình và Tam Điệp). Đồng thời, góp phần tăng hiệu quả của các âu thuyền đã có; tạo điều kiện phát triển giao thông đường thủy; cải thiện ý thức của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu ngày một gia tăng.
Bố trí 2.680 tỷ đồng phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL
Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ NN&PTNT, những năm qua do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng với tác động của việc phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội, tình hình sạt lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp, gây mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến ổn định dân sinh ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Trước tình hình trên, từ năm 2016 đến nay, các nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn ODA… đã hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL khoảng 9.764 tỷ đồng để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần ổn định cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã bố trí 2.680 tỷ đồng đầu tư cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do Bộ NN&PTNT quản lý; trong đó, đầu tư 382 tỷ đồng để xây dựng 15km kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Tổng cục Môi trường vừa tổ chức “Hội thảo phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học".
Tại hội thảo có tới hơn 30 câu hỏi, ý kiến thảo luận của địa phương liên quan đến các nhóm vấn đề: Việc điều tra, đánh giá và cách xác định di sản thiên nhiên, tổ chức quản lý, nguồn lực, trách nhiệm, nội dung của các hoạt động bảo vệ môi trường trong di sản thiên nhiên, đặc biệt tại những khu di sản thiên nhiên là khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất có các khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong các khu này; Cách xác định vùng đất ngập nước quan trọng và đề xuất vùng đất ngập nước quan trọng, công tác báo cáo và phân loại khu bảo tồn đất ngập nước; Hướng dẫn công tác kiểm kê, quan trắc, giám sát và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật quan trắc đa dạng sinh học trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; Lồng ghép nội dung đa dạng sinh học vào quy hoạch chung của tỉnh; Vấn đề xây dựng kế hoạch hành động của các địa phương để thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài đánh giá các ý kiến trao đổi, thảo luận, thống nhất tại Hội thảo góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định, chính sách về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đồng thời, nhấn mạnh, trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học sẽ tiếp tục xây dựng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật để tăng cường kết nối, thúc đẩy công tác quản lý di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại địa phương.
Mexico City dự định xây trang trại điện mặt trời đô thị lớn nhất thế giới
Thủ đô Mexico City của Mexico đang lên kế hoạch lắp đặt hàng nghìn tấm quang điện trên các mái nhà ở một khu chợ thực phẩm trong năm nay, biến nơi đây thành trang trại điện mặt trời đô thị lớn nhất trên thế giới.
Dự án điện mặt trời áp mái trị giá 400 triệu peso (19,9 triệu USD) sẽ được thực hiện tại khu vực chợ Central de Abasto - một chợ đầu mối sầm uất phục vụ khoảng 500 nghìn lượt khách mỗi ngày ở Mexico City, với tổng diện tích tương đương 400 sân vận động.
Cụ thể, khoảng 36.000 tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lắp đặt trên mái của 10.000 gian hàng ở chợ Central de Abasto.
Ông Fadlala Akabani, bộ trưởng phát triển kinh tế của Mexico City cho biết, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm nay, trang trại điện mặt trời này có khả năng tạo ra 18 megawatt (MW) điện, đủ để cung cấp cho khoảng 14.000 ngôi nhà.
Dự án đánh dấu một sáng kiến xanh hiếm hoi trong chính phủ của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, người vốn chủ trương ưu tiên sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch thông qua hai “gã khổng lồ” năng lượng nhà nước là công ty dầu khí quốc gia Pemex và công ty điện lực CFE. Ngoài ra, CFE hiện đang triển khai thiết kế, lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại chợ Central de Abasto, đồng thời cũng sẽ là đơn vị vận hành dự án sau này.
Lan Anh