Thứ bảy, 23/11/2024 00:16 (GMT+7)
Thứ năm, 03/11/2022 09:15 (GMT+7)

Tiền Giang: Lập dự trù kinh phí khắc phục khẩn cấp 52 điểm sạt lở

Theo dõi KTMT trên

Trước diễn biến phức tạp vấn đề sạt lở gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với UBND tỉnh lập dự trù kinh phí khắc phục khẩn cấp 52 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng kinh phí khoảng 52 tỉ đồng.

Kêugọisự hỗ trợ của các cấp để khắc phục

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, ông Trịnh Công Minh thông tin, trong 10 tháng của năm 2022, trên toàn địa bàn ghi nhận gần 100 điểm sạt lở, tổng chiều dài 4.195m, dự kiến kinh phí để thực hiện khắc phục lên đến gần 69 tỉ đồng.

Nghiêm trọng nhất là khu vực các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây nằm về phía đầu nguồn thuộc sông Tiền. Cụ thể tại đây, tình hình sạt lở đang diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại trong vài ngày tới, gây ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ, quá trình sản xuất và hoạt động đời sống của người dân.

Sông Ba Rày là một trong điển hình về việc nhiều tuyến sông bị sạt lở nặng nề và còn diễn biến phức tạp trong thời gian dài. Trong mùa mưa lũ năm nay, chỉ riêng tuyến sông Ba Rày chảy qua huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ. Hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng vẫn đang trong tình trạng chờ cơ quan chức năng xử lý và khắc phục.

Tiền Giang: Lập dự trù kinh phí khắc phục khẩn cấp 52 điểm sạt lở - Ảnh 1
Một điểm sạt lở nghiêm trọng tại Tiền Giang

Mới đây nhất, tối 7/10, bờ Đông sông Ba Rày bị sạt lở nặng. Một đoạn bờ dài hơn 40 m bị lở toàn bộ và đổ xuống sông, cắt đứt đoạn huyện lộ 54B nối xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy với thị xã Cai Lậy. Đặc biệt, sự việc này đã khiến cho một căn nhà tại khu vực bị nhấn chìm, điều may mắn là không có bất kỳ thiệt hại nào về người.

Tại xã đầu nguồn sông Tiền - Mỹ Lợi B (thuộc huyện Cái Bè) tiếp giáp huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), sạt lở cũng đang diễn ra tương tự trên các tuyến kênh Rạch Ruộng, Nguyễn Văn Tiếp chảy qua địa bàn.

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão (thuộc Sở NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang đưa ra nhận định, từ các nghiên cứu khoa học và quan trắc qua nhiều năm cho thấy, từ năm 2010 trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, rạch, nhất là khu vực các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh diễn ra nhanh chóng, khó lường. Đặc biệt, tuyến sông Ba Rày, kênh 28, sông Cái Bè, kênh Nguyễn Văn Tiếp…thường xuyên xảy ra sạt lở bất ngờ và khó lường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp chủ yếu đến từ hai tác nhân chính: thiên nhiên và con người. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân là do nền đất khu vực còn yếu và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều khiến dòng chảy gây xói lở, mật độ kênh rạch dày đặc với nhiều ngã ba, ngã tư có dòng chảy xiết; sóng gió do tàu thuyền lưu thông; tình trạng xây cất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và hành lang giao thông thủy, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông,….

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B, ông Trần Nhựt Khoa cho biết: Mặc dù hàng năm, xã đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng khắc phục những điểm sạt lở nhỏ kết hợp tuyên truyền nhân dân chủ động phòng, chống, ứng phó sạt lở, giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tuy nhiên, hiện 4 điểm sạt lở phức tạp trên hai tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp và Rạch Ruộng qua địa bàn các ấp Mỹ Thạnh, Hưng Lợi của xã vẫn đang cần sự hỗ trợ của cấp trên để khắc phục.

Ưu tiên khắc phục các vị trí ảnh hưởng nghiêm trọng

Để giải quyết cho tình hình trên, Tiền Giang đã chủ động đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó, phòng, chống sạt lở, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân và các công trình kiến thiết hạ tầng nông thôn.

Tỉnh đã tích cực tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ngăn ngừa sạt lở thông qua tổ chức hoạt động, kêu gọi trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi... nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ tài sản, vườn tược và nhà cửa, khu dân cư cho người dân trong khu vực.

Tiền Giang: Lập dự trù kinh phí khắc phục khẩn cấp 52 điểm sạt lở - Ảnh 2
Sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới nhiều người dân tại Tiền Giang (Ảnh minh hoạ baotainguyenmoitruong)

Trong thời gian sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục có kế hoạch xây dựng quy chế bảo vệ, khai thác hệ thống kênh rạch trên địa bàn một cách hợp lý và hiệu quả bền vững.

Ngoài ra, tỉnh còn giao các địa phương rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý. Đối với những điểm sạt lở nhỏ sẽ được giao cho các cấp thuộc xã để đầu tư khắc phục, các điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư, điểm phức tạp tỉnh sẽ đầu tư khắc phục trên cơ sở huy động các nguồn lực địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.

UBND tỉnh đặc biệt lưu ý, các địa phương phải tiên thực hiện giải pháp di dời người dân, nhà ở, công trình ra khỏi nơi nguy hiểm nhằm bảo đảm được an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, tầm nhìn xa hơn, để khắc phục lâu dài, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương 700 tỉ đồng triển khai 4 dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Dự án xử lý sạt lở bờ biển Gò Công có chiều dài 6.000 m; Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy với chiều dài 1.350 m; Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) dài 1.500 m và Dự án xử lý sạt lở cù lao Tân Phong, phường Tân Long, TP. Mỹ Tho, chiều dài 900 m.

Tuy nhiên, việc cấp bách trước mắt vẫn là lập dự trù kinh phí khắc phục khẩn cấp 52 điểm sạt lở phức tạp có tổng chiều dài 3.143 m, kinh phí khoảng 52 tỉ đồng. Các điểm sạt lở còn lại sẽ bàn giao các huyện, thành, thị đầu tư khắc phục từ nguồn ngân sách dự phòng.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Tiền Giang: Lập dự trù kinh phí khắc phục khẩn cấp 52 điểm sạt lở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới