Thứ tư, 09/10/2024 07:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/08/2024 15:05 (GMT+7)

Tiêu dùng bền vững từ xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh

Theo dõi KTMT trên

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy tiêu dùng bền vững và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15%/năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Tiêu dùng bền vững từ xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh - Ảnh 1
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh giúp giảm thiểu túi ni lông, rác thải nhựa. (Ảnh tư liêu)

Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, người tiêu dùng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bởi vậy, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” - sử dụng nguyên, vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng; cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường; đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.

Khảo sát trên cũng chỉ ra, các thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh, sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong ngành thực phẩm, nước giải khát, mức tăng trưởng đạt từ 2% đến 11%. Một số nhãn hàng của Việt Nam như bóng đèn điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”. Trong đó, Unilever tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm sạch.

Thực tế cho thấy, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng mang tính chất toàn cầu, được thúc đẩy tại rất nhiều quốc gia. Chính vì vậy, những năm gần đây nhận thức của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh, cũng như lựa chọn những sản phẩm có quy trình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường được nâng cao.

Tiêu dùng bền vững từ xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh - Ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Theo Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương) Hồ Tùng Bách, Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải carbon tới năm 2050. Chính phủ cũng đặt quyết tâm đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể đối với hành động cắt giảm khí thải carbon. Đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững. Nhiều hoạt động cụ thể cũng đã được triển khai như quy định về dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; áp dụng nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành của sản xuất. Do đó, giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh. Hơn nữa, vẫn có những doanh nghiệp lợi dụng thông tin của các sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; khiến người tiêu dùng không yên tâm khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Tùng Bách cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin nhà sản xuất, sản phẩm xanh đáng tin cậy, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin khi quyết định sử dụng sản phẩm.

Thực tế, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Tiêu dùng bền vững từ xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...