Chủ nhật, 28/04/2024 04:48 (GMT+7)
    Thứ năm, 31/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 31/3

    Theo dõi KTMT trên

    Hơn 1.000 xe hàng vẫn ùn tắc ở cửa khẩu; Cổ phiếu nhóm FLC lao dốc... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 31/3/2022.

    Cổ phiếu nhóm FLC lao dốc về giá 'trà đá'

    Phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đóng cửa tăng nhẹ hơn 1 điểm, trong khi VN30-Index tăng hơn 8 điểm, nhờ sự hẫu thuẫn của các bluechip, dẫn đầu là VNM. Riêng VNM tăng mạnh 6,2%, kéo chỉ số chính tăng 2,5 điểm. Đóng cửa phiên hôm nay, VNM giá 80.900 đồng/cổ phiếu.

    Vừa qua, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu VNM với mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 1/4 đến 29/4/2022.

    Nếu thành công, SIC sẽ nâng sở hữu tại doanh nghiệp đầu ngành sữa lên 1,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,53%). Trong khi đó, công ty mẹ của SIC là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất của VNM, nắm quyền phủ quyết với 36% cổ phần.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 31/3 - Ảnh 1
    Cổ phiếu nhóm FLC lao dốc. (Ảnh minh hoạ)

    Sau động thái đăng ký mua vào của thành viên SCIC, cổ phiếu VNM tăng giá 3 phiên liên tiếp, thị giá tăng 7% chỉ sau 3 phiên.

    Nhóm ngân hàng tiếp tục “đỡ” chỉ số, nhờ giao dịch tích cực của CTG, VPB, TCB, ACB, MBB.. Nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng như VRE, VGC, BCM cũng lọt nhóm dẫn dắt thị trường.

    Dù vậy, sự phân hóa trên thị trường vẫn diễn ra rõ rệt, một số nhóm hàng hóa cơ bản như dầu khí, thép, phân bón, đồng loạt điều chỉnh. GAS là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, các mã ngành thép như HPG, HSG, hay phân bón, hóa chất DCM, DGC nới rộng thêm đà giảm của chỉ số.

    Ở nhóm bất động sản, các mã có yếu tố đầu tư như QCG, LDG, SCR, CEO, DIG… tiếp tục chìm trong sắc đỏ.

    Với “họ” FLC, lực cầu vẫn xuất hiện ở HAI, AMD, KLF, ART, các mã này đều khớp lệnh hàng chục triệu cổ phiếu. Ngược lại, FLC, ROS nằm sàn la liệt. Kết phiên, FLC vẫn còn 83,2 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn, lượng cổ phiếu đã trao tay trong phiên hôm nay chỉ là 1,5 triệu đơn vị.

    Còn ROS cũng dư bán sàn hơn 70,7 triệu cổ phiếu, lượng giao dịch chỉ đạt gần 670 nghìn đơn vị.

    Sau 4 phiên liên tiếp lao dốc từ đầu tuần, nhiều mã “họ” FLC đã về giá "trà đá". Đồng loạt HAI, AMD, KLF chỉ khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu. ROS 7.060 đồng/cổ phiếu ART 8.000 đồng/cổ phiếu. FLC giá 11.000 đồng/cổ phiếu, nếu diễn biến tiêu cực như những phiên vừa qua tiếp diễn, chỉ 2 phiên nữa FLC sẽ về dưới mệnh giá. FLC từng phải mất 10 năm “ngụp lặn” trước khi về mệnh 10.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2021.

    Điểm tích cực ở phiên giao dịch hôm nay, là khối ngoại mua ròng hơn 337 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào VNM, DGC. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VHM.

    Phó Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo ổn định, an toàn thị trường chứng khoán

    Ngày 30/3/2022, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.

    Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

    Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán.

    Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi và xử lý sớm, dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán như hệ thống giao dịch chứng khoán, việc công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo kiểm toán doanh nghiệp…

    Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xử lý nghiêm các vụ việc, vi phạm trên thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, minh bạch, ổn định và an toàn.

    Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời đưa tin trung thực, chính xác; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin, bài không đúng quy định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và ổn định thị trường chứng khoán.

    Hơn 1.000 xe hàng vẫn ùn tắc ở cửa khẩu

    Tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể, mà mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc là ví dụ. Tại thời điểm này, số lượng xe hàng còn nằm ở khu vực biên giới đã giảm đi rất nhiều. Việc giảm này do một mặt, chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan bị giảm đi nhiều, khiến doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu. Mặt khác do các doanh nghiệp nhận thức được cần thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa.

    Do vậy, số lượng xe tại thời điểm này còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe. Như vậy, tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu kéo dài từ tháng 8 năm ngoái đến nay vẫn chưa chấm dứt, dù tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần thông báo tạm ngừng tiếp nhận xe trái cây xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh này.

    Để hạn chế ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành Việt Nam và phía Trung Quốc đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thị trường ra khỏi các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, EU, Mỹ, sang các khu vực thị trường khác như: Mỹ la tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á...; Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước qua các sàn thương mại điện tử; khuyến khích xuất khẩu bằng đường biển, đường sắt…

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 31/3 - Ảnh 2
    Hơn 1.000 xe hàng vẫn ùn tắc ở cửa khẩu.

    Bộ Công Thương sẽ có tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, bên cạnh đường bộ cũng tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển…

    Giá vàng châu Á giảm trong phiên cuối cùng của tháng Ba

    Giá vàng châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 31/3, nhưng kim loại quý này đang hướng tới thiết lập mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ tháng 9/2020 giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.

    Trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống 1.921,55 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống 1.925 USD/ounce.

    Tính đến hiện tại, giá vàng đã tăng khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 và tăng 0,7% trong tháng Ba.

    Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại công ty môi giới tài chính Tiger Brokers (Australia), cho biết: “Các nhà đầu tư vàng đang cân bằng giữa tiềm năng giá tăng thêm dựa vào rủi ro địa chính trị và lạm phát, và triển vọng nguy hiểm của việc nắm giữ vàng với lãi suất tăng...”

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 31/3 - Ảnh 3
    Giá vàng châu Á giảm trong phiên cuối cùng của tháng Ba.

    Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng việc Mỹ nâng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý này - loại tài sản không có lãi suất.

    Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1% xuống 24,59 USD/ounce, nhưng đây là mức tăng hàng quý tốt nhất kể từ tháng 6/2021. Trong khi đó, giá bạch kim giảm 0,8% xuống 982,22 USD/ounce, song cũng là mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ tháng 9/2020.

    Trong khi đó, tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 52 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,15 – 68,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.

    Tăng vọt từ quý 1, thu ngân sách nhà nước đạt gần 450.000 tỷ đồng

    Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 30/3 đạt 449.093 tỷ đồng, đạt 31,81% dự toán cả năm.

    Trong số thu trên, thu nội địa (không kể dầu thô) là 358.951 tỷ đồng, đạt 30,5% dự toán năm. Sở dĩ thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2022 đạt khá là do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có sự hồi phục tốt.

    Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, trong tháng 3, cả nước có 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới tăng 96,2% so với tháng 2. Không chỉ số doanh nghiệp tăng mạnh, số vốn đăng ký cũng tăng dựng đứng, lên tới 127,3% so với cùng kỳ tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2021, cả chỉ tiêu số doanh nghiệp và số vốn cũng tăng khá mạnh, lần lượt là 28% và 71,3%.

    Bên cạnh đó, thu dầu thô 15.725 tỷ đồng, đạt 55,76% dự toán.

    Bộ Tài chính cho biết dự toán thu từ dầu thô dựa trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn, giá dầu bình quân khoảng 60 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm nên khoản thu từ xuất khẩu nhiên liệu này tăng mạnh.

    Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 107.300 tỷ đồng, bằng 30,48% dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, đã trừ hoàn thuế giá trị gia tăng 32.886 tỷ đồng, là 74.414 tỷ đồng, đạt 37,39% dự toán năm.

    Trong đó, thu ngân sách Trung ương 230.904 tỷ đồng, đạt 31,24% dự toán.

    Thu nội địa ngân sách Trung ương (không kể dầu thô) 140.773 tỷ đồng, đạt 27,92% dự toán.

    Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 107.290 tỷ đồng, bằng 30,48% dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu (đã trừ hoàn thuế giá trị gia tăng 32.886 tỷ đồng) là 74.405 tỷ đồng, đạt 37,39% dự toán (dự toán 199.000 tỷ đồng).

    Dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2022 là 153.000 tỷ đồng.

    Trước đó, theo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1/2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/3 mới ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng.

    Như vậy, trong nửa cuối tháng 3, ngân sách nhà nước thu được hơn 89 nghìn tỷ đồng với tốc độ tăng thu gấp gần 3 lần. Tính chung thu ngân sách nhà nước trong tháng 3 ước đạt 121 nghìn tỷ đồng.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 31/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới