Thứ bảy, 27/04/2024 05:04 (GMT+7)
Thứ năm, 08/10/2020 06:30 (GMT+7)

Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, kéo theo đó là vô số hệ lụy như trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng.... Nguyên nhân chính do phát thải khí nhà kính, trong đó, các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người.

Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát khí thải nhà kính nhanh nhất. Năm 1990, Việt Nam thải hơn 21 triệu tấn khí thải CO2; đến năm 2000 lên 150 triệu tấn CO2; dự tính lượng khí thải CO2 tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020.

Trong đó, 46% lượng khí nhà kính phát thải từ việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính), sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản; 5% từ hoạt động giao thông; 6% từ chất thải; 3% còn lại là từ các lĩnh vực khác.

Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Hoạt động của các nhà mày là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Việc hoàn thành cập nhật NDC đã góp phần nâng mức đóng góp của Việt Nam cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

NDC của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu gây ra trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực.

So với NDC đã đệ trình, đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng cả về lượng giảm phát thải (so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia) và tỉ lệ giảm phát thải.

Cụ thể, lượng giảm phát thải tăng thêm 21,2 triệu tấn CO2tđ (từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ) tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27%, lượng giảm phát thải đã tăng thêm 52,6 triệu tấn CO2tđ (từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ).

Ngoài ra, NDC cập nhật cũng đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng.

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức kêu gọi các cá nhân và tổ chức cùng chung tay ứng phó biến đổi khí hậu, giải pháp về công nghệ là một mặt không thể thiếu trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia. Các giải pháp này rất đa dạng, nhưng cần được đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo phù hợp với điều kiện của quốc gia nói chung, cũng như ngành nghề, địa bàn áp dụng nói riêng.

Ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính đang là bài toán chung cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng là câu hỏi mà tất cả các quốc gia đang nỗ lực tìm lời giải đáp.

Các phương án, lựa chọn giảm phát thải không những phải góp phần hỗ trợ các quốc gia đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải mà còn cần giữ vững, duy trì an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phúc lợi xã hội.

Có thể nói, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi các quốc gia có định hướng đúng trong công tác giảm phát thải khí nhà kính, trên cơ sở xác định các nguồn phát thải chính, lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, các yếu tố tác động đến lượng phát thải, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý… tác động trên nhiều phương diện, đối tượng cũng như tạo môi trường thuận lợi để triển khai các công nghệ giảm phát thải tiềm năng.

Thái Minh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới