Thứ sáu, 26/04/2024 23:28 (GMT+7)
    Thứ sáu, 22/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/4

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Công Thương sẽ kiểm tra lượng hàng của lọc dầu Nghi Sơn; Giá dầu thế giới liên tiếp tăng, vượt mức 100 USD/thùng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 22/4/2022.

    Bộ Công Thương sẽ kiểm tra lượng hàng của lọc dầu Nghi Sơn

    Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa chủ trì một cuộc họp để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24-2. Nội dung liên đến việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II-2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt.

    Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Công Thương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) sản xuất xăng dầu trong nước, trong mọi tình huống vẫn bảo đảm bao tiêu sản phẩm cho DN, trong đó có liên doanh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).

    Tinh thần chung, Bộ Công Thương không can thiệp vào nội bộ của DN nhưng các DN cũng cần thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình.

    Chia sẻ với những khó khăn mà các DN sản xuất trong nước đang phải đối mặt, nhưng Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/4 - Ảnh 1
    Bộ Công Thương sẽ kiểm tra lượng hàng của lọc dầu Nghi Sơn.

    Bộ trưởng nhấn mạnh PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương. Trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

    Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-BCT cho phù hợp tình hình. Trường hợp PVN không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, PVN cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.

    Trong khi PVN chưa có cam kết mang tính pháp lý và chịu trách nhiệm về tài chính đối với những cam kết về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 242/QĐ-BCT.

    Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các DN nhập khẩu xăng dầu, kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có.

    Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hóa của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.

    Trên cơ sở đó, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu báo cáo đề xuất phương án điều hành xăng dầu quý III và quý IV năm 2022.

    Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sớm triển khai và vận hành phần mềm quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

    Giá dầu thế giới liên tiếp tăng, vượt mức 100 USD/thùng

    Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch sáng 22-4, giá dầu giữ xu hướng tăng ngày hôm qua do tâm lý lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Đầu phiên hôm nay, dầu WTI tăng 0,08 USD/thùng tương ứng 0,08% lên mức 103,87 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,07 USD/thùng tương ứng 0,06% lên mức 108,40 USD/thùng.

    Dòng tiền chuyển dịch vào thị trường khi giá tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 ngày, khiến cho tổng giá trị giao dịch nhóm năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt 2.000 tỷ đồng.

    Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, việc đoán định cân bằng cung – cầu của thị trường vẫn đang là công tác khó khăn hơn bao giờ hết, mặc dù các tranh luận về tác động xung đột Nga – Ukraine lên thị trường năng lượng đã kéo dài từ khá lâu. Điều này khiến cho giá đang hình thành xu hướng giằng co.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/4 - Ảnh 2

    Cả 3 tổ chức năng lượng lớn là Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều đã hạ dự báo tiêu thụ dầu thế giới năm 2022 trong các báo cáo tháng 4.

    Bên cạnh đó, thay đổi trong môi trường vĩ mô cũng đang là yếu tố khiến cho thị trường khó khăn trong việc xác định hướng đi. Mới đây nhất, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4 đã hạ kì vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 từ 4,4% trong báo cáo tháng 1, xuống 3,6%.

    Trong khi đó, lạm phát lại được kỳ vọng tăng mạnh từ 3,9% lên 5,7%. Lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm lại là yếu tố khiến cho lo ngại về hiện tượng đình lạm, tức là nền kinh tế chững lại trong khi áp lực giá tăng rất lớn. Điều này gây áp lực lên giá dầu, do đây là nguồn năng lượng chính cho các hoạt động sản xuất.

    BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 20.600 tỷ đồng năm 2022

    Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (HSX: BID) vừa công bố cáo thường niên 2021 và định hướng phát triển trong giai đoạn 2022-2025.

    Tổng tài sản được ghi nhận ở mức 1,76 triệu tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ 2020, dẫn đầu về mức tài sản tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.

    Tổng nguồn vốn huy động tính đến ngày 31/12/2021 đạt 1,64 triệu tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt khoảng 1,5 triệu tỷ, tăng 16,5% so với đầu năm; chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

    Theo báo cáo của BIDV, năm 2021, quy mô huy động vốn tại BIDV vẫn tiếp tục giữ vị trí đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, chi phí vốn được tiết giảm giúp gia tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, cân đối vốn hiệu quả hỗ trợ nền kinh tế.

    Dư nợ tín dụng đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2020 và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ SME và FDI tương ứng tăng 15% và 21%.

    Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của BIDV đạt 10.841 tỷ đồng, tăng 50,1% so với năm 2020.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/4 - Ảnh 3
    BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 20.600 tỷ đồng năm 2022.

    Ngoài ra, các chỉ số hoạt động khác cũng đạt được kết quả tích cực, với tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 tại BIDV đạt 125.644 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất (CAR) đạt 8,97%; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đạt 83,36%. Vốn hóa thị trường đạt 187,67 nghìn tỷ đồng (8,16 tỷ USD).

    Năm 2021, BIDV đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25,7%, tương đương số vốn điều lệ tăng thêm 10.365 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ tại nhà băng này lên mức 50.585 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

    Đối với việc quản lý rủi ro thị trường, BIDV đã thiết lập cơ cấu tổ chức theo mô hình 03 tuyến bảo vệ, ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản gồm các chính sách, quy định và thực hiện đo lường, theo dõi, kiểm soát rủi ro và báo cáo theo đúng các quy định của NHNN cũng như yêu cầu quản trị nội bộ.

    Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, trước những biến động khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, BIDV kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của nhà băng này.

    Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,5%, huy động vốn phù hợp với mức sử dụng vốn và cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng với dự kiến tăng 13% trong năm nay.

    Ngày 29/4 tới đây, BIDV sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, theo đó Thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng quản trị giai đoạn 2017 – 2021, định hướng hoạt động 2022 – 2027 và trọng tâm hoạt động năm 2022.

    Quỹ nhà nước Na Uy thất thoát 74 tỷ USD trong quý 1 năm 2022

    Quỹ tài sản chủ quyền của nhà nước Na Uy, quỹ lớn nhất thế giới, ngày 21/4 thông báo đã thất thoát 653 tỷ crown Na Uy (tương đương 74,2 tỷ USD) trong quý 1 năm 2022 do căng thẳng Nga-Ukraine và nhiều sự kiện toàn cầu khác tác động đến giá trái phiếu và cổ phiếu của quỹ.

    Lãi đầu tư của quỹ trị giá 1.300 tỷ USD này hiện đang âm 4,9% trong thời gian từ tháng Một đến tháng Ba.

    Phó Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng quản lý đầu tư Na Uy, ông Trond Grande cho biết: "Quý đầu năm nay được đặc trưng bởi các rối loạn địa chính trị, ảnh hưởng đến các thị trường.

    Tiền lãi âm đối với cả chứng khoán và thu nhập cố định, nhưng vẫn dương đối với bất động sản không niêm yết trên sàn giao dịch."

    Ngoài căng thẳng Nga-Ukraine, các thị trường toàn cầu cũng đang bị tác động của sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron siêu lây nhiễm trong quý 1, cũng như lạm phát tăng phi mã làm giảm giá trị của các trái phiếu chính phủ.

    Tổng cộng, 70,9% quỹ được đầu tư vào chứng khoán tính đến cuối tháng Ba, trong khi 26,3% đầu tư vào tài sản cố định, 2,7% đầu tư vào bất động sản không niêm yết trên thị trường chứng khoán và 0,1% đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

    Được thành lập năm 1996, thu nhập đầu tư của quỹ này xuất phát từ các cổ phiếu trong lĩnh vực dầu và khí đốt của khoảng 9.300 công ty trên toàn cầu, sở hữu 1,3% tổng số cổ phiếu được niêm yết.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới