Thứ bảy, 27/04/2024 12:29 (GMT+7)
Thứ năm, 14/12/2023 11:29 (GMT+7)

“Thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn rất nhiều dư địa phát triển”

Theo dõi KTMT trên

Tôi cho rằng, còn rất nhiều dư địa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc để có thể lập những kỷ lục mới.

Chiều qua (13/12), sau cuộc giao lưu với nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã lên đường về nước. Trong 28 giờ tại Việt Nam, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, xem và nghe báo cáo về các văn bản hợp tác được ký kết.

Tại chuyến thăm này, tổng cộng đã có 36 văn bản hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết. Đây có thể nói là số lượng văn bản hợp tác được ký kết nhiều nhất từ trước đến nay trong một chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam. Trong 36 văn bản ký kết hợp tác này rất nhiều hợp tác quan trong về vấn đề kinh tế, thương mại giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và nhiều văn bản hợp tác được ký kết sẽ mang đến nhiều tín hiệu lạc quan cho việc giao thương hai nước sau này.

“Thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn rất nhiều dư địa phát triển” - Ảnh 1
TS.Trần Khắc Tâm trao đổi cùng ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta sau 11 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng đầu năm 2023. Trước đó, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD. Tôi cho rằng, để có những kết quả trên có được nhờ những nỗ lực của hai nước, từ các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang, trong đó có xuất khẩu sang Trung Quốc. Tôi cho rằng, 155,58 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc trong 11 tháng năm nay là con số lớn, tuy nhiên, nó chưa phản ánh hết được tiềm năng trong việc hợp tác thương mại giữa hai nước, dư địa giao thương kinh tế, đầu tư giữa hai nước.

Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, ngày 28/6/2023, nhân dịp thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, khi phát biểu về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định răng, còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới vì độ tin cậy chính trị, mối quan hệ lịch sử…; phải nỗ lực để làm được điều này. Khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi nói thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẵn sàng chào đón các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.

Tôi cho rằng, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường có 1,4 tỷ dân này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, cải thiện hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Rõ ràng, dư địa trong quan hệ kinh tế, thương mai giữa hai nước còn rất lớn.

Thực tế có thể thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư. Và, Việt Nam là vẫn là một trong những điểm đến đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc ở ASEAN.

“Thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn rất nhiều dư địa phát triển” - Ảnh 2
Theo TS.Trần Khắc Tâm, thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn rất nhiều dư địa phát triển.

Tôi được giam dự rất nhiều chương trình giao lưu - kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Trung Quốc. Lần gần nhất là Chương trình giao lưu - kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Trong các buổi tiếp xúc, trao đổi, tôi đã lắng nghe rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.

Hiện, Trung Quốc có hơn 400 doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL với tổng vốn luỹ kế hơn 2,4 tỉ USD, chủ yếu là hợp tác trong lĩnh vực chế biến. Con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác của đôi bên. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác, đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Phía doanh nghiệp nước bạn mong muốn chúng ta có giải pháp hiệu quả hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu lao động tay nghề cao cho sản xuất công nghiệp. Ở chiều ngược lại, ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3,3 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, đạt mức 118 tỉ USD (năm 2021).

Những lần trao đổi với Tổng lãnh sự Nguỵ Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, tôi thường nói rằng, bằng tất cả khả năng của mình, tôi luôn nguyện làm cầu nối cho hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp ĐBSCL, vì cuộc sống thịnh vượng cho tương lai con cháu chúng ta.

Mới đây nhất, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đã có công hàm gửi UBND tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết có dự định cùng lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và một số doanh nghiệp Trung Quốc đến thăm tỉnh Sóc Trăng và tổ chức kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Những buổi kết nối giao thương như thế này là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác cùng phát triển.

Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm
Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Các hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng

Bạn đang đọc bài viết “Thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn rất nhiều dư địa phát triển”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới