Thứ sáu, 22/11/2024 19:25 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 10:00 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế.

Xây dựng lộ trình mở cửa du lịch quốc tế

Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó ngành du lịch chịu tổn thất nghiêm trọng.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76,7% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 95,9% so với năm 2020, qua đó tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị như: vận tải, ăn uống, khách sạn, lữ hành, bán lẻ, thương mại…, nhất là tại các điểm du lịch và hầu hết các địa phương trọng điểm du lịch của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế - Ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế. 

Để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ; tổ chức hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng tác động để tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn," xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi

Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, xuất phát từ thực tế ngành du lịch trước tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua có thể thấy vấn đề đặt ra trong thời gian trước mắt, ưu tiên số 1 là duy trì khả năng tồn tại với việc tăng cường kiểm soát chi phí, đàm phán với các đối tác, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng nguồn thu, tìm hiểu mô hình kinh doanh du lịch mới. Về lâu dài, thực hiện chuyển đổi số, đầu tư sản phẩm phù hợp, bảo đảm nhân sự nòng cốt, tìm kiếm, liên kết với các đối tác mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị mục tiêu chính sách trong ngắn hạn đối với phục hồi du lịch Việt Nam là bảo đảm các điều kiện phù hợp về an toàn và tài chính để các doanh nghiệp lữ hành và các nhà cung ứng dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu du lịch nội địa; đồng thời ưu tiên bảo vệ những đối tượng phụ thuộc vào du lịch có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và dễ bị tổn thương.

Theo ông, Việt Nam có đường bờ biển dài và tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch di sản phong phú nên tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trong trung hạn mà có thể thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp điều kiện “bình thường mới”: Du lịch quy mô nhỏ, khoảng cách ngắn, khám phá cộng đồng của chính địa phương mình hoặc lân cận, sử dụng ngôi nhà thứ hai hoặc nhà người thân. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp địa phương và giải trí trong điều kiện giãn cách xã hội...

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, du lịch được dự báo là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Do đó, để phục hồi và phát triển thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ các giải pháp bền vững như: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại với phát triển du lịch.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hoạt động chủ yếu trong du lịch đang và sẽ tiếp tục được thay đổi, trong đó cần phải đổi mới công tác xúc tiến du lịch.

Trước hết, cần ứng dụng mạnh mẽ maketing số, internet vạn vật; số hóa các tài nguyên du lịch; khai thác các mạng xã hội để đưa thông tin du lịch đến với cả thế giới... Đồng thời, tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động trực tuyến (hội thảo, hội nghị trực tuyến, hội chợ trực tuyến, đại hội trực tuyến...). Phối hợp giữa các hoạt động xúc tiến trực tiếp và trực tuyến đang trở thành xu thế của công tác xúc tiến du lịch.

Thứ hai là đổi mới công tác xây dựng sản phẩm du lịch. Xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.

Thứ ba là đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp chủ động từng bước ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động: Xây dựng hệ thống quản lý và điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp; áp dụng kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng yêu cầu xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới