Tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/3
Sốt đất điên đảo, nhà đầu tư Nghệ An đổ xô vào Quảng Bình 'săn đất' ; Phó Chủ tịch thường trực VNREA kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai, nhà ở…; Giá bất động sản liên tục tăng mạnh, chuyên gia vạch rõ lý do… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Sốt đất điên đảo, nhà đầu tư Nghệ An đổ xô vào Quảng Bình 'săn đất'
Thị trường bất động sản ngày càng trở nên sôi động, gây bão lớn nhiều vùng miền trong cả nước. Với địa bàn Nghệ An, chỉ cần nhìn thấy 3-5 người ngồi uống cà phê ở góc phố nào đều nghe râm ran bàn chuyện nhà đất.
Ở Nghệ An trong những năm gần đây xuất hiện nhiều cá nhân tổ chức môi giới, buôn bán bất động sản (BĐS) làm cho thị trường từ thành phố Vinh đến vùng ven như huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò... trở nên rất sôi động. Giá đất ở khu vực này được đẩy lên rất cao so với thực tế.
Buổi sáng lúc 8h, tại quán cà phê S., TP Vinh, mọi người chỉ cần ngồi ở một bàn uống nước bất kỳ, có thể dễ dàng bắt gặp những nam thanh nữ tú đang bàn về buôn bán đất. Khi một người cung cấp thông tin về thửa đất thì lập tức cả nhóm đăng tin lên mạng xã hội, kêu gọi và mời chào.
Anh Đức, một người đi mua đất với ý định để xây nhà, anh mua được mảnh đất 2 năm trước giá 7 triệu/m2 ở xã Nghi Ân (TP Vinh) nhưng chưa đủ tiền làm nhà. Gần 1 năm sau, nhiều người hỏi mua để bán lại, được giá anh bán thửa đất gần 200m2 thu lời hơn 1 tỷ đồng. Từ đây, anh Đức thấy việc tham gia buôn bán, chuyển nhượng bất động sản đã mang lại khoản thu nhập lớn cho gia đình.
“Giao dịch thửa đất cũng tại quán cà phê, đến khi bàn giao và chuyển nhượng lại cho người khác cũng ở quán. Giờ tôi thấy việc buôn bán một vài miếng đất để kiếm tiền cũng không phải là quá khó. Từ một mình tôi giờ nhóm có thêm 5 anh, chị em cùng tham gia. Có miếng đất mình chỉ cần giới thiệu người này đến mua thì đã được 1% hoa hồng từ gia chủ có tài sản” – anh Đức chia sẻ về việc tận dụng thời gian nhàn rỗi để buôn đất.
Cũng theo anh Đức và nhóm kinh doanh, ở Nghệ An thời điểm này không chỉ dân chuyện nghiệp về BĐS mới tham gia kinh doanh, môi giới nhà đất mà rất nhiều người là bác sĩ, giáo viên, cán bộ công nhân viên chức cũng tranh thủ thời gian rỗi để rao bán đất qua mạng xã hội. Những thành phần này tham gia vào “cuộc chơi” với BĐS phần nhiều phát sinh từ sự mua đi bán lại và rất nhanh chóng có lãi lớn.
Phó Chủ tịch thường trực VNREA kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản
Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), đất đai là yếu tố quan trọng đóng vai trò chi phối các hoạt động của thị trường bất động sản. Do đó, việc hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý phát triển bất động sản đa công năng là phải sửa đổi đồng bộ giữa các Luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản nói riêng và các Luật chuyên ngành nói chung.
Tại hội nghị “Góp ý sửa đổi Luật Đất đai – Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản” do VNREA tổ chức, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu rõ những quy định, các điều khoản còn tồn tại những bất cập, hạn chế trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Trước hết, về vấn đề quy hoạch chung đất đai và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, trong đó ông Khôi nhấn mạnh, cần bổ sung định danh cho đất Resort Villa, Codotel, Shophose, Homestay… xác định đất để phát triển nhà ở xã hội và hoàn thiện cơ chế nhà ở công nhân. Quy hoạch đồng bộ với quy hoạch chuyên ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nghiên cứu quy định gọn, nhanh và rõ việc cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Cần quy định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất để phù hợp với Luật Nhà ở và được chia làm hai hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai và đấu thầu dự án. Luật Đầu tư cũng cần sửa Điều này theo Luật Nhà ở. Cần quy định rõ trường hợp nào trả tiền thuế hàng năm hay một lần và trường hợp nào được chuyển hình thức trả tiền.
Bên cạnh đó, vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất coi là chuyển nhượng một phần dự án thì cần làm rõ bên chuyển nhượng và điều kiện bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để các chủ dự án thực hiện chuyển nhượng theo đúng quy định và thuận tiện.
Thu hồi đất theo quy hoạch, dự án đầu tư công khai và giải phóng mặt bằng khu vực dự án: Tính phương án khi chính quyền địa phương tổ chức chủ trì giải phóng mặt bằng để có đất sạch và cần quy định cả hình thức đối thoại với chủ sử dụng đất trong khu vực dự án và có chế tài, thời gian…
Giá bất động sản liên tục tăng mạnh, chuyên gia vạch rõ lý do
Theo chuyên gia, hiện nay, có một thực trạng là so với thu nhập thì giá bất động sản của Việt Nam đang quá cao. Điều này là do nhu cầu cao, chênh lệch cung cầu lớn, khan hiếm sản phẩm và đó cũng là hệ lụy của việc vướng mắc pháp luật.
Tại Hội nghị góp ý sửa đổi chính sách, pháp luật để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản do VNREA tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ, chúng ta đã sửa luật gần 100 lần nhưng kết quả vẫn chưa thực sự hiệu quả.
“Hiện nay, có một thực trạng là so với thu nhập thì giá bất động sản của Việt Nam đang quá cao. Điều này là do nhu cầu cao, chênh lệch cung cầu lớn, khan hiếm sản phẩm và đó cũng là hệ lụy của việc vướng mắc pháp luật.
Nếu cầu cao các nhà phát triển bất động sản cần phải cân bằng. Cách tốt nhất là cho phép chuyển đổi đất khác thành đất ở để khơi thông thị trường. Nếu chúng ta chặn đứng, các bộ luật không đi trước mà chỉ sửa lẻ tẻ sẽ không giải quyết được các bất cập. Thực tế có những dự án 10 năm vẫn bế tắc vì vướng luật không thể giải quyết”, vị chuyên gia nói.
Theo ông Đức, về nhu cầu, cách đây vài năm chỉ tăng vài phần trăm, nhưng gần đây nhu cầu bất động sản tăng vài chục phần trăm trong khi nguồn cung không tăng lên quá nhanh.
Giải bài toán mua căn hộ trước áp lực tăng giá
Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian qua không những làm khó chủ đầu tư mà còn đặt ra bài toán cho người mua nhà trong bối cảnh nhu cầu sở hữu căn hộ vẫn ở mức cao.
Từ cuối tháng 2 tới nay, giá thành của nhiều mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu, khí đốt, than tăng giá chóng mặt. Giá vàng liên tục "nhảy múa" từ mức cao nhất mọi thời đại 74,4 triệu đồng/lượng xuống quanh mức 70 triệu đồng/lượng. Đồng thời, các mặt hàng nguyên vật liệu như sắt, thép, xi-măng, cát cũng tăng đồng loạt.
Sau khi lập đỉnh vào tháng 5/2021, thị trường sắt thép trong nước đầu năm 2022 tiếp tục chịu nhiều áp lực về giá cả và nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng tăng liên tục 6 lần, mức tăng xấp xỉ 20 triệu đồng/tấn. Điều này đang tạo áp lực lớn với các chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Đồng thời, việc thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân dẫn tới giá chung cư tăng cao.
Các chuyên gia dự báo, xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt với các dự án mới khi giá đất tăng, chi phí xây dựng cũng tăng. Lúc này, những dự án đã triển khai từ trước và bước vào giai đoạn hoàn thiện trở thành lựa chọn tối ưu dành cho khách hàng, bởi chi phí sẽ không biến động quá nhiều.
Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Bất động sản Bắc Bộ nhận định: "Thời gian tới giá các căn hộ dự báo sẽ tăng. Người mua nên tìm tới các chung cư đã được xây dựng từ trước và sắp bàn giao bởi chi phí đầu vào của chủ đầu tư thời điểm trước thấp hơn so với bây giờ. Do đó, các chung cư này hiện có giá "mềm" hơn". Hơn nữa khách hàng cũng nhanh chóng nhận được nhà để ở".
Bùi Hằng