Thứ sáu, 04/10/2024 05:53 (GMT+7)
    Thứ hai, 14/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/3

    Theo dõi KTMT trên

    Khách ồ ạt săn lùng đất nền…; Chấn chỉnh tình trạng chủ đầu tư bát nháo, tổ chức hội nghị để bán đất 'lúa non'; Thanh tra TP.HCM chỉ ra nhiều thiếu sót trong công tác quản lý dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Chấn chỉnh tình trạng chủ đầu tư bát nháo, tổ chức hội nghị để bán đất 'lúa non'

    Để chấn chỉnh tình trạng một số chủ đầu tư bát nháo, tổ chức huy động vốn, tổ chức hội nghị, phát tờ rơi thổi phồng để quảng cáo, rao bán bất động sản (BĐS) khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã ra công văn khẩn.

    UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS và giá đất trên địa bàn tỉnh.

    Trong văn bản, chính quyền tỉnh Quảng Bình cho biết thời gian gần đây, trên địa bàn có dấu hiệu một số chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; tổ chức hội nghị, phát tờ rơi thổi phồng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án; trong khi đó một số địa phương kiểm soát việc thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa chặt chẽ,...

    Để khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng; công bố công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở hình thành trong tương lại đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/3 - Ảnh 1
    Một số chủ đầu tư bát nháo, tổ chức huy động vốn, tổ chức hội nghị, phát tờ rơi thổi phồng để quảng cáo, rao bán BĐS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khi chưa đủ điều kiện. (Ảnh: minh họa)

    Khách ồ ạt săn lùng đất nền, nhiều địa phương lệnh siết "thổi" giá

    Lượt tìm kiếm đất nền có xu hướng tăng lên thời gian qua. Nhiều địa phương ráo riết vào cuộc ngăn chặn nguy cơ "bong bóng" bất động sản.

    Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn vừa công bố, trong tháng 2, nhu cầu tìm kiếm bất động sản đều có xu hướng tăng ở hầu hết loại hình so cùng kỳ năm ngoái. Mức độ quan tâm đến bất động sản tăng trung bình 23% so với tháng 1, trong đó, Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt 22% và 29%.

    Đáng chú ý, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.

    Đơn cử, trong tháng 2, TP.HCM ghi nhận lượng tin rao bán đất nền và đất nền dự án tăng 6% so với tháng đầu năm, nhu cầu tìm kiếm loại hình này tăng hơn 18% trong tháng qua.  

    Giá bán loại hình đất nền sơ cấp tại nhiều địa phương cũng đang giữ ở mức khá cao. Mức giá đất sơ cấp thấp nhất ở TP.HCM hiện là 48 triệu đồng/m2, cao nhất 97 triệu đồng/m2 với đất nền dự án.

    Huyện Bình Chánh, Nhà Bè và TP Thủ Đức là những khu vực có chỉ số quan tâm đất nền tăng cao nhất sau Tết, giá đất nền trung bình tại hai huyện khu Nam ghi nhận được ở mức 6 tỷ đồng/nền từ 150 đến 200 m2, tức khoảng 22-30 triệu đồng/m2. Riêng đối với TP Thủ Đức, một lô đất nền 100 m2 ở quận 2 có giá trung bình từ 4,5-6 tỷ đồng (khoảng 45-60 triệu đồng/m2), còn ở quận 9 từ 3,5-4,8 tỷ đồng (khoảng 35-45 triệu đồng/m2)…

    Trước thực trạng đất nền có hiện tượng "sốt nóng", nhiều địa phương đã liên tục chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai biện pháp kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản.

    Bất động sản khu vực nào dẫn dắt thị trường năm 2022?

    Bất động sản vệ tinh sở hữu nhiều ưu thế đang ngày càng hấp dẫn đối với giới đầu tư cũng khu người có nhu cầu thực. Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, đô thị vệ tinh sẽ dẫn dắt thị trường năm 2022.

    Theo báo cáo mới nhất của Savills, đối với thị trường nhà ở, nguồn cung tương lai dự kiến sẽ chủ yếu đến từ các dự án đặt tại những quận/huyện lân cận và ngoại thành. Xét riêng về thị trường chung cư, khu vực ngoại thành trong năm 2021 đã đóng góp 30% nguồn cung cho thị trường chung cư.

    Dự kiến, trong tương lai, các dự án chung cư tại năm huyện sắp lên quận sẽ chiếm 27% nguồn cung. Bên cạnh đó, xét về thị trường biệt thự/nhà liền kề, nguồn cung tương lai sẽ chủ yếu đến từ huyện xa trung tâm, dẫn đầu là huyện Đan Phượng, theo sau là huyện Hoài Đức và Đông Anh.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/3 - Ảnh 2

    Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội chia sẻ tại sự kiện: “Ở một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi đang nhận thấy có một xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đến từ việc giá bất động sản của khu vực nội thành đã được thiết lập ở mức cao.

    Bởi vậy, kỳ vọng về khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn và nhà đầu tư thường tìm cơ hội ở những quận/huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhờ vậy, áp lực tăng giá tại những khu vực nội thành được giảm tải, tránh hiện tượng đẩy giá quá cao.”

    Bên cạnh đó, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc thu hút nhà đầu tư và người mua. Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội dự kiến dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, trong đó 30% đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.

    Thanh tra TP.HCM chỉ ra nhiều thiếu sót trong công tác quản lý dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công

    Theo kết luận thanh tra, công tác quản lý các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) thiếu kiểm tra rà soát số liệu cung cấp và số liệu giải ngân vốn đầu tư công của Kiểm toán Nhà nước khu vực IV ghi nhận. Từ đó, dẫn đến có chênh lệch số liệu báo cáo và tỷ lệ giải ngân thực tế.

    Mới đây, Thanh tra TP.HCM thông báo kết luận số 20/TB-TTTP-P2 ngày 10/3/2022 thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác quản lý các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công tại Sở Kế hoạch Đầu tư.

    Cụ thể, trong công tác quản lý các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công tại Sở Sở KHĐT, phần lớn các dự án đầu tư công đều thay đổi tiến độ nên các dự án đầu tư công thường kéo dài, chậm giải ngân. Nhiều dự án bố trí vốn vượt thời gian là thực hiện chưa đúng theo Nghị định 77 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm.

    Bố trí kế hoạch vốn một số dự án chưa sát thực tế, dẫn đến không giải ngân được, làm giảm tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019. Thẩm định một số dự án chưa phù hợp về tiến độ, một số dự án đến nay chưa có quyết định đầu tư... Trách nhiệm của các hạn chế, thiếu sót trên thuộc về Giám đốc, lãnh đạo Sở KH-ĐT được giao phụ trách, các phòng ban và các chủ đầu tư.

    Việc thực hiện 2 dự án đầu tư công năm 2019 gồm: dự án sửa chữa và nâng cấp đường tỉnh lộ 9 (đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn) và dự án xây dựng mở rộng cơ sở 1 trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (quận 12). Trong đó, dự án sửa chữa và nâng cấp đường tỉnh lộ 9 tiến độ chưa đảm bảo, chưa hoàn chỉnh. Nguyên nhân do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, "da beo", chưa có mặt bằng trống hoàn toàn; các hạng mục di dời cũng bị chậm trễ. Đây là trục đường kết nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Long An, có lưu lượng xe đông đúc, tiến độ dự án chậm trễ đã gây khó khăn trong việc đi lại của người dân và làm giảm hiệu quả của dự án đầu tư công.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    "Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
    Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.