Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 10/8
Việt Nam cần 8 - 14 tỷ USD đầu tư điện mỗi năm; Mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm để mua sắm online... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 10/8.
Việt Nam cần 8 - 14 tỷ USD đầu tư điện mỗi năm
Reuters ngày hôm nay đưa tin, dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam sẽ cần đầu tư từ 8 đến 14 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để phát triển các nhà máy điện mới và mở rộng lưới điện.
Trong số này, 75% sẽ được chi cho các nhà máy điện mới, ưu tiên cho các nguồn tái tạo và 25% cho việc mở rộng lưới điện.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói rằng, đất nước sẽ tìm cách huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân cho các dự án điện mới.
Việt Nam cần tăng công suất phát điện lên khoảng 10% một năm để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh dân số đang phát triển nhanh.
Theo ông Đặng Hoàng An, Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, sẽ nâng công suất gió ngoài khơi lên 7 gigawatt (GW) vào năm 2030 và lên 65 GW vào năm 2045, đồng thời cắt giảm tỷ trọng than trong cơ cấu năng lượng của mình.
Ông Đặng Hoàng An nói: "Việt Nam sẽ không bổ sung các nhà máy nhiệt điện than mới vào quy hoạch tổng thể phát triển điện và sẽ chỉ tiếp tục các dự án than đang được xây dựng cho đến năm 2030".
Tháng trước, Bộ Công thương đã yêu cầu Chính phủ loại bỏ các dự án than trong tương lai với tổng công suất 14,12 GW khỏi quy hoạch tổng thể phát triển điện đang được soạn thảo.
Theo dự thảo mới nhất của quy hoạch tổng thể phát triển điện năng, tổng công suất phát điện của Việt Nam sẽ được nâng lên 121 GW vào năm 2030 và 284 GW vào năm 2045, từ 76,6 GW vào cuối năm ngoái.
Sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam đã trở thành mối quan tâm của thị trường năng lượng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, song song với các cam kết quốc tế về chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm để mua sắm online
Theo Sách trắng thương mại điện tử, dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.
Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng thuộc Top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. Để có được tốc độ tăng trưởng trên, bên cạnh việc các sàn thương mại điện tử đa dạng hóa sản phẩm cũng như thêm nhiều kênh tiếp cận cho người tiêu dùng còn phải kể đến sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Cụ thể, hệ thống các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên thị trường đã phát triển khá đa dạng, hiện diện tại hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 15,31 đơn vị; tỉ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,13%; số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 27,70 máy; số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 439,26 máy. Điều này đã thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày một tăng.
Thống kê cho thấy, trong thời gian qua, giá trị thanh toán qua Internet tăng 48,76%; thanh toán qua điện thoại di động tăng 87,5%; đặc biệt thanh toán qua mã QR tăng 125,5%; thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 21,16%... so với cùng kỳ năm 2020...
Một kết quả đáng chú ý khác là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tích cực cải thiện. NHNN đã chỉ đạo các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Những con số tăng trưởng ấn tượng trên của ngành ngân hàng cũng như thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngoài việc hưởng các lợi ích từ thị trường thương mại điện tử cũng phải đối mặt với không ít các rủi ro.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng hóa giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau. Mặc dù các lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó, hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp "ảo" không đơn giản.
Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; vừa thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn.
Như vậy, thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử trong thời gian tới cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng.
Đức: Tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ trong tháng 7, xuống mức 7,5%
Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này trong tháng 7/2022 đã giảm nhẹ xuống mức 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu giảm.
Destatis cho biết mặc dù giảm nhẹ trong hai tháng liền, từ mức 7,9% trong tháng 5 xuống 7,6% trong tháng 6 và 7,5% trong tháng 7, nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao.
Theo Destatis, giá các sản phẩm năng lượng tăng cao vẫn là nguyên nhân chính khiến lạm phát ở mức cao. Ngoài ra, còn những vấn đề khác như chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sự tăng giá nguyên liệu và sản phẩm trung gian ở tất cả các lĩnh vực kinh tế khiến hàng hóa và dịch vụ khác trở nên đắt đỏ hơn...
Destatis cũng cho biết hai biện pháp trong gói cứu trợ của chính phủ Đức là cung cấp vé tháng phương tiện công cộng 9 euro và giảm giá nhiên liệu đã có tác động làm giảm nhẹ lạm phát nói chung kể từ tháng 6/2022.
Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp cứu trợ, trong tháng 7/2022, giá các sản phẩm năng lượng vẫn cao hơn 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực cũng tăng trung bình 14,8% trong tháng 7/2022 (so với tháng 7/2021).
Tỷ lệ lạm phát cao cùng với giá trị đồng euro giảm mạnh làm giảm sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát hiện giảm nhẹ nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, khi gói cứu trợ giảm giá nhiên liệu và vé 9 euro hết hiệu lực vào cuối tháng Tám.
Dự báo, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu than giai đoạn 2025-2035
Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam. Theo thông tin tại dự thảo này, với nhu cầu sử dụng than tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào 2030-2035, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Theo thông tin từ Bộ này, hiện nay, ngành than gồm 2 đơn vị sản xuất than chính là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, chiếm khoảng 95% tổng sản lượng than toàn ngành.
Số liệu cho thấy, than tiêu thụ trong nước tăng nhanh từ 27,8 triệu tấn năm 2011 (chiếm 62,2% tổng lượng than tiêu thụ) lên 38,77% triệu tấn năm 2015 (chiếm 96,8%) và khoảng 53,52 triệu tấn năm 2021 (chiếm 96,7%). Như vậy, khối lượng than tiêu thụ hiện nay tăng gấp trên 2 lần so với năm 2011; trong đó, chủ yếu là than cho sản xuất điện có tốc độ tăng trưởng lớn, gần 4 lần và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các hộ tiêu thụ than.
Bộ Công Thương dự báo, Việt Nam là nước đang phát triển, do đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp, trong đó có than thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao đạt đỉnh vào giai đoạn năm 2030-2035. Sau đó sẽ giảm dần do nhiều nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau năm 2035 và điều này phù hợp với lộ trình phát triển ngành năng lượng. Dự báo nhu cầu sử dụng than của Việt Nam sẽ khoảng từ 94-97 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên đạt đỉnh khoảng 125-127 triệu tấn vào năm 2030; đến 2045, nhu cầu than sẽ giảm còn 73-76 triệu tấn/năm.
Trên cơ sở tài nguyên và trữ lượng than, điều kiện địa chất và công nghệ khai thác, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến khả năng huy động than tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đạt từ 43-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Sau đó, giảm dần vào giai đoạn 2035-2045 còn khoảng 45 triệu tấn than.
Nhu cầu than năng lượng sau năm 2040 sẽ sụt giảm do chuyển dịch năng lượng đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, than sử dụng cho các mục đích phi năng lượng như phân đạm, hóa chất, hydro sẽ được khuyến khích phát triển để đảm bảo phát triển bền vững ngành than trong nước. Do vậy, than thương phẩm sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu với các chủng loại than chất lượng cao.
Theo dự báo, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao đến năm 2035 từ 94-127 triệu tấn/năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất. Sau đó sẽ giảm dần còn từ 73-76 triệu tấn vào năm 2045. Trong khi đó, than thương phẩm sản xuất trong nước chỉ duy trì khoảng 45-47 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn 42-44 triệu tấn/năm vào 2045.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.
Bộ Công Thương nhận định, tiềm năng tài nguyên than là có hạn, mức độ thăm dò hạn chế; điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do khai thác xuống sâu, đi xa hơn dẫn đến chi phí sản xuất than và giá thành sản phẩm than tăng cao.
Bên cạnh đó, ngành than không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên... Các doanh nghiệp ngành mỏ cũng phải đối mặt với việc thiếu hụt lao động do môi trường nặng nhọc, ảnh hưởng sức khỏe và xu thế chuyển dịch năng lượng ngành than cũng đòi hỏi cắt giảm sản lượng khai thác hoặc chuyển sang chế biến các sản phẩm ít phát thải hơn.
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương cho hay, về thị trường than giai đoạn đến 2030, hầu hết than trong nước sẽ được ưu tiên cấp cho sản xuất điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chiếm khoảng 85-90% (tương ứng 39-42 triệu tấn) tổng sản lượng than thương phẩm khai thác.
Cùng với đó, Việt Nam phải nhập khẩu than nhiều nhất khoảng 80 triệu tấn vào năm 2030. Trong giai đoạn này, Việt Nam từng bước hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than và các đầu mối cung cấp than.
Để đảm bảo phát triển ngành than, tại dự thảo, Bộ Công Thương cho biết, về cơ chế chính sách, nhà nước tổ chức điều tra, đánh giá đối với Bể than sông Hồng và một số bể than khác thuộc vùng thềm lục địa Việt Nam để đảm bảo yêu cầu cho thăm dò, phát triển các dự án khai thác than; ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài, tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước.
Các địa phương có tài nguyên than ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị ngành than trong giải phóng mặt bằng, tái định cư để thăm dò, khai thác.
Bộ này cũng đề xuất, Chính phủ chỉ đạo, điều hành giá bán than sản xuất trong nước theo cơ chế thị trường, đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có mức lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than; ban hành chỉ số giá than trong giao dịch than nhập khẩu phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế...
Ngoài ra, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, liên danh, liên kết với các đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án khai thác than tại các khu vực mà ngành than còn chưa làm chủ được công nghệ; tiếp nhận công nghệ trong chế tạo thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, kinh doanh mỏ...
Hà Lan