Thứ tư, 24/04/2024 03:53 (GMT+7)
Thứ ba, 09/08/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/8

Theo dõi KTMT trên

WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.5% trong năm 2022; Kinh tế số chiếm hơn 10% GDP...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 9/8.

Đề xuất mức phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa là 80.000 đồng/bộ cấp mới

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đề án thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Trong đó, dự kiến mức thu chung là 80.000 đồng/bộ C/O cấp mới và 30.000 đồng/bộ đối với trường hợp cấp lại, cấp bổ sung.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện cơ quan này đang cấp C/O không thu phí. Trong đề án thu phí chứng nhận C/O, Bộ Công Thương xác định chi phí tính cho 1 lần cấp mới C/O được xác định bằng tổng chi phí phát sinh bình quân trong 1 năm chia cho tổng số lượng C/O được cấp trong 1 năm, cơ quan thu phí là cơ quan nhà nước.

Theo đó, Bộ Công Thương tính toán, chi phí phát sinh trong 1 năm là 75,77 tỷ đồng, bao gồm chi phí phục vụ công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa là 39,92 tỷ đồng, chi phí công tác kiểm tra, xác minh trước và sau khi cấp C/O (40% số lượng hồ sơ) là 27,15 tỷ đồng và chi phí đào tạo, phổ biến kiến thức và chi phí khác là 8,7 tỷ đồng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 1
Thủy sản xuất khẩu cần được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trong khi đó, tổng số hồ sơ được cấp trong 1 năm tạm tính là 1,26 triệu bộ. Năm 2021 đã cấp 1.163.924 bộ C/O. Như vậy, mức thu tính cho 1 bộ C/O cấp mới được Bộ Công Thương xác định là 60.135 đồng.

Đối với trường hợp cấp lại, cấp bổ sung, Bộ Công Thương cho rằng, lần cấp này chỉ tính đến chi phí phục vụ công tác chứng nhận xứ xứ hàng hóa cho tổng số lượng C/O được cấp mới trong 1 năm. Ước tính, chi phí này khoảng 35% giá trị của một bộ C/O cấp mới, tức 60.135 đồng x 35% là 21.047 đồng/bộ. Mức phí này áp dụng với cơ quan thu phí là cơ quan nhà nước.

Với cơ quan thu phí không phải là cơ quan nhà nước, chi phí tính cho 1 lần cấp mới C/O cũng được xác định bằng tổng chi phí phát sinh bình quân 1 năm chia cho tổng lượng hồ sơ cấp trong 1 năm.

Theo đó, tổng chi phí phát sinh trong 1 năm là 32,566 tỷ đồng, trong khi số bộ hồ sơ cấp trong 1 năm tạm tính là 400.000 bộ (theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số bộ C/O đã cấp trong năm 2021 là 372.151 bộ). Như vậy, mức thu phí tính cho 1 bộ C/O cấp mới là 80.415 đồng.

Trường hợp cấp lại, cấp bổ sung với cơ quan thu không phải là cơ quan nhà nước cũng được tính tương tự như trường hợp cơ quan thu là cơ quan nhà nước, tức 80.415 đồng nhân cho 35%, sẽ là 28.145 đồng/bộ C/O.

Căn cứ vào mức thu cấp mới và cấp lại, cấp bổ sung C/O đối với cơ quan thu là cơ quan nhà nước và cơ quan thu không phải là cơ quan nhà nước, Bộ Công Thương đề xuất, mức thu phí chung đối với cấp mới là 80.000 đồng/bộ và cấp lại, cấp bổ sung là 30.000 đồng/bộ.

Đối với thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, việc xác định mức thu căn cứ trên mức chi phí cho tổ chức đào tạo và cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ cho học viên; kiểm tra, xác minh năng lực của doanh nghiệp; kiểm tra định kỳ về hoạt động tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại doanh nghiệp.

Căn cứ vào những yếu tố nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất, mức thu với nội dung này là 1 triệu đồng/thương nhân và thời điểm thu là khi thương nhân được cấp văn bản chấp thuận được tự chứng nhận xuất xứ.

Theo Bộ Công Thương, mỗi C/O tương ứng với một lô hàng xuất khẩu. Nếu tính trung bình mỗi lô hàng tương ứng với 1 container, với hàng dệt may 1 container có giá trị khoảng 700.000-800.000 đô la Mỹ thì chi phí cho mỗi C/O chỉ khoảng 3,4 đô la Mỹ.

“Như vậy, mức phí C/O chỉ chiếm một tỷ trọng hết sức nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm, trong khi lợi nhuận đem lại rất to lớn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn đô la Mỹ do được hưởng ưu đãi thuế hoặc không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt (thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp). Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng để nộp phí”, đề án của Bộ Công Thương viết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng so sánh với mức phí chứng nhận xuất xứ của Việt Nam so với một số nước trong khu vực ASEAN cho thấy, mức phí của Việt Nam là rất thấp.

Cụ thể, Campuchia mức phí cho 1 bộ C/O từ 277.000 đồng đến 1,3 triệu đồng; Thái Lan là 166.000 đồng và Singapore là 150.000 đồng.

Về tỷ lệ để lại đối với số thu cấp C/O, trong đề án Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ số phí thu được trích lại cho cơ quan thu phí là cơ quan nhà nước là 75%. Trong khi đó, tỷ lệ số phí thu được trích để lại cho cơ quan thu phí không phải là cơ quan nhà nước là 100%.

WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.5% trong năm 2022

Báo cáo được công bố nhằm mục đích phân tích những diễn biến mới nhất của nền kinh tế Việt Nam, đưa ra những dự báo về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của nền kinh tế cũng như nhận định rủi ro nội tại và bên ngoài liên quan đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Theo WB, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế được công bố 6 tháng một lần của WB Việt Nam với tiêu đề "Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng" các chuyên gia phân tích: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý 4/2021, 5,1% trong Quý I/2022, và 7,7% trong Quý II/2022, khi người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi. Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 2
WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.5% trong năm 2022.

Quá trình phục hồi trong nước mới chỉ bắt đầu trong khi triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. Do đó, báo cáo khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó. Trước mắt, liên quan đến chính sách tài khóa, WB khuyến nghị trọng tâm nên nhằm vào tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng.

Trong khu vực tài chính, khuyến nghị đề ra là theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu, đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ. WB nhận thấy, nếu rủi ro lạm phát tăng tốc và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: “Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn".

Theo báo cáo của WB, đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt tỷ lệ nhập học đại học bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển sinh 3,8 triệu sinh viên vào các cơ sở giáo dục đại học, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

Đổi mới hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam có thể hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển. Chi phí tài chính cho việc học đại học ngày càng lớn và nhận định về lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo học đại học là những lý do khiến cho nhu cầu trở nên yếu đi.

Để giải quyết vấn đề này, báo cáo của WB đưa ra những khuyến nghị chi tiết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, trong đó có khuyến nghị về mở rộng áp dụng công nghệ số, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân và hài hòa hệ thống văn bản pháp quy.

Theo WB, đổi mới hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam có thể hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, thực trạng chi phí tài chính cho việc học đại học ngày càng lớn và nhận định về lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo học đại học là những lý do khiến cho nhu cầu trở nên yếu đi. Ngoài ra, hệ thống còn có những bất cập khác như không cung cấp được những kỹ năng mà chủ sử dụng lao động cần có, thiếu đầu tư từ ngân sách, thể chế quản trị giáo dục đại học còn yếu và manh mún.

Theo khảo sát về doanh nghiệp và kỹ năng của WB (2019), 73% doanh nghiệp Việt Nam trong mẫu cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, 54% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng cảm xúc - xã hội, và 68% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.

Kinh tế số chiếm hơn 10% GDP

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam hiện nay ước đạt 67.300 đơn vị. Kinh tế số đang chiếm khoảng 10% giá trị GDP.

Trong phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính 10,41%. Tỷ trọng này trong năm 2021 ước tính 9,6%. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 20%.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 đơn vị, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử là 100%.

Tính riêng 5 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Doanh thu an toàn thông tin mạng đạt 1.418 tỷ đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông di động đã phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money tăng khoảng 4 lần so với đầu năm.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định nâng lên 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 3

Theo báo cáo của Bộ TTTT, tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả khi phục vụ người dân, điển hình như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; dịch vụ đăng ký, cấp biển số môtô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.

Bộ TTTT đã phối hợp các Bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch ủy ban - nhấn mạnh phải chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Ông lưu ý nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính.

HSBC công bố Quỹ tài trợ cho nữ doanh nhân tại Việt Nam

Ngày 9/8, Ngân hàng HSBC thông tin ra mắt Quỹ tài trợ nữ doanh nhân tại thị trường Việt Nam, sau khi quỹ này được giới thiệu và triển khai thành công tại hơn 10 thị trường khác của HSBC trên toàn cầu.

Chương trình sẽ giúp các chủ doanh nghiệp nữ tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, tham gia mạng lưới quốc tế rộng lớn và các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quỹ tài trợ nữ doanh nhân HSBC đặt mục tiêu cung cấp 1 tỷ USD tài trợ cho các nhà sáng lập doanh nghiệp nữ đủ điều kiện trên khắp thế giới. Quỹ dành cho khách hàng hiện tại và khách hàng mới của HSBC.

Để tham gia chương trình quỹ, các doanh nghiệp cần đủ điều kiện trở thành khách hàng doanh nghiệp của HSBC. Khi tham gia chương trình, bên cạnh việc có thể tiếp cận nguồn vốn, các nữ doanh nhân sẽ nhận được hỗ trợ toàn diện từ mạng lưới chuyên gia toàn cầu của HSBC, tham dự các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia cộng đồng những nữ doanh nhân cùng chí hướng từ khắp nơi trên thế giới.

Theo đại diện HSBC, phụ nữ Việt Nam đang tham gia điều hành các doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo nữ vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở Việt Nam và một số quốc gia khác, phụ nữ phải đối mặt với những thiên kiến về tài chính và sự bất bình đẳng khi tiếp cận nguồn vốn so với nam giới.

Với Quỹ tài trợ nữ doanh nhân, HSBC Việt Nam mong muốn hợp tác cùng những đối tác nam và nữ giới trong kinh doanh, những khách hàng đã đồng hành cùng HSBC trong nhiều năm để thúc đẩy và hỗ trợ nữ doanh nhân ở Việt Nam.

Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, khu vực Nam và Đông Nam Á, Ngân hàng HSBC chia sẻ: “Khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với nữ doanh nhân tại Việt Nam và nhiều nơi khác. Đại dịch COVID-19 đã có nhiều tác động bất cân xứng tới những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Do đó, chúng ta cần hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề này. Dỡ bỏ những rào cản đối với nữ doanh nhân và xây dựng những nền tảng cũng như sự hỗ trợ cần thiết giúp họ mở rộng và phát triển kinh doanh là những điều kiện vô cùng quan trọng nhằm giải quyết các thách thức này. Từng bước, chúng ta đang cùng nhau phá vỡ những thiên kiến và tạo lập một sân chơi bình đẳng.”

Với chương trình quỹ vừa ra mắt tại Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng) - một tập đoàn giáo dục quốc tế, với các hệ thống trường học liên cấp, trường đại học hiện đại – là đơn vị đầu tiên tham gia chương trình này.

Theo đó, Nguyễn Hoàng đã tham gia một khoản vay hợp vốn có kỳ hạn do HSBC Việt Nam thu xếp. Trong thương vụ này, HSBC Việt Nam đóng vai trò là cố vấn và đầu mối thu xếp chính.

Với khoản tín dụng này, Nguyễn Hoàng bổ sung thêm vào việc mở rộng và xây dựng phát triển các dự án giáo dục của mình, hướng đến cung cấp những chương trình đào tạo chất lượng cao dành cho học sinh sinh viên Việt Nam, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, phụ nữ đang xoay chuyển vai trò của họ. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoạt động trong nhiều ngành nghề đa dạng và tạo ra doanh thu không hề thua kém với doanh nghiệp của nam giới. Không chỉ tích cực đóng góp cho thu nhập gia đình, giờ đây phụ nữ còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên, những lầm tưởng về nữ doanh nhân và tiềm năng phát triển của họ vẫn tồn tại. Quỹ tài trợ nữ doanh nhân HSBC ra đời với hy vọng sẽ phá vỡ những thiên kiến đang kìm hãm phụ nữ”.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.