Thứ sáu, 11/10/2024 04:11 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/11/2020 16:44 (GMT+7)

Giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, nếu không muốn sống trong một thành phố hỗn loạn vì giao thông, mịt mù khói bụi độc hại, chúng ta phải nhanh chóng đưa giao thông xanh vào đời sống.

Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà khí thải vào bầu khí quyển hàng năm.

Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2014 cho thấy, lượng khí CO2 do GTVT phát thải ở mức 33.235 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo dự báo, con số này tăng xấp xỉ 2-2,5 lần trong các năm 2025 và 2030. Cụ thể, năm 2020 dự báo lượng khí CO2 phát thải trong ngành GTVT là là 47.680 nghìn tấn; năm 2025 là 65.138 nghìn tấn và năm 2030 là 89.119 nghìn tấn.

Giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai - Ảnh 1
Hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong đó, dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.

Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí. Cụ thể, nồng độ bụi trong không khí (quý 2/2016) ở các thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,5 lần.

Trước các con số dự báo kể trên, Bộ GTVT đặt mục tiêu chủ động phát triển GTVT theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trước thực trạng đó, đòi hỏi nhiều thành phố đẩy nhanh phát triển giao thông xanh để bảo vệ môi trường.

Giao thông xanh là gì?

Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.

Ở đô thị, ô nhiễm do các hoạt động GTVT chiếm khoảng 70%. Vì vậy, chính quyền và người dân cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường.

Giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai - Ảnh 2
Hà Lan - quốc gia chỉ có 17 triệu dân nhưng có đến 22,7 triệu chiếc xe đạp.

Nhìn ra thế giới ta thấy nhiều nước đã phát triển mạnh mẽ giao thông xanh. Hà Lan được coi là vương quốc xe đạp; Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xe máy, người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng là chính; nhiều thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuê với giá rẻ, tiện lợi. Nhiều nước phát triển đang dần thay thế ô tô sử dụng xăng bằng ô tô điện, hoặc sử dụng pin mặt trời…

Gần đây nhất, thành phố Leeds, nằm ở phía Bắc nước Anh đã thử nghiệm miễn phí sử dụng xe đạp điện cho người tham gia giao thông nhằm khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Chương trình này cho phép người dân sử dụng xe đạp điện miễn phí trong 2 tuần, được dùng xe lên tới 16km/1 chiều. Chính quyền thành phố chuẩn bị sẵn 15 xe đạp, trong đó 10 chiếc có khung cố định và 5 chiếc khác có thể gập lại.

Mô hình xe đạp điện nối tiếp một cuộc thử nghiệm khác đã được chính quyền Leeds thực hiện trước đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và các quỹ từ thiện sử dụng xe tải nhỏ chạy bằng điện với giá 0 đồng.

Nhiều thành phố khác như Paris (Pháp), không dừng ở phát triển những hệ thống xe đạp điện tiên tiến mà còn thực hiện chương trình kích cầu sử dụng phương tiện công cộng, thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Giao thông xanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, do thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu bén rễ trong bộ phận không nhỏ người dân. Mỗi khi đề cập tới việc hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi phương tiện sang đi bộ, xe đạp, xe buýt lại gặp không ít khó khăn và những ý kiến trái chiều.

TS Đặng Minh Tân nhận định, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người, gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Vì vậy rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.

“Nếu không muốn sống trong một thành phố hỗn loạn vì giao thông, mịt mù khói bụi độc hại, chúng ta phải nhanh chóng đưa giao thông xanh vào đời sống”, ông Tân nhấn mạnh.

Đối với xe buýt tại Hà Nội, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng nhiều xe mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3. Trong khi đó, tại châu Âu, mức tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện hiện đang là Euro 4, thậm chí, ở một số quốc gia còn đang áp dụng Euro 6, Euro 7. Các phương tiện giao thông cơ giới là nguồn phát thải nhiều nhất lượng khí thải CO2 và khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Những năm gần đây, tại Hà Nội bắt đầu có sự xuất hiện của xe buýt sử dụng khí CNG, xe máy điện, nhưng số lượng còn rất hạn chế. Năm 2009, Công ty cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ô tô điện) phục vụ khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cho đến nay, dự án giao thông sạch với những nét mới có tính đột phá đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang mầu sắc riêng của Hà Nội, của quận Hoàn Kiếm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Năm 2021, Hà Nội sẽ đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa...

Cùng với đó, việc UBND thành phố đặt mục tiêu đưa xe buýt điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025 được xem là động thái thể hiện sự nỗ lực của chính quyền nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.

Giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai - Ảnh 3

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.

TP.HCM có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.

Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm qua, chính quyền Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.

Theo ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, từ năm 2016, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải hành khách đầu tư và đưa vào sử dụng 1.680 xe buýt mới trên 52 tuyến đường để thay thế cho các xe buýt cũ đã xuống cấp và thải nhiều khí độc gây ô nhiễm không khí. Trong số này, có 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG thân thiện với môi trường, chiếm 20% trên tổng số 2.595 xe buýt công cộng của thành phố. So với các xe buýt sử dụng dầu diesel thì lượng khí thải độc hại từ những xe CNG giảm từ 53-63%, không có bụi và khói đen, tiết kiệm 30-40% nhiên liệu.

Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính đã ký kết Hiệp định Tài chính cho khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10,5 triệu USD nhằm đẩy mạnh quy hoạch đô thị tích hợp và kết nối giao thông dọc tuyến xe buýt nhanh mới tại TP.HCM.

Khoản viện trợ này do Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và do Ngân hàng Thế giới quản lý. Đây sẽ là nguồn tài chính bổ sung cho Dự án "Phát triển giao thông xanh TP.HCM" để xây dựng hành lang xe buýt nhanh mới.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dự báo miền Bắc sắp bước vào đợt mưa dông
Đêm nay và ngày mai, Bắc Bộ đêm có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Từ ngày 14-16/10, khu vực có khả năng có mưa rào và dông rải rác, khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Bão Milton đổ bộ Florida với sức gió hơn 190 km/ giờ
Milton hiện vẫn là cơn bão cấp 3 với sức gió 115 dặm/giờ (hơn 190km/h) sau khoảng nửa giờ đổ bộ. Cơn bão di chuyển theo hướng đông-đông bắc với tốc độ 15 dặm/giờ, mang theo sóng lớn, gió cực mạnh và lũ quét đe dọa tính mạng.

Tin mới

Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.