Thứ sáu, 20/09/2024 23:53 (GMT+7)
Thứ tư, 04/09/2024 02:01 (GMT+7)

VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Tổng Công ty CP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã đầu tư vào nhóm doanh nghiệp liên kết như Honda, Toyota và Ford Việt Nam. Đây cũng là những “con gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương.

VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần (VEAM) tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, thuộc Bộ Công Thương.

Tiền gửi ngân hàng vượt 16.400 tỷ

Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY thực hiện đã cho thấy bức tranh kinh doanh của VEAM.

Cụ thể, đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của VEAM tăng thêm 2.900 tỷ đồng, đạt 30.040 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ còn gần 370 tỷ đồng, nhưng tiền gửi ngân hàng tăng 27%, lên tới 16.447 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh, đạt 6.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, VEAM đã giảm 39% giá trị đầu tư vào liên doanh liên kết, chỉ còn 3.439 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 2/2024, VEAM ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 5,1%, đạt 1.024 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, công ty thu về 170 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, VEAM đã giảm đáng kể các khoản vay, giúp giảm áp lực chi phí lãi vay xuống 95,8%, và chi phí tài chính cũng giảm mạnh còn 1,63 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm tới 31,7%, chỉ còn 94 tỷ đồng, chủ yếu do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm. Mặc dù tiền và tương đương tiền cùng đầu tư tài chính ngắn hạn vẫn tăng trưởng so với đầu năm, mức lãi suất thấp đã làm giảm doanh thu từ hoạt động tài chính của VEAM.

Với hơn 16.000 tỷ gửi ngân hàng, VEAM là một khách hàng lớn của các nhà băng. Theo đó, công ty này đang gửi hơn 9.200 tỷ đồng ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; 2.950 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á; Hơn 2.000 tỷ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và hơn 1.700 tỷ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ngoài ra, công ty này còn gửi hơn 460 tỷ tại các ngân hàng khác.

VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 3
Các khoản đầu tư tài chính của VEAM.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2/2024 đạt 1.822 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết – nguồn thu nhập chính của VEAM – tăng 4,4%, đạt gần 2.866 tỷ đồng, giúp công ty lãi ròng 3.258 tỷ đồng, hoàn thành 59,4% kế hoạch năm 2024.

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm vừa tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội, đại diện VEAM đánh giá dù doanh thu 6 tháng giảm 7%, lợi nhuận trước thuế giảm 15% so với cùng kỳ nhưng Tổng công ty vẫn nỗ lực thực hiện chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Doanh thu tài chính, lợi nhuận sau thuế của VEAM tuy giảm 14% so với 6 tháng đầu năm 2023 nhưng đã đạt lần lượt 94% và 98% so với kế hoạch năm.

Tuy nhiên VEAM vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý hàng tồn kho tại Nhà máy ô tô VEAM.... Kết quả sản xuất kinh doanh của VEAM 6 tháng đầu năm vẫn chưa khả quan. Hầu hết các chỉ tiêu chính của Nhà máy đều giảm so với cùng kỳ năm 2023 (ngoại trừ số lượng xe tiêu thụ cũng như lợi nhuận trước thuế).

Giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu bán hàng của VEAM chỉ đạt lần lượt là 10% và 20% so với kế hoạch.

Đối với nhóm các công ty con, tổng lợi nhuận các đơn vị có lãi ước đạt 130 tỷ đồng, lợi nhuận các đơn vị lỗ ước âm 4,8 tỷ đồng. Lợi nhuận tính chung của các công ty con ước 125,2 tỷ đồng, bằng 53% so với cùng kỳ 2023 và đạt 36% kế hoạch năm.

Việc chia lợi nhuận chung giảm mạnh chủ yếu do DISOCO chưa ghi nhận khoản cổ tức được chia từ FVL (Cùng kỳ năm 2023, FVL chia lãi 106,3 tỷ đồng cho DISOCO). Nhìn chung, kết quả thực hiện chung của các Công ty con giảm ở hầu hết các chỉ tiêu và đạt từ 36% đến 49% mục tiêu cả năm. Nhóm 4 công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp 82% doanh thu của VEAM.

Kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm, trong đó giảm ở mảng máy nông nghiệp vì một số thị trường chính như Myanmar, Indonesia, Philippine,... do đồng tiền mất giá, sức mua giảm cũng như bất ổn chính trị. Các đơn vị đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu là FOMECO (9 triệu USD), SVEAM (3,3 triệu USD), DISOCO (3,4 triệu USD), FUTU 1 (2 triệu USD) VF (1,3 triệu USD).

Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu công ty mẹ đạt tổng doanh thu gần 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2023. Doanh thu tài chính vẫn chiếm phần lớn với hơn 5.861 tỷ đồng (chỉ bằng 74% so với năm trước, phản ánh kết quả giảm sút của cả hai công ty liên kết trong 2023 cũng như lãi suất tiết kiệm thấp hơn so với năm trước) còn lại hơn 495 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp và gần 58 tỷ đồng từ thương mại, dịch vụ.

VEAM kỳ vọng đạt 5.489 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2024, giảm 19% so với năm ngoái, không tính các khoản trích lập dự phòng.

Phần lớn lãi đến từ việc góp vốn vào công ty khác, hoạt động kinh doanh của VEAM có đang thực sự hiệu quả?

VEAM tiền thân là công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thuộc Bộ Công Thương được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 18/1/2017, theo Quyết định 4874/QĐ-BCT về việc cổ phần hoá Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, VEAM tổ chức thành công ĐHĐCĐ lần thứ nhất, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, Bộ Công Thương vẫn nắm giữ 88,47% cổ phần của VEAM.

Theo website của VEAM, công ty hiện có 27 đơn vị thành viên. Các đơn vị thành viên của VEAM với trên 20.000 cán bộ công nhân viên là các công ty sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải.

Tuy nhiên, những năm qua, các khoản đầu tư sinh lãi lớn của VEAM chủ yếu đến từ phần vốn nắm giữ tại các công ty liên doanh như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam; Mekong Auto; Công ty VEAM-Korea; Xí nghiệp liên doanh Kumba.

VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 4
Phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ các doanh nghiệp liên doanh như Honda, Toyota, Ford Việt Nam. 

Ngoài ra, VEAM còn có 18 công ty con – công ty liên kết. Trong đó, có thể kể tới những cái tên nổi bật như: Cơ khí Trần Hưng Đạo; Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam; Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU1); Công Ty Cổ Phần Cơ Khí Phổ Yên (FOMECO); Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp; Công ty TNHHNN MTV Diesel Sông Công (DISOCO)…

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, VEAM đã đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là khoản đầu tư gần 375 tỷ đồng vào Ford Việt Nam; 359 tỷ đồng vào Honda Việt Nam và 287 tỷ đồng đồng vào Toyota Việt Nam. Ngoài ra, Công ty TNHH Năm sao Hà Nội nhận 45 tỷ tỷ đồng, Cơ khí An Giang; Matexim Hải Phòng ghi nhận mức đầu tư 23 và 9 tỷ đồng và một số công ty khác ghi nhận mức đầu tư của VEAM từ vài trăm triệu tới vài tỷ đồng.

Trong đó, theo báo cáo tài chính, Honda Việt Nam đã chi trả hơn 5.000 tỷ cổ tức và lợi nhuận được chia cho VEAM, chưa kể Toyota và Ford Việt Nam là các “ông lớn” ngành ô tô chưa ghi nhận chi trả cổ tức cho VEAM. Như vậy có thể thấy, hoạt động kinh doanh, lợi nhuận chủ yếu của VEAM phụ thuộc vào các “con gà đẻ trứng vàng” như Ford, Honda và Toyota Việt Nam. Bởi, năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam. Tổng lợi nhuận được chia từ 3 liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).

Nếu tính từ thời điểm VEAM đăng ký giao dịch cổ phiếu VEA trên thị trường UPCoM năm 2018 đến hết 2023, tổng công ty này đã nhận về hơn 36.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD) lợi nhuận từ 3 liên doanh và riêng Honda Việt Nam đã đóng góp trên 80% số này.

Còn nếu tính trong giai đoạn VEAM công bố báo cáo tài chính 2011-2023, tổng công ty này đã được chia tới gần 59.000 tỷ đồng lợi nhuận từ 3 liên doanh sản xuất kể trên, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá từng thời kỳ.

Thậm chí, đây chỉ mới là mức lợi nhuận VEAM nhận được trong hơn một thập niên gần nhất, trong khi đây đều là các liên doanh đã được tổng công ty tham gia thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Việc khoản lợi nhuận trên mỗi năm đều đóng góp hơn 80% vào tổng lợi nhuận của VEAM cũng là một dấu hỏi lớn, hoạt động kinh doanh của VEAM có đang thực sự hiệu quả khi phần lớn lãi lại đến từ việc góp vốn vào công ty khác?

Kiểm toán nêu loạt vấn đề của VEAM

Mặc dù có kết quả kinh doanh tương đối khả quan, tuy nhiên, VEAM lại bị kiểm toán bị đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính liên tiếp bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Tại báo cáo tài chính từ năm 2012 đến thời điểm cuối năm 2023 của VEAM, phía các đơn vị kiểm toán độc lập đã nhiều lần đưa ra ý kiến ngoại trừ. Năm 2023, cổ phiếu VEA còn bị đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Trong khi đó, một trong những quy định chung để được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán là báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện niêm yết.

Năm nay, tại báo cáo tài chính nửa đầu năm, kiểm toán đã nêu ra nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính của VEAM. Cụ thể, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá: (1) khoản phải thu 46 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán; (2) hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển tại Văn phòng Tổng Công ty, trị giá 72 tỷ đồng; (3) dự án Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và Chi nhánh Bắc Kạn của Matexim, đang để treo khoản chi phí chờ xử lý 466 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, và tiền thuê đất.

Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh rằng dự án "Đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung" đang tồn đọng, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang có thể phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tương lai.

Dự án "Di chuyển và xây mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ" được HĐQT phê duyệt ngày 31/7/2014, với thời gian thực hiện từ quý IV/2016 đến quý I/2023, chưa hoàn tất các thủ tục gia hạn.

Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo (công ty con 100% vốn của VEAM) chưa ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Thái Bình Dương, trị giá 40 tỷ đồng, do không có đủ hồ sơ tài liệu từ các đối tác liên quan.

Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM - công ty con 100% vốn của VEAM) hiện đang tạm ghi nhận tiền thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, mà chưa phản ánh các thông báo nộp tiền thuê đất của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. SVEAM đã gửi công văn đến cơ quan có thẩm quyền để kiến nghị tiếp tục áp dụng đơn giá thuê đất ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, kết quả kiến nghị vẫn chưa được phản hồi.

Lãnh đạo liên tục bị khởi tố

Ngoài tình hình kinh doanh có nhiều điều đáng nói, bộ máy lãnh đạo của VEAM cũng thường xuyên biến động. Mới đây nhất, ngày 10/6 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoảng 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo tìm hiểu, ông Phan Phạm Hà, sinh năm 1975, quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông Hà có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Trước năm 2019, ông Hà từng là đại diện phần vốn Nhà nước, thành viên HĐQT tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - MIE ( thuộc Bộ Công Thương), Tổng giám đốc công ty Cơ khí Hà Nội - HAMECO (đơn vị trực thuộc MIE).

Giữa năm 2020, ông Phan Phạm Hà được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VEAM.

Việc ông Hà bị bắt đồng nghĩa với việc 3 đời Tổng giám đốc của VEAM đã bị bắt. 

Trước đây, ngày 3/8/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị thành viên; cùng ngày đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM và ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM cùng các lãnh đạo, cựu lãnh đạo khác.

Ngày 24/5/2022, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Tòa tuyên phạt ông Trần Ngọc Hà 11 năm tù; ông Lâm Chí Quang 8 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Tiếp đó, ngày 12/6/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Trần Ngọc Hà 3 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đây là vụ án thứ 2, ông Hà bị truy tố và đưa ra xét xử.

Ngày 28/12/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thanh Giang (cựu TGĐ, Ủy viên HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) và Lâm Chí Quang (cựu Chủ tịch HĐQT VEAM) mức án 5 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Những góc nhìn về các doanh nghiệp được VEAM góp vốn 

Có thể thấy, kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc lớn vào Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam hay Ford Việt Nam.

Về Honda Việt Nam, tổng sản lượng xuất khẩu xe máy nguyên chiếc (CBU) của HVN năm tài chính 2024 đạt 257.675 xe. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 536,1 triệu đô la Mỹ bao gồm cả xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng, tăng 33,2% so với năm tài chính 2023.

Đối với Toyota Việt Nam, ngoài sản xuất phục vụ trong nước, Toyota Việt Nam còn xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đạt 28,97 triệu USD, nâng tổng doanh thu tích lũy lên hơn 892 triệu USD. Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, Toyota Việt Nam đóng góp hơn 117 triệu USD vào ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng số tiền đóng góp lên hơn 13 tỷ USD.

Kết thúc 6 tháng đầu 2024, Ford Việt Nam bán ra tổng cộng 17.651 xe, mức này gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước là 17.423 xe, duy trì hạng 4 trong danh sách 10 hãng bán nhiều xe con nhất Việt Nam. Ngoài ra, dải sản phẩm của Ford tại Việt Nam cũng không thay đổi sau một năm, tuy nhiên hãng có cập nhật phiên bản mới cho một số mẫu xe.

Trong danh sách các công ty liên doanh của VEAM, Honda và Toyota đến từ Nhật Bản. Đợt tháng 6 vừa qua, Honda cùng Mazda, Toyota, Suzuki và Yamaha nằm trong nhóm công ty ô tô đồng loạt ra thông báo dừng vận chuyển đối với một số mẫu xe sau khi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) ghi nhận việc không tuân thủ quy trình chuẩn về việc cấp chứng nhận cho xe xuất xưởng.

Vụ việc bị phát hiện sau khi MLIT yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng báo cáo về các vi phạm liên quan đến quy trình cấp chứng nhận để xe có thể xuất xưởng.

Trong đó, Honda là thương hiệu có nhiều mẫu xe bị ảnh hưởng nhất sau cuộc điều tra nội bộ gần đây. Cụ thể, hãng đã phát hiện các báo cáo dữ liệu không chuẩn trong các bài kiểm tra tiếng ồn và công suất đối với 22 mẫu xe đã ngừng sản xuất, trong đó có Fit, CR-Z, Accord, Insight, Exclusive, CR-V… trong khoảng thời gian hơn 8 năm tính đến tháng 10/2017. Bê bối này đã dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận và khiến các hãng xe đều phải tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe ra thị trường. Thiệt hại kinh tế là điều không thể tránh khỏi, khi theo Hiệp hội sản xuất ô tô Nhật Bản, ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng 20% tổng số lượng vận chuyển mọi lĩnh vực sản xuất. Số nhân công, gồm cả các ngành công nghiệp liên quan, vượt 5,5 triệu người.

VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 5

Đối với Ford, hồi đầu năm nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã ra thông báo triệu hồi đối với mẫu xe Ford Everest để thay thế kim phun và nâng cấp phần mềm môđun điều khiển động cơ (PCM), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam nhập khẩu và phân phối theo chương trình của Tập đoàn Ford.

Tổng số lượng xe Ford Everest bị triệu hồi là 60 chiếc, có ngày sản xuất trong giai đoạn từ 7/7/2022 đến 1/3/2023.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên một số xe, kim phun adblue có thể bị hư hỏng. Nguyên nhân của hiện tượng trên xảy ra do lỗi phần mềm môđun điều khiển động cơ-PCM. Biện pháp khắc phục và cách thức xử lý là thay thế kim phun adblue và nâng cấp phần mềm môđun điều khiển động cơ-PCM.

Trước đó, vào tháng 11/2023, Ford Việt Nam cũng đã từng phải hồi xưởng 185 xe Ford Everest nhập khẩu từ Thái Lan, có thời gian sản xuất từ ngày 28/6/2022 đến 4/4/2023 để nâng cấp phần mềm môđun điều khiển động cơ-PCM.

Hãng xe Nhật Bản bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường

Trong một nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) trước đây, đã xếp hạng các hãng xe hàng đầu thế giới về nỗ lực chống biến đổi khí hậu, và kết quả cho thấy các hãng xe Nhật Bản thực tế vẫn rất thờ ơ với vấn đề này.

Theo nghiên cứu của Greenpeace, Honda và 2 hãng xe Nhật Bản đều xếp sau các "ông lớn" ô tô khác, bị đánh giá thấp trong việc chống biến đổi khí hậu. Mỗi hãng xe được chấm 100 điểm dựa trên các yếu tố như quá trình khử carbon trong chuỗi cung ứng, doanh số bán xe không phát thải (ZEV) năm 2021, loại bỏ dần các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, giảm thiểu tài nguyên và hiệu quả sản xuất. Kết quả nghiên cứu, Honda xếp gần áp chót trong nhóm đánh giá thấp với điểm tổng thể chỉ là 12,8/100. 

Greenpeace cho rằng, Honda là hãng xe nằm trong top 10 có quá trình chuyển đổi sang ZEV chậm hơn tốc độ chuyển đổi toàn cầu. Honda đang làm kém hơn nhiều so với các nhà sản xuất ô tô khác trong việc khử carbon trong chuỗi cung ứng. Điều này đặt ra những vấn đề đáng bàn khi Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải carbon, metan của ngành giao thông vận tải.

Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ: Giai đoạn đến năm 2030, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho tất cả các phân ngành giao thông vận tải và sự sẵn sàng về công nghệ, thể chế, năng lực và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi. Giai đoạn đến năm 2050, chuyển sang sử dụng điện và năng lượng xanh cho tất cả các phương tiện và thiết bị vận tải để góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia không phát thải. 

Triển khai Quyết định 876, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1679/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023 ban hành "Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải".

Để có hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi giao thông xanh, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, đề xuất bổ sung các nội dung liên quan đến khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; phương tiện giao thông thông minh trong Luật Đường bộ 2024, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.

Từ chính sách và thực tiễn nêu trên, cho thấy, đến lúc cần thiết lập, xây dựng một "hàng rào thương mại" với những quy định chi tiết, chặt chẽ đối với ngành công nghiệp ô tô, trong đó vấn đề môi trường phải được đặt ra như là các tiêu chí bắt buộc, các tiêu chí này phải đáp ứng sự công bằng giữa nhà sản xuất ở trong nước và nhà sản xuất ở nước ngoài có xe được nhập khẩu vào Việt Nam, phù hợp với lộ trình Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết VEAM và những góc nhìn từ các hãng xe bị đánh giá thấp trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Phát triển xu hướng du lịch thuận thiên tại Trà Vinh
Với mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh định hướng du lịch thuận thiên sẽ là chiến lược dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.