Thứ năm, 25/04/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ năm, 02/06/2022 16:00 (GMT+7)

Thuỵ Điển đồng hành cùng Việt Nam tiên phong đột phá

Theo dõi KTMT trên

Nền giáo dục và hệ thống nghiên cứu phát triển ở trình độ cao, cùng một nền công nghiệp hiện đại cùng và các quy định thuế minh bạch sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ.

Đổi mới không sinh ra trong môi trường "đóng"

Quá trình chuyển đổi để ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Chính bởi vậy, những giải pháp từng được xem là “bất khả thi” nay đã dần trở thành hiện thực.

Với dân số chỉ gần 10 triệu người, Thuỵ Điển là trung tâm đổi mới sáng tạo; Thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển đã tạo số lượng kỳ lân (công ty công nghệ tỉ đô la) cao thứ 2 trên thế giới tính theo bình quân đầu người. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 1.000 lao động thì có đến 20 công ty khởi nghiệp sáng tạo (starup) ở Thuỵ ĐIển.

Đổi mới không sinh ra trong môi trường "đóng". Nền tảng của xã hội Thuỵ Điển chính là sự cởi mở, bình đẳng, đa dạng và minh bạch. Một mối quan hệ đối tác công tư sâu rộng, một nền giáo dục và hệ thống nghiên cứu phát triển ở trình độ cao, nền công nghiệp hiện đại cùng với các quy định thuế minh bạch sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy cho sự đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là thông điệp của Chương trình "Tiên phong đột phá".

Thuỵ Điển đồng hành cùng Việt Nam tiên phong đột phá - Ảnh 1
Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam - bà Ann Måwe, phát biểu tại khai mạc Chương trình "Tiên phong đột phá" ngày 2/6/2022. (Ảnh: An Nguyên).

Chương trình “Tiên phong đột phá” do Đại sứ quán Thuỵ Điển, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thuỵ Điển (Business Sweden), UBND TP.HCM và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Thuỵ Điển – Việt Nam về lĩnh vực phát triển bền vững.

Trong Chương trình, nhiều giải pháp về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong các lĩnh vực: Năng lượng, sản xuất và tiêu dùng, kinh tế tuần hoàn sẽ được giới thiệu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn của Thụy Điển cũng sẽ trưng bày các sản phẩm và giải pháp tiên tiến của mình.

Trong phát biểu khai mạc Chương trình ngày 2/6/2022 tại TP.HCM, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam - bà Ann Måwe, chia sẻ: "Là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thuỵ Điển có kinh nghiệm thực tiễn và các doanh nghiệp Thuỵ Điển sở hữu giải pháp công nghệ để tiền phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thuỵ Điển đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch".

Đại sứ Ann Måwe nhấn mạnh:"Với chuỗi sự kiện lần này, chúng tôi muốn thúc đẩy và tạo điều kiện để 2 nước Thuỵ Điển - Việt Nam cùng sáng tạo hướng tới xã hội phát triển bền vững, kiên cường và thịnh vượng trong tương lai, dựa trên mối quan hệ đối tác truyền thống hữu nghị, hợp tác trong hơn nửa thập kỷ qua".

Ông David Lidén - Tham tán Thương mại kiêm Trưởng đại diện Business Sweden tại Việt Nam, cho biết, công nghệ và chuyển đổi xanh là chìa khoá quan trọng trong việc chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu.

"Đổi mới sáng tạo luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia và mang lại chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong Chương trình “Tiên phong đột phá”, chúng tôi tìm kiếm những nhà tiên phong Việt Nam tham gia với tư cách là đối tác và đồng sáng tạo", ông David Lidén chia sẻ.

Quan hệ song phương Việt Nam Thụy Điển luôn được xem là một chặng đường dài có nhiều dấu ấn mà không phải bất kỳ mối quan hệ nào cũng có thể có được. Theo thông tin từ VCCI, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 24 trong tổng số 30 đối tác nhập khẩu lớn của Thụy Điển, xếp trên cả Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Thái Lan và các nước ASEAN khác.

Giai đoạn 2020 – 2021, đặc biệt là thời kỳ đỉnh dịch ở Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thụy Điển vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Thụy Điển đạt trên 1,52 tỉ USD (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020).

Một số mặt hàng chủ lực Việt Nam đang xuất khẩu sang Thụy Điển bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, túi xách, nông sản, thủy sản … Ngược lại, một số sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Điển bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, dược phẩm, giấy, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hóa chất…

Thuỵ Điển đồng hành cùng Việt Nam tiên phong đột phá - Ảnh 2
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tham quan các gian hàng của Thuỵ Điện trong Chương trình "Tiên phong đột phá".

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để hiện thực hoá mục tiêu này, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương 83,9 triệu tấn CO2). Mức đóng góp này có thể được tăng lên đến 27% nếu có sự hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Chính vì thế, sự đồng hành của Thuỵ Điển trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế sử dụng năng lượng hóa thạch sang phát triển kinh tế bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, cacbon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường, cũng như xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ giúp Việt Nam sớm đi tới mục tiêu này.

Chung tay với nhân loại thay đổi thế giới

Phát biểu tại Chương trình, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao nỗ lực của Đại sứ quán Thụy Điển trong việc tổ chức sự kiện này; qua đó góp phần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, giới thiệu những công nghệ xanh tiên tiến, cũng như tạo nên những kết nối mới giữa chính phủ, doanh nghiệp, và người dân 2 bên.

Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Riêng TP.HCM đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng từ tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng nước biển dâng. Bên cạnh đó là những tác động do con người gây nên như sụt giảm nước ngầm, sụt lút đô thị. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất và sinh hoạt đang gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện của Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là con đường duy nhất phải đi để giải phóng các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của mình. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đang triển khai các đề án quan trọng như xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, quy hoạch giao thông, quy hoạch chống ngập và xử lý nước thải, xây dựng Trung tâm tài chính, đô thị sáng tạo và nhiều đề án quan trọng ở lĩnh vực giáo dục và y tế và phát triển nhân lực.

Bên cạnh đó, TP.HCM nỗ lực chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế thâm dụng lao động phổ thông sang nền kinh tế dịch vụ và sáng tạo, phát triển các ngành công nghệ đột phá, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.

Theo ông Hoan, trong tương lai TP.HCM không chỉ là một trung tâm kinh tế của Việt Nam và còn là một trung tâm kinh tế mới của Đông Nam Á với sự kết nối chặt chẽ với các trung tâm kinh tế hiện hữu. Thành phố sẽ trở thành một điểm kết nối quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu tại khu vực.

“Thành phố sẵn sàng hợp tác với các đối tác Thụy Điển cũng như cộng đồng quốc tế ở khía cạnh tài chính xanh, công nghệ xanh và nâng cao năng lực. Tôi mong rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những chương trình, dự án đầu tư cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết mà Thành phố đang đối mặt, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng chuỗi sự kiện “Tiên phong đột phá” sẽ là cơ hội để hai bên cùng chung tay với nhân loại làm thay đổi thế giới”, ông Võ Văn Hoan bày tỏ.

An Nguyên - Minh Vân

Bạn đang đọc bài viết Thuỵ Điển đồng hành cùng Việt Nam tiên phong đột phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.