Chủ nhật, 28/04/2024 23:12 (GMT+7)
Thứ năm, 31/03/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 31/3

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 36 thế giới về ô nhiễm bụi PM2.5; Năm 2021, thế giới thiệt hại 82 tỷ USD do lũ lụt; Mạng lưới theo dõi sự luân chuyển của rác thải nguy hại trên toàn cầu.. là những tin tức môi trường nổi bật ngày 31/3.

Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 36 thế giới về ô nhiễm bụi PM2.5

Theo "Báo cáo Chất lượng không khí Toàn cầu 2021" do IQAir/AirVisual mới công bố, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2021 tại Việt Nam theo trọng số dân số là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2020 (28,1 μg/m3) và năm 2019 (34,1 μg/m3).

Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 3/9 quốc gia Đông Nam Á (sau Indonesia và Myanmar) và đứng thứ 36/117 quốc gia trên thế giới có nồng độ PM2.5 trung bình năm cao nhất (đứng đầu là Bangladesh).

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 31/3 - Ảnh 1
Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 36 thế giới về ô nhiễm bụi PM2.5.

Tại Hà Nội, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2021 giảm 4,5% so với năm 2020, từ 37,9 μg/m3 xuống còn 36,2 μg/m3, xếp thứ 10/15 khu vực Đông Nam Á.

Thái Nguyên và Hải Phòng có mặt trong nhóm 5 thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á; trong khi chất lượng không khí ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế có xu hướng cải thiện trong năm 2021, giảm xuống dưới 25 μg/m3- mức tương đương tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam.

Báo cáo IQAir/AirVisual năm 2021 phân tích dữ liệu nồng độ bụi PM2.5 từ 6.475 thành phố và 117 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dữ liệu được thu thập từ các trạm quan trắc của chính phủ và các thiết bị đo chất lượng không khí sử dụng cảm biến của tư nhân.

Kết quả cho thấy trên thế giới, chỉ có 3% số thành phố và không có quốc gia nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm nằm dưới ngưỡng Khuyến nghị về chất lượng không khí mới của WHO.

Lâm Đồng bắt quả tang 5 đối tượng chặt phá rừng phòng hộ

Ngày 31/3, UBND TP.Đà Lạt cho biết lực lượng tuần tra bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung và Công an phường 7, TP.Đà Lạt vừa bắt quả tang 5 đối tượng phá rừng nhằm lấn chiếm đất rừng phòng hộ.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 31/3 - Ảnh 2
Bắt quả tang 5 đối tượng phá rừng nhằm lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại TP.Đà Lạt.

Cụ thể, vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/3, qua công tác tuần tra, Tổ công tác Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung và Công an phường 7, TP.Đà Lạt đã bắt quả tang 5 đối tượng đều trú tại TP.Đà Lạt gồm Hồ Văn Long (sinh năm 2000, ở phường 6); Nguyễn Thanh Toàn (sinh năm 1996, ở phường 7); Cao Thanh Khải (sinh năm 1999, ở phường 10); Nguyễn Hữu Phát (sinh năm 1991, ở phường 3) và Nguyễn Quốc Dũng (sinh năm 1993, ở phường 7) đang có hành vi đốn hạ cây rừng trái phép tại Tiểu khu 148A, do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung quản lý.

Kiểm tra tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận có 8 cây tạp đường kính từ 15-20cm trên diện tích khoảng 100m2 thuộc rừng phòng hộ đã bị đốn hạ bằng dao, rựa, với mục đích lấn chiếm đất rừng. Toàn bộ số cây được các đối tượng bỏ lại hiện trường.

Trước đó, vào ngày 20/3, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý 1 trường hợp đốn hạ thông trái phép tại Tiểu khu 158B, lâm phần nằm trên địa bàn xã Tà Nung. Cơ quan Công an đang phối hợp Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Năm 2021, thế giới thiệt hại 82 tỷ USD do lũ lụt

Theo cơ quan tái bảo hiểm Swiss Re Institute, năm 2021, lũ lụt khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 82 tỷ USD, chiếm gần một phần ba tổng thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra.

Trong đó, những vùng biển chung quanh Scotland và miền bắc nước Anh đã gây ra nhiều cơn bão cực mạnh trong những thập kỷ gần đây.

“Lũ lụt ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số thế giới, nhiều hơn bất kỳ nguy cơ nào khác. Vào năm 2021, đã có hơn 50 trận lũ lụt nghiêm trọng trên khắp thế giới, thường do lượng mưa cực lớn và nước dâng do bão ven biển gây ra”, ông Martin Bertogg, người phụ trách các nguy cơ thảm họa tại Swiss Re cho hay.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 31/3 - Ảnh 3
Năm 2021, lũ lụt khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 82 tỷ USD.

Từ lâu, các nhà khoa học nghĩ rằng lũ lụt nghiêm trọng hơn dọc theo các bờ biển trũng thấp là chỉ do mực nước biển dâng cao, gây ra bởi biến đổi khí hậu làm tan băng ở vùng cực và nước biển ấm lên khiến nước dâng.

Nhưng theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, kể từ năm 1960, ở các khu vực phía bắc của Vương quốc Anh, các cơn bão mạnh hơn và thường xuyên hơn trên Bắc Đại Tây Dương đã dẫn đến các đợt triều cường mạnh hơn. Hoạt động gia tăng của bão là nguyên nhân cho sự gia tăng lũ lụt do bão cực đoan cũng như mực nước biển dâng.

Tuy nhiên, chung quanh lục địa châu Âu, thời tiết dịu hơn đã loại bỏ tác động của triều cường do nước biển dâng từ năm 1960 đến năm 2018.

Tiến sĩ Francisco Calafat, Trung tâm Hải dương học Vương quốc Anh, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Hầu hết các quốc gia chỉ tính đến nguy cơ mực nước biển dâng và đều giả định khả năng nước dâng cực đoan sẽ không thay đổi". Ông cho rằng điều này có thể khiến các chính phủ đánh giá thấp lũ lụt trong tương lai.

Mạng lưới theo dõi sự luân chuyển của rác thải nguy hại trên toàn cầu

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý liên ngành và Hệ thống phức tạp ở Tây Ban Nha đã tạo ra một “mạng lưới rác thải toàn cầu” và sử dụng nó để theo dõi sự di chuyển của chất thải nguy hại trên thế giới.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Nature Communications mới đây, nhóm đã giới thiệu các yếu tố tạo nên mạng lưới rác thải của họ và những thông tin mà mạng lưới này cung cấp liên quan đến sự luân chuyển của các rác thải nguy hại trên toàn cầu.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 31/3 - Ảnh 4
Mỗi năm có khoảng 7-10 tỷ tấn chất thải được tạo ra, trong đó khoảng 300-500 tấn là chất thải nguy hại.

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm có khoảng 7-10 tỷ tấn chất thải được tạo ra, trong đó khoảng 300-500 tấn là chất thải nguy hại. Nhằm xử lý lượng nguyên liệu khổng lồ này, hoạt động buôn bán chất thải đã hình thành và phát triển. Một số nước vận chuyển một phần rác thải của họ sang các quốc gia khác. Các quốc gia này được trả tiền để tiếp nhận, và thường sử dụng chúng như một loại tài nguyên.

Xử lý chất thải có thể tạo ra nhiều nguyên vật liệu có giá trị, chẳng hạn như vàng trong đồ điện tử. Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã bắt tay vào tìm hiểu việc buôn bán chất thải và đặt tên cho công trình nghiên cứu này là “mạng lưới rác thải toàn cầu”.

Kết quả cho thấy, hơn 1,4 triệu tấn chất thải nguy hại đã được các quốc gia báo cáo theo các thỏa thuận của Công ước Basel trong khoảng thời gian trên. Ngoài ra, một lượng lớn loại chất thải này cũng đã bị xả ra môi trường một cách bất hợp pháp.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, họ có thể sử dụng mô hình của mình để xác định những quốc gia đang nhập khẩu và xuất khẩu chất thải nguy hại, và cả những quốc gia ở tại hoặc gần các điểm bão hòa chất thải. Trong số đó, 28 quốc gia được cho là đang có nguy cơ quá tải rác, và điều này có thể dẫn đến việc xử lý kém hiệu quả các chất thải nguy hại. Những tình huống như vậy có khả năng gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe cho những người sống gần các bãi rác.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 31/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới