Thứ sáu, 26/04/2024 19:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/01/2022 09:00 (GMT+7)

Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 sẽ điều chỉnh như thế nào trong năm 2022?

Theo dõi KTMT trên

Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ và tiến hành đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã đến cấp tỉnh.

Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ Y tế cho biết, đến ngày 19/1, Việt Nam ghi nhận 2.078.087 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, cả nước đã có 1.786.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và 36.114 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm).

Số ca tử vong đã giảm từ 300-350 ca/ngày thời kỳ đỉnh dịch xuống còn trên 200 ca/ngày; chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó trên 70% là người chưa tiêm vaccine. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch tháng 8, 9/2021.

Về tiêm chủng, Việt Nam là một trong 6 nước tỷ lệ bao phủ vaccine lớn trên thế giới. Đáng chú ý, ngành Y tế đã hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine cho hơn 70% dân số sớm hơn 6 tháng.

Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 sẽ điều chỉnh như thế nào trong năm 2022? - Ảnh 1
Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ gồm biện pháp áp dụng chung cho kịch bản phòng, chống dịch ở tất cả các cấp độ dịch và biện pháp áp dụng; Tiến hành đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã đến cấp tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khi đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao trong cộng đồng, sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao. Bộ cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và hành chính phù hợp để qua đó có các biện pháp phù hợp, hiệu quả hơn khi có những biến chủng nguy hiểm mới xuất hiện.

Với kịch bản phòng, chống dịch tại các cấp (xã, huyện, tỉnh, khu vực) khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, tiêu chí để đánh giá là: tỷ lệ lấp đầy giường thở oxy trong tuần qua vượt quá 100% và tỷ suất tử vong do Covid-19 trong 1 tuần/100.000 người từ 5 trở lên.

Tới đây, các địa phương sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đúng thời điểm, ở phạm vi hẹp nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể; Áp dụng một số biện pháp về tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh. Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 có nguy cơ cao.

Để chuẩn bị kịch bản cho phòng, chống dịch khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, Bộ Y tế sẽ phát hiện kịp thời những thay đổi về dịch tễ học, độc lực của virus, thiết lập mạng lưới các phòng xét nghiệm của Việt Nam có khả năng phát hiện các biến chủng mới, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và thực hành tốt nhất trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và biện pháp hành chính phù hợp, theo dõi hiệu quả các biện pháp can thiệp gồm chẩn đoán, điều trị, vaccine đối với biến chủng mới; Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Điều này nhằm mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Mặt khác, nhiệm vụ trong năm 2022 của ngành Y tế là tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động của ngành và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.

Song song với đó, ngành Y tế sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, qua đó từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến và có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp.

Hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 10 nước công nhận

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 20/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam đã được 10 nước công nhận, bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine và Maldives.

Trong khi đó, phía Việt Nam cũng đang công nhân hộ chiếu vaccine, hay giấy chứng nhân tạm thời của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Việc công nhận hộ chiếu vaccine sẽ là cơ sở để người ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ này có thể giảm bớt thời gian cách ly tập trung xuống còn 3 ngày và có thể rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 sẽ điều chỉnh như thế nào trong năm 2022?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới