Thứ bảy, 27/04/2024 22:50 (GMT+7)
    Thứ bảy, 19/03/2022 21:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/3

    Theo dõi KTMT trên

    Giá thép tăng khủng khiếp, khóc ròng bên căn nhà xây dở; Đất tăng “nóng”, người dân đua nhau đi làm “cò đất”; Hà Nội: Mở rộng 20 cụm công nghiệp mới trong 2022… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Tạo đột phá về cơ chế, đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội

    Sáng ngày 19/3, tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và động thổ các dự án nhà ở xã hội hướng tới mục tiêu cung cấp nhà ở cho hàng trăm nghìn người dân.ecamex IDC chính thức khánh thành khu 2 nhà ở xã hội và tiếp tục động thổ xây dựng 20.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/3 - Ảnh 1
    Dự án nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

    Tại Bình Dương, Becamex IDC là doanh nghiệp tiên phong phát triển nhà ở xã hội. Đây là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái xung quanh các khu công nghiệp, khu đô thị của Becamex IDC.

    Đề án nhà ở xã hội Becamex IDC với quy mô ban đầu 120.000 căn, phục vụ nhu cầu an cư của hơn 300.000 người với giá ưu đãi từ 100-200 triệu đồng/căn hộ (30 m2 sàn) kết hợp cho vay mua nhà đã thu hút hàng chục nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp.

    Giá thép tăng khủng khiếp, khóc ròng bên căn nhà xây dở

    Giá sắt thép tăng chóng mặt trong thời gian qua,khiến các chủ đầu tư xây dựng dân dụng khóc ròng, vì giá thành xây dựng bị đội lên rất cao.

    Anh Ngô Quốc Đông, trú tại Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội) chuẩn bị khởi công xây nhà thì giá sắt thép xây dựng vừa qua liên tục tăng mạnh, khiến anh đứng ngồi không yên. “Không biết giá thép có tăng nữa không, chỉ hơn tuần nay giá đã lên cả triệu đồng/tấn”, anh Đông lo lắng.

    Theo dự kiến, vợ chồng anh Đông bỏ ra khoảng 1,7 tỷ đồng để xây dựng một căn nhà 3 tầng theo kiến trúc mái thái trên diện tích 70 m2. Anh phân tích, thông thường tiền sắt thép chiếm 20% giá thành toàn bộ ngôi nhà, giá thép xây dựng tăng như vậy có thể phát sinh thêm vài chục triệu đồng.

    “Biết giá thép lên cao thế này, trước Tết bỏ ra mấy chục triệu đặt cọc mua trước, lúc đó giá thép chỉ 17 triệu đồng/tấn. Giờ này thì đành bó tay”, anh Đông tiếc nuối

    Tại khu vực miền Bắc, từ đầu tháng 3, các hãng thép đã có ba lần điều chỉnh giá. Cụ thể, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát từ ngưỡng 17,12 triệu đồng/tấn (đầu tháng) tăng lên 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 4/3), rồi 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 6/3) và 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11/3).

    Tương tự, giá thép xây dựng Việt Ý được điều chỉnh tăng ba lần. Giá thép cây D10 CB300 từ 17,07 triệu đồng/tấn lên mức 18,38 triệu đồng/tấn hiện nay. Thép cây xây dựng loại D10 CB300 từ 17,46 triệu đồng/tấn tăng lên 18,78 triệu đồng/tấn.

    Tính chung, giá bán buôn thép xây dựng các loại đã tăng từ 600.000-1,4 triệu đồng/tấn.

    Đất tăng “nóng”, người dân đua nhau đi làm “cò đất”

    Mấy năm gần đây, Hà Tĩnh liên tục đón nhận nhiều cơn “sốt đất”, dòng người từ nhiều nơi đổ về “săn lùng” đất. Theo đó, nhiều người dân tại địa phương cũng bỏ công việc chính để đi làm “cò đất”.

    Anh N.V.T - môi giới bất động sản tay ngang tại Hà Tĩnh cho hay, từ trước anh vốn chỉ làm công nhân tại một khu công nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, khi thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh có nhiều cơn “sốt đất” nổi lên, anh đã bỏ hẳn công việc cũ để làm môi giới bất động sản.

    “Trước tôi không nghĩ rằng mình sẽ đi làm môi giới bất động sản. Tuy nhiên, kể từ ngày bất động sản Hà Tĩnh nóng lên, nhà đầu tư từ nhiều nơi tìm về mua bán tấp nập. Nhiều người dân ở địa phương tôi cũng bỏ nghề để đi làm môi giới. Thấy mọi người mỗi lần giới thiệu thành công đều nhận được tiền ngay nên tôi cũng muốn như thế. Mà hoa hồng mỗi giao dịch có khi bằng mấy tháng lương tôi đi làm công nhân rồi”, anh T nói.

    Một môi giới bất động sản tại Hà Tĩnh cho biết: “Xung quanh khu vực này đất đang sốt lên từng giờ. Khu đất này phân lô, mỗi lô 180m2: rộng 9m, chiều dài 20m. Lô mặt tiền, bám quốc lộ 15B hiện có giá 2,630 tỷ. Anh chị có thiện chí thì chốt nhanh, nếu để đến ngày mai có thể lên cao hơn vài trăm triệu”.

    Hà Nội: Mở rộng 20 cụm công nghiệp mới trong 2022, bất động sản ven đô “nóng” lên nhờ hạ tầng

    Mở rộng thêm 15-20 cụm công nghiệp mới là một trong các mục tiêu về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp của Hà Nội năm 2022 là thành lập. Ở góc khác, người mua nhà chuyển hướng chọn căn hộ ven đô Hà Nội, kéo theo tính thanh khoản cũng “hâm nóng.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/3 - Ảnh 2
    Ảnh minh họa

    Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mới đây đã ký ban hành Kế hoạch về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2022.

    TP.Hà Nội đặt 7 mục tiêu cụ thể trong công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết nối hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. Thứ hai là tiếp tục tổ chức khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020. Thứ ba, trong năm nay quyết định thành lập, mở rộng thêm 15-20 cụm công nghiệp mới. Thứ tư là bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

    Thị trường căn hộ khu vực nội đô Hà Nội thời điểm này gần như không có dự án nào ra hàng. Theo đó, nguồn cung căn hộ sẽ đến từ các quận/huyện vùng ven như: Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì.

    Trong khi các dự án bất động sản nội đô hoặc những điểm tiếp giáp các quận có giá bán đắt đỏ, không còn phù hợp với túi tiền đại đa số người dân. Theo đó, người mua chuyển hướng lựa chọn căn hộ ven đô Hà Nội, kéo theo tính thanh khoản cũng được “hâm nóng”.

    Công chứng 'khống', công chứng 'treo' hợp đồng giao dịch bất động sản, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý

    Bắc Giang chỉ đạo quản lý đối với các hoạt động công chứng, chứng thực, nghiêm cấm công chứng “treo” hợp đồng giao dịch BĐS và chấn chỉnh các dự án "bán lúa non".

    Thời gian qua, sau khi Bộ Tài chính có "lệnh" về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, lần lượt nhiều tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Vĩnh Phúc... đã ban hành các văn bản liên quan. Gần đây nhất, Bắc Giang cũng có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương về vấn đề này.

    Cụ thể, tỉnh giao Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đồng thời, cơ quan này cần chấn chỉnh các chủ đầu tư tại nhiều khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã bán "lúa non" dưới dạng góp vốn.

    Các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn phải báo cáo định kỳ các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp…

    UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn, văn phòng công chứng yêu cầu người dân, doanh nghiệp kê khai trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thực tế mua bán, chuyển nhượng bất động sản; phối hợp với Chi cục Thuế khu vực rà soát các cá nhân, tổ chức chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản để đưa vào quản lý thuế theo quy định.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới