Thứ hai, 16/09/2024 11:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/09/2024 06:55 (GMT+7)

Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của xe điện nhìn chung vẫn chiếm khoảng 10% số lượng xe ô tô bán ra trên toàn cầu nhưng trên thực tế, phần lớn các hãng xe đều không muốn phải chuyển đổi hoàn toàn từ xe xăng phát thải sang xe điện không phát thải.

Trong bối cảnh khí hậu Trái đất ngày càng biến đổi, thiên tai ngày càng nhiều và càng khắc nghiệt thì những nỗ lực về khí hậu được đặt ra với nhân loại ngày càng cấp thiết. Dựa trên những nghiên cứu của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC), nếu các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp cứ tiếp tục vô trách nhiệm với hành vi xả thải của mình như hiện nay, Trái đất sẽ nóng lên ở ngưỡng báo động đỏ là 1,5°C, thậm chí 2°C. Để ngăn chặn được xu hướng nhiệt độ ngày càng tăng này, thế giới phải cùng đồng thuận tiến hành những biện pháp cắt giảm khí nhà kính ngay lập tức.

Sự ra đời của Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 đã đánh dấu một cột mốc lớn của toàn thế giới về nỗ lực cắt giảm khí khí kính. Theo số liệu, ngành giao thông vận tải chiếm tới 24% lượng khí thải trên toàn cầu. Trong đó, các xe ô tô chở khách chịu trách nhiệm cho 45% lượng khí thải của ngành giao thông. Từ số liệu rõ thấy này có thể thấy ngành công nghiệp ô tô phải chịu trách nhiệm cho lượng khí nhà kính đã phát thải ra bầu khí quyển Trái đất.

Để đo đạc và đánh giá trách nhiệm đối với môi trường, Tổ chức Môi trường Toàn cầu khu vực Đông Á (Greenpeace East Asia - GPEA) đã ghi lại số liệu của những hãng ô tô hàng đầu thế giới để xem họ có hành động được đúng như cam kết khử carbon để hướng tới mục tiêu Net Zero hay không. Theo số liệu liên tiếp 2 năm từ tháng 12/2021 - 12/2023 có thể thấy, các hãng xe lớn trên thế giới đang bắt đầu nhen nhóm động thái bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn còn chưa quyết liệt, mang tính đối phó và diễn ra rất chậm, đặc biệt là các hãng xe Nhật Bản. Có thể thấy, hành động bảo vệ môi trường từ các hãng xe vẫn còn đang xuất phát từ suy nghĩ “nghĩa vụ bắt buộc” chứ chưa thực sự đến từ tinh thần “trách nhiệm tự giác”.

Phần lớn vẫn là xe động cơ đốt trong chạy bằng xăng

Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó - Ảnh 1
Toyota Corolla và Ford F-Series là hai trong số những mẫu xe xăng đặc trưng được ưa chuộng. 

Hiện nay trên thực tế, có tới 99% phương tiện lưu thông trên đường vẫn là xe động cơ đốt trong (Internal Combustion Engine - ICE) sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Để có thể khử hoàn toàn khí nhà kính từ phương tiện giao thông đường bộ vào năm 2050, yêu cầu cấp thiết được đặt ra là phải loại bỏ xe động cơ đốt trong, tốt nhất là trước năm 2030. Đối với thị trường phát thải nhiều như châu Âu, yêu cầu khẩn cấp này cần thực hiện sớm vào năm 2028.

Trước những lời kêu gọi khẩn cấp từ Liên hợp quốc và những nhà bảo vệ môi trường, các hãng xe vẫn ngó lơ yêu cầu loại bỏ dòng xe động cơ đốt trong. Theo số liệu năm 2021 của GPEA, 80% hãng xe lớn không hề có ý định loại bỏ hoàn toàn dòng xe động cơ đốt trong tại bất kỳ thị trường nào trước năm 2035. Trong số này phải kể tới những “gã khổng lồ” nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi như Toyota, Ford, Nissan…

Trong khi các hãng đều phớt lờ kế hoạch cụ thể về việc loại bỏ xe xăng, chỉ có duy nhất Honda là hãng mạnh dạn đưa ra lời hứa hẹn về việc loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng xăng trên toàn cầu, nhưng với điều kiện là phải tới năm 2040 mới thực hiện. Điểm sơ qua vài cái tên có thể thấy các hãng xe Nhật Bản dường như không mấy mặn mà với trách nhiệm bảo vệ môi trường vào thời điểm hiện tại.

Xe điện chỉ chiếm thị phần rất nhỏ

Tính từ giai đoạn năm 2016 - 2020, số lượng xe bán ra trên toàn cầu là 68,18 triệu chiếc. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 2,11 triệu chiếc là xe điện với 2,1 triệu chiếc xe điện chạy pin (Battery Electric Vehicle - BEV) và 0,01 triệu chiếc xe điện pin nhiên liệu (Fuel Cell Electric Vehicle - FCEV). Gạt bỏ những cam kết và hứa hẹn viển vông sang một bên, số liệu bán xe điện của các hãng lại kém thuyết phục hơn nhiều. Đối với các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật Bản, tỷ lệ xe điện bán được chỉ đạt 1 - 2%, thậm chí tăng trưởng âm.

Toyota - hãng xe luôn ở những vị trí cuối bảng

Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó - Ảnh 2
Toyota còn chống lại việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe không phát thải.

Xếp ở vị trí gần cuối bảng luôn là Toyota - gã khổng lồ của dòng xe lai xăng - điện hybrid xếp hàng đầu thế giới. Trong năm 2020, số xe điện bán được của Toyota xếp cuối bảng với chỉ với 10.718 xe tương đương 0,12% số lượng xe bán được trên toàn cầu. Trong khoảng thời gian từ 2016 - 2020, số lượng xe điện mà Toyota bán được chỉ đạt 23.316 xe, không vượt quá 0,2% doanh số hằng năm. Sang tới năm 2022, Toyota vẫn tiếp tục xếp vị trí gần cuối bảng với tỷ lệ xe điện bán được chỉ 0,24%. Được biết, Toyota là một trong những hãng xe bảo thủ nhất nhì thế giới trong việc loại bỏ xe chạy bằng xăng. Trong suốt nhiều năm, hãng vẫn ủng hộ cho dòng xe chạy bằng xăng và bài xích xe điện, thậm chí còn vận động hành lang quyết liệt chống lại việc chuyển đổi sang xe điện.

Nissan vẫn rất tụt hậu so với các đối thủ

Kế đến là Nissan - hãng xe Nhật sản xuất xe điện đời đầu. Mặc dù doanh số tích lũy của Nissan luôn nằm trong hàng tốt nhất nhưng tốc độ tăng trưởng xe điện của Nissan trong giai đoạn 2015 - 2020 của Nissan đã tụt hậu thực sự so với các đối thủ. Năm 2020, Nissan bán được 70.270 xe điện, chiếm 1,87% tổng số lượng xe bán ra trên toàn cầu. Xét trong giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020, tỷ lệ xe điện bán được của Nissan chiếm dưới 2% doanh số bán xe toàn cầu. Sang đến năm 2022, doanh số xe điện của Nissan đã có tiến triển nhẹ với 2,98%. Con số này chỉ được tính là có tích cực so với chính Nissan của 2 năm trước nhưng so với các hãng lớn khác, sự cách biệt về tỷ lệ xe điện vẫn còn rất lớn.

Honda có tỷ lệ xe điện bán được không cao

Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó - Ảnh 3
Ông lớn của ngành xe ô tô Nhật Bản nhưng lại có tỷ lệ xe điện thấp so với các đối thủ.

Khác với hai hãng xe đồng hương, Honda là công ty khởi đầu xe điện muộn hơn cả. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng xe điện của hãng lại khá cao, đạt mức 251,44% trong quãng thời gian 5 năm từ 2016 - 2020. Xét trong năm 2020, Honda chỉ bán được 15.620 chiếc xe điện, chiếm tỷ lệ nhỏ chỉ 0,35% trong tổng số 4,46 triệu chiếc bán được trên toàn cầu. Đến năm 2022, doanh số xe điện của Honda đạt 0,67%.

Ford - "gã khổng lồ" bảo thủ của Mỹ

Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó - Ảnh 4
Lẹt đẹt trong hành trình bán xe điện.

Là hãng xe lớn của Mỹ, Ford cũng là một trong những hãng xe đầu tiên áp dụng công nghệ xe hybrid lai xăng - điện, tuy nhiên lại tụt hậu rất xa so với các đối thủ trong ngành về mảng xe điện. Phải tới cuối năm 2020, hãng mới bán các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện. Thật bất ngờ là trong năm 2020, Ford là hãng bán được ít xe điện nhất chỉ vỏn vẹn 491 chiếc. So với số lượng xe khổng lồ mà hãng bán được trên toàn cầu, con số này chỉ chiếm 0,01%. Tính trong quãng thời gian 5 năm từ 2016 - 2020, số xe điện mà Ford bán được chỉ đạt 3.984 xe, tương đương với tỷ lệ -5,58%. Đây cũng là hãng xe duy nhất đạt tỷ lệ âm. Đến năm 2022, Ford đã có những dấu hiệu tăng trưởng nhẹ với tỷ lệ 2,74% xe điện bán được.

Xếp cuối bảng trong năm 2022 phải kể tới hãng Suzuki của Nhật với 0% xe điện bán được trong tổng doanh số toàn cầu.

Tập trung vào xe lai hybrid xăng - điện để trì hoãn

Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó - Ảnh 5
Cấu tạo của xe lai hybrid xăng - điện.

Ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Nhật Bản. Vì thế, quốc gia này đã rất thận trọng trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe không phát thải. Lo sợ sự chuyển đổi chóng vánh sẽ làm xáo trộn chuỗi cung ứng và hệ thống việc làm vốn ổn định, Nhật Bản đã lựa chọn kế hoạch tập trung vào xe lai hybrid trong nhiều năm qua.

Các hãng xe Nhật Bản như Toyota và Honda từ lâu đã tập trung đầu tư vào công nghệ xe lai hybrid chạy bằng xăng lẫn điện và coi nó là kế hoạch trọng tâm để giảm phát thải carbon. Có thể nói, xe lai đã thống thị Nhật Bản kể từ những năm 2010 tới nay với tỷ lệ từ 70 -  90%. Những năm gần đây, Ford cũng dồn lực vào phát triển dòng xe lai hybrid. Tuy nhiên, mức giảm phát thải thực tế của dòng xe này thấp hơn rất nhiều so với con số ước tính.

So sánh với 10 - 15 hãng xe hàng đầu thế giới, nhìn chung có thể thấy các hãng xe Nhật như Toyota, Honda, Nissan lâu nay luôn đứng đầu về danh tiếng cũng như doanh số bán xe. Tuy nhiên, hiện nay họ đang dần mất thị phần tại châu Âu, Trung Quốc và Mỹ vì quá chậm chạp trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Trở ngại lớn nhất của các hãng xe Nhật là chính sách không mấy ưu ái từ phía chính phủ đã khiến cho họ gặp bất lợi trong quá trình chuyển đổi.

Gia Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng trách nhiệm môi trường của các hãng xe hiện nay: Còn hời hợt và mang tính đối phó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nhân lên tình người vượt mưa lũ
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống hàng nghìn người ở nhiều địa phương, vì thế, cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào.
Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam'
Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.
"Hết mưa là nắng hửng lên thôi"
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi!” - Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua mạnh mẽ để phát triển bền vững. Là người Việt Nam, với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, chúng ta sẵn có niềm tin tự cường ấy!