Đồng Nai: Hài hòa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đến chất lượng môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải xây dựng các phương án xử lý nước thải, bảo vệ môi trường hiệu quả, nhất là tại các KCN.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đồng thời, bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các Khu công nghiệp (KCN). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm.
Cũng theo Phó Chủ tịch tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm và tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp.
Một trong những điểm nhấn của tỉnh Đồng Nai đó là nhiều năm nay địa phương này không thu hút đầu tư ồ ạt mà chọn lọc dự án sử dụng công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải. Các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, phát sinh chất thải lớn thì tỉnh từ chối. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, trong đó 31 KCN đi vào hoạt động, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về các KCN tập trung. Hiện nay, 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, với tổng công suất thiết kế là 181.670 m3/ngày.đêm (vốn đầu tư khoảng 2.139 tỷ đồng).
Trong đó, 30 KCN đã vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; 01 KCN (Ông Kèo) đã hoàn thành phần xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị hệ thống xử lý nước thải tập trung (công suất thiết kế 3.000m3/ngày) và xây dựng các tuyến thu gom nước thải, đang thực hiện việc đấu nối nước thải với các doanh nghiệp trong KCN để đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào vận hành chạy thử nghiệm.
Hiện tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 127.754m3/ngày, trong đó lượng nước thải của các doanh nghiệp thu gom đấu nối về các hệ thống xử lý nước thải tập trung là 99.821m3/ngày (chiếm tỷ lệ 78,14%); lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp là 27.902 m3/ngày (chiếm tỷ lệ 21,84%); lượng nước thải còn lại của các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 31m3/ngày.đêm (chiếm tỷ lệ 0,02%).
Trong đó, 25 KCN đã được tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Ngoài hệ thống quan trắc, định kỳ và đột xuất, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải và đôn đốc các doanh nghiệp mới đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các KCN nhằm hạn chế phát sinh nước thải ra môi trường.
Thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các KCN xây dựng, nâng cấp vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 100% nước thải công nghiệp được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư. Hiện tại, KCN Amata (TP Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của cả nước được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu, mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các KCN trong tỉnh.
Dự kiến, trong tương lai, Đồng Nai sẽ có thêm 6 KCN. Do đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm tại các KCN có thể xảy ra.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu chủ đầu tư các KCN phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp; theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng sẽ nâng cao năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên các dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường; đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường.
Vũ Thanh