Tin bất động sản nổi bật trong ngày 28/3
'Cò' vây, lùng đất xuyên ngày đêm, dân đóng cửa vì mệt mỏi, Đất vườn vẫn sốt xình xịch, có nơi cầm 3 tỷ không mua được 1.000 m2, Nhiều vùng quê 'quay cuồng' trong cơn sốt đất: Chủ yếu do 'cò' thổi giá… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
'Cò' vây, lùng đất xuyên ngày đêm, dân đóng cửa vì mệt mỏi
Kể từ khi rộ tin vùng bãi ngang ven biển Thạch Hà (Hà Tĩnh) sắp xây dựng khu du lịch biển cao cấp, hàng trăm đội “cò” đất kéo về ken kín. Người dân mệt mỏi khi chứng kiến “cò” lùng đất xuyên ngày đêm.
Ba ngày gần đây, người dân thôn Đông Văn (xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) "choáng váng" bởi “cò” đất vây kín đường.
Trước thông tin dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh sắp sửa được triển khai, dọc tuyến đường dẫn vào thôn Đông Văn dài khoảng hơn 10km chật kín người và phương tiện. Mỗi gốc cây, cột điện được treo kín biển quảng cáo bán đất. Hễ có người đi qua đường là từng nhóm “cò” ra chào hỏi, chèo kéo mua đất.
Vùng quê đất cằn, cát bay ven biển lâu nay không ai ngó, nay mỗi lô đất 200nm2 được rao bán với giá hơn 3 tỷ đồng, tương đương 15 triệu đồng/m2.
Trước việc hàng trăm người tứ phương kéo về trong xã, thôn diễn ra nhiều ngày, thế nhưng chính quyền xã Thạch Văn lại cho rằng “không biết”.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Ở xã có chủ trương dự án cách đây khoảng 3 đến 4 ngày. Còn việc hàng trăm người về mua bán đất tại thôn Đông Văn thì tôi không biết, tôi không ra đó nên không rõ lắm. Đất của dân thì quản lý làm sao được”.
Đất vườn vẫn sốt xình xịch, có nơi cầm 3 tỷ không mua được 1.000 m2
Nếu năm 2018, có 1,5-1,6 tỷ đồng có thể mua được 1 sào nam Bộ (1.000bm2) tại huyện Lộc Tiến, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) thì hiện nay 3 tỷ đồng/1.0002 nhà đầu tư cũng khó tìm được mảnh đất ưng ý.
Sự biến động tăng giá đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm có thể nói là chóng mặt tại địa phương này. Trong khi đó, tại xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, view đồi có giá từ 300-400 triệu đồng/sào, giá này cũng đã tăng hơn 200 triệu đồng/sào so với thời điểm 2018-2019.
Theo một môi giới khu vực, khoảng 3 năm nay, giá đất tại Lâm Đồng tăng mạnh. Cơn sốt lan rộng từ TP.Bảo Lộc sang các huyện như Bảo Lâm, Cát Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà. Những mảnh đất vài héc-ta có view đồi được nhà đầu tư vào mua, tạo nên cơn sốt giá chóng mặt thời gian qua.
Người dân có đất cũng đua nhau "xẻ" đất bán lấy tiền. Anh C hiện có 15.000 m2 tại huyện Bảo Lâm đang có ý định "chờ" giá tăng thêm để bán ra, về quê xây nhà ở. Đây là những mảnh đất mà vào năm 2008, anh C mua với giá khá mềm, khoảng vài chỉ vàng (tính từ thời điểm đó). Nếu căn với giá thị trường hiện nay, 1.000 m2 anh C có thể bán ra với giá trên 600 triệu đồng. "Cũng nhờ đất tăng giá mà nhiều người dân ở đây đổi đời, bán rẫy, bán đất để xây nhà hoặc sắm sửa, có người thì về quê sinh sống", anh C cho hay.
Nhiều vùng quê 'quay cuồng' trong cơn sốt đất: Chủ yếu do 'cò' thổi giá
Gần đây, nhiều cơn sốt đất đã làm chao đảo thị trường bất động sản nhiều tỉnh thành. Tình trạng giá đất tăng chóng mặt tập trung ở những khu vực nông thôn, nơi "phong thanh" có các dự án hoặc thông tin quy hoạch mới.
Gần đây, nhiều cơn sốt đất đã làm chao đảo thị trường bất động sản nhiều tỉnh thành. Tình trạng giá đất tăng chóng mặt tập trung ở những khu vực nông thôn, nơi "phong thanh" có các dự án hoặc thông tin quy hoạch mới.
Tại địa phương này, có người mua được một suất đất mặt đường từ ba năm trước, nay thấy giá đã tăng gấp ba lần, liền chuyển hẳn sang nghề đầu tư và môi giới bất động sản.
Theo ghi nhận tại dự án khu đô thị Lạc Phú, khá nhiều nhà đầu tư đổ dồn về “đón sóng”, cò đất cũng được dịp thổi giá. Hiện lô đất rẻ nhất ở làn trong cùng có giá 1,5 tỷ đồng, đất ở ngoài mặt đường có giá hơn 3 tỷ đồng/lô. Môi giới quảng cáo, khu vực có nhiều tiện ích, giá sẽ còn tăng gấp 2-3 lần.
Trước diễn biến phức tạp, chính quyền nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán bất động sản, tìm hiểu kỹ thông tin. Bên cạnh đó có các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm tình trạng môi giới tung tin tạo sốt, lũng đoạn thị trường.
Dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội: Bất cập, không khác gì "bia kèm lạc"
Các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho nhà ở xã hội là vô cùng bất cập dù quy định này xuất phát từ mong muốn sự công bằng trong cuộc sống, để người nghèo cũng sống như người giàu, nhưng đây là điều không thể.
Tại Hội nghị Góp ý sửa đổi "Luật đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đã có ý kiến xung quanh về quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho nhà ở xã hội (NƠXH) của Luật Nhà ở.
PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội chia sẻ, hiện quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho NƠXH là vô cùng bất cập, không khác gì “bia kèm lạc”. Quy định này xuất phát từ mong muốn sự công bằng trong cuộc sống, để người nghèo cũng sống như người giàu, nhưng đây là điều không thể.
Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, hiện các quy định NƠXH đang rất bất cập. Hà Nội đang đề xuất xây dựng NƠXH tập trung, thống kê cho thấy nhu cầu là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đến năm 2030. Nhưng tổng mặt sàn nhà ở đã được thực hiện chỉ đạt khoảng 1,2 triệu m2 sàn.
Ngoài ra, chỉ nên để các cơ quan quản lý Nhà nước bố trí quy hoạch chứ không phải các nhà đầu tư bố trí tại các dự án, rõ ràng cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư. Bởi các dự án đã thông qua đấu giá đấu thầu rồi, sau đó phải dành 20% cho NƠXH thì Nhà nước lại phải tính toán để trả lại cho nhà đầu tư, rất bất cập.
Bùi Hằng