Tin bất động sản nổi bật trong ngày 24/3
Sốt đất, xuất hiện nhiều sổ đỏ giả ở Quảng Trị: Giao công an vào cuộc điều tra; Liên tục tăng “nóng”, giá đất ven đô đã ngang ngửa trung tâm Hà Nội; Nhà đầu tư bỏ tiền vào vàng, chứng khoán hay BĐS lúc lạm phát?… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Sốt đất, xuất hiện nhiều sổ đỏ giả ở Quảng Trị: Giao công an vào cuộc điều tra
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (sổ đỏ giả) dùng để giao dịch xuất hiện tại địa bàn tỉnh Quảng Trị được làm tinh vi, rất khó phát hiện.
Sáng 23/3, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, UBND tỉnh đã có văn bản giao Công an tỉnh xác minh, điều tra để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để giao dịch.
Trước đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ về đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị phát hiện nhiều phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (sổ đỏ giả) xuất hiện trên thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc một số đối tượng sử dụng sổ đỏ giả để mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các huyện Hải Lăng, Gio Linh...
Ông Võ Văn Nam, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây từng phát hiện ở huyện Gio Linh, cũng được làm rất tinh vi, rất may có người tinh ý phát hiện.
Vẫn theo ông Nam, sổ đỏ giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện, với 2 dạng gồm: sử dụng phôi giấy chứng nhận giả; giả mạo chữ ký, con dấu giả, có thông tin giống như trên sổ đỏ thật và hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng phát hành. Dạng thứ 2 là giấy chứng nhận giả, đất không có thật, thông tin trên giấy chứng nhận giả khác với hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng đang quản lý.
Liên tục tăng “nóng”, giá đất ven đô đã ngang ngửa trung tâm Hà Nội
Mấy năm trở lại đây, khu vực vùng ven liên tục xảy ra tình trạng “sốt đất” khiến giá đất những khu vực này cao ngất ngưởng. Thậm chí, có khu vực đã cao ngang ngửa đất nội thành, thậm chí là hơn.
Thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội 3 năm trở lại đây liên tục sốt cao, đặc biệt là giá đất tại các huyện sắp lên quận như là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. những năm gần đây liên tục tăng nóng, đặc biệt giá đất tại 5 huyện sắp lên quận tại Hà Nội.
Tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), lô đất thổ cư nằm ở mặt đường của thôn có diện tích 50 m2, trước Tết được rao bán ở mức 2 tỷ đồng, tương đương 40 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 2,2 tỷ đồng, tương đương 44 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, khu vực tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên), người dân cho biết giá đất đang có dấu hiệu tăng nóng, chênh khoảng 20 - 55 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2021.
Đất mặt tiền Đông Trù (quận Đông Anh) đang được rao bán từ 55-70 triệu đồng/m2; đất thuộc xã Nguyên Khê, vị trí mặt tiền đường hai ô tô tránh nhau cũng đang được chào bán từ 50-60 triệu đồng/m2... tăng 20-30% so với cuối năm 2021.
Hoạt động tìm kiếm, giao dịch đất nền vùng ven Hà Nội cũng đang bắt đầu sôi động trở lại, nhất là tại các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh, Sơn Tây…
Đáng chú ý, tại thị trường bất động sản tại Thanh Trì khi đón nhận thông tin lên quận đã có sự gia tăng, giá đất Thanh Trì tại khu vực xung quanh tăng ở mức 10-20% theo từng năm.
Khảo sát cho thấy, giá đất trung bình tại Thanh Trì dao động trong khoảng từ 60-70 triệu đồng/m2 và thay đổi tùy theo từng vị trí.
Nóng nhất phải kể tới là tại khu vực trung tâm huyện Thanh Trì, tại các nơi mặt đường Ngọc Hồi – Văn Điển có mức giá bán dao động từ 80 triệu đến 135 triệu đồng/m2. Giá nhà đất được rao với giá cao ngất ngưởng, thậm chí giá còn ngang ngửa với đất trong nội thành Hà Nội.
Nhà đầu tư bỏ tiền vào vàng, chứng khoán hay bất động sản lúc lạm phát?
Nền kinh tế toàn cầu năm 2022 chứng kiến nhiều biến động từ leo thang chiến sự giữa Nga và Ukraine; áp lực lạm phát, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng thêm một lần nữa... Trong bối cảnh đó, chứng khoán và bất động sản được đánh giá vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao nhất.
Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư quỹ DCDS Dragon Capital Việt Nam cho rằng, tài sản đầu tư phải là tài sản đem lại giá trị gia tăng tốt nhất và phải an toàn. Hiện nay có các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng, bất động sản, chứng khoán... Trong đó, ông Long đánh giá cao kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán.
Vị chuyên gia này cho rằng, vàng là kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không nên. Vì vàng chỉ tăng giá mạnh khi có biến động.
Còn kênh đầu tư thứ hai là gửi tiết kiệm là an toàn nhất, nhưng kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp. Do đó, những ai muốn có kênh đầu tư an toàn và ổn định thì thay vì gửi tiết kiệm có thể chuyển một phần sang đầu tư trái phiếu hoặc các quỹ trái phiếu - an toàn tương đối cao, đồng thời đem lại lợi suất tốt hơn.
Theo ông Long, một kênh đầu tư rất truyền thống khác là bất động sản. Giá bất động sản luôn tăng trong dài hạn, do sự tăng dân số và trình đô thị hoá. Ở những nước phát triển như Việt Nam, tiềm năng bất động sản còn tăng giá rất nhiều.
Kênh đầu tư cuối cùng chứng khoán hay cổ phiếu. Trong vòng 20 năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 14 lần và đem lại mức lợi suất là cao so với các kênh còn lại. "Bản chất Chứng khoán hay cổ phiếu nói chung đó là đại diện cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hay là doanh nhân thì họ là đại diện cho một cái tầng lớp tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất cho xã hội ngày. Vì thế cả kể trong những môi trường như lạm phát, có những xung đột thì về dài hạn 5 năm, 10 năm hay 20 năm thì chứng khoán vẫn là kênh sinh lời tốt nhất", vị chuyên gia này chia sẻ.
Lạm phát và những hệ lụy dưới góc nhìn của bất động sản
Nhà đất sẽ đội giá nhưng khó bán khi nỗi lo lạm phát lớn dần trong bối cảnh giá hàng hóa tăng nhanh, vàng biến động mạnh. Những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa - ông Trần Khánh Quang, cho biết, lạm phát, biến động giá vàng thường khiến người dân, giới đầu tư, đầu cơ tìm kiếm tài sản làm kênh trú ẩn an toàn. Cộng thêm bất ổn từ xung đột Ukraina - Nga vài tuần qua, khiến giá xăng, dầu, khí đốt lập đỉnh càng thúc đẩy người có tài chính tốt bám giữ tài sản để dành nhiều hơn.
Thị trường đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư lâu năm với lợi thế vốn lớn giữ tài sản có giá trị cao trong khi người ít tiền "chạy" về vùng xa mua nhà đất chống trượt giá. Đầu tư kinh doanh sản xuất sẽ bị lép vế so với đầu cơ tài sản. "Lạm phát sẽ càng đẩy giá nhà đất tăng thêm dù 2 năm Covid giá bất động sản đã tăng mất kiểm soát", ông Quang dự báo.
Các chuyên gia BĐS đánh giá, nếu giá nguyên vật liệu xây dựng tăng thì người mua sẽ là người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự lạm phát. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất để kết luận rằng nếu có lạm phát thì giá nhà sẽ tăng. Nếu Ngân hàng Nhà nước tăng nguồn cung tiền cho nền kinh tế của một quốc gia, một trong những nguyên nhân lớn gây ra lạm phát, giá nhà cũng sẽ tăng theo.
Đồng thời, lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ. Cụ thể, nếu tỷ lệ lạm phát tăng, việc vay tiền sẽ khó hơn. Khi lãi suất tăng, nhiều người có thể không vay được tiền, vì vậy số lượng nhà đất được mua thông qua những khoản vay thế chấp sẽ ít hơn. Điều này ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của một nền kinh tế.
Bộ Công an kiểm tra dự án Biển Quê Hương ở Bình Thuận
Chiều 24/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp cùng Viện KSND Tối cao và các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực địa tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (thuộc TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam) liên quan đến nội dung tố cáo của công dân.
Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 2590/QĐ-UBND ngày 27/9/2018, điều chỉnh tại Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 2/5/2019 với diện tích hơn 12,5 ha. Trong đó, hơn 104.000 m2 nằm trên địa bàn xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và hơn 20.600 m2 đất thuộc xã Tiến Thành (TP Phan Thiết).
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đối với phần đất thuộc TP. Phan Thiết, dự án do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng, không kinh doanh nên thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, Điều 54 Luật Đất đai 2013, và thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm a khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Bùi Hằng