Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu việc tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu việc tiêm vaccine mũi thứ 4 phòng Covid-19, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.
Thực hiện tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết Nguyên đán
Ngày 20/1, phát biểu kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung nghiên cứu việc tiêm vaccine mũi thứ 4 phòng Covid-19, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu.
Thủ tướng lưu ý các địa phương không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế; Tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các vấn đề, tình huống mới có thể phát sinh nhưng không áp dụng các biện pháp cực đoan.
Các đơn vị, địa phương tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh, thần tốc hơn nữa về tốc độ bao phủ vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân, nếu đủ vaccine mà không đạt mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Ông yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1/2 đến ngày 28/2 để đạt mục tiêu đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế công bố các loại thuốc được thế giới công nhận theo quy trình, thủ tục nhanh nhất, chống đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường, tiêu cực, tham nhũng; Xem xét, công nhận thuốc và vaccine trong nước nhanh nhất về thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu khoa học, an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế và các địa phương phải làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ngay sau khi chương trình tổng thể phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, Bộ Y tế và các địa phương phải phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp từng tháng, từng quý, từng năm để hoàn thành nhiệm vụ này.
Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhiệm vụ chiến lược là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nhân lực chất lượng cao, thu hút người vào học ngành y, các bác sĩ về cơ sở, vùng sâu, vùng xa… Về lâu dài, cần quan tâm xử lý các vấn đề tâm lý – xã hội, các di chứng sau đại dịch, xây dựng và phát triển môn khoa học nghiên cứu về Covid-19…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả điều hành, "miệng nói tay làm", tránh "nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm". Đặc biệt, nhiệm vụ hết sức quan trọng là coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, giữ vững và vận dụng sáng tạo 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết liệt, không khoan nhượng trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ, tăng cường giáo dục cán bộ y tế về tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân, từ ngày 1/2 đến 28/2 và phát động phong trào tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán. “Chúng ta vừa nghỉ Tết, vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 9 ngày Tết, tất nhiên vẫn phải khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong năm 2022
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn, Cùng đó, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
"Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Với sự xâm nhập của biến thể Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tronh đó thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 xuyên Tết và không có nghỉ tết.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tiễn thế giới và Việt Nam.
Tính đến hết năm 2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của nước ta đã đạt 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) đạt 93,4%, tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý 1/2022. Ngành y tế cũng đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.
Hà Lan