Thứ ba, 19/03/2024 10:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/11/2020 06:00 (GMT+7)

Thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Năng lượng tái tạo cần vốn đầu tư và chi phí sản xuất thấp, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho bà con vùng sâu xa. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo bền vững cần sự chung tay của mọi thành phần kinh tế tham gia.

Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo bền vững cần sự chung tay của mọi thành phần kinh tế tham gia.

Đứng trước yêu cầu cấp bách của việc chuyển dịch dần từ các nguồn năng lượng truyền thống, hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hà, Quản lý chương trình Năng lượng bền vững, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) để có góc nhìn đa chiều về những giải pháp, cơ chế chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hà, Quản lý chương trình Năng lượng bền vững, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).

Là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng, bà có thể chia sẻ về tình hình phát triển NLTT tại Việt Nam hiện nay?

- Quá trình phát triển NLTT thời gian qua đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, công nghệ, nguồn nhân lực, việc làm và nguồn tài chính. Hiện, năng lượng tái tạo toàn cầu phát triển đến một ngưỡng không còn đường lui nữa. Hơn 50% công suất NLTT mới bổ sung 2019 có chi phí sản xuất điện rẻ hơn so với nhà máy điện than mới.

NLTT (gió và mặt trời, tích hợp dự trữ trung hạn) đang dần cạnh tranh hơn với các dạng năng lượng hóa thạch ở quy mô thương mại. Nhiều nước chuyển sang áp dụng cơ chế đấu thầu, gọi thầu cạnh tranh để hỗ trợ các dự án điện tái tạo tập trung quy mô lớn, đồng thời tăng cường chú trọng đối với quy mô phân tán.

Điện mặt trời (ĐMT) nối lưới đã có 92 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất 4.693 MW, 135 dự án ĐMT đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 13.000 MWp (tương đương 10.000 MW). Dự kiến đến năm 2025, tổng công suất ĐMT là 14.450 MW và năm 2030 là 20.050 MW. ĐMT mái nhà tính đến tháng 6/2019 trên toàn quốc có 24.500 hệ thống với tổng công suất 470 MW, điện gió có 9 dự án đã vận hành với tổng công suất 350 MW. Tổng công suất điện gió đã được quy hoạch là 4.800 MW. Chính phủ cũng đã cho chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW. Dự kiến quy hoạch điện gió đến năm 2025 là 6.030 (phương án cơ sở) và 11.630 (phương án cao). Ngoài ra còn có thêm tổng công suất điện sinh khối đã đi vào vận hành là 350 MW.

Hiện đang có xu hướng chuyển các loại năng lượng truyền thống, hoá thạch sang sử dụng NLTT. Vậy việc chuyển đổi này có những mặt tích cực nào?

- Việc chuyển đổi này sẽ giúp làm giảm thiểu biến đổi khí hậu là lý do chính cho mục tiêu 100% NLTT. Nhưng lợi ích giảm phát thải CO2 không phải động lực duy nhất cho phát triển NLTT. Ở nhiều quốc gia, mục tiêu giảm ô nhiễm không khí và các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra - là động lực then chốt. An ninh năng lượng cũng là một động lực quan trọng nữa. Việc sử dụng NLTT và nhiên liệu như là một vấn đề an ninh quốc gia và cho sự an toàn của đất nước. An ninh năng lượng cũng đang được xem xét rộng rãi hơn trong bối cảnh tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống năng lượng trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Chi phí đầu tư cho một số công nghệ NLTT đang giảm nhanh, đặc biệt trong ngành điện. Những đổi mới trong sản xuất và lắp đặt pin năng lượng mặt trời, các cải thiện trong các thiết kế và vật liệu cho tuabin gió và hệ thống lưu trữ nhiệt CSP là một số công nghệ đóng góp vào giảm giá thành tổng thể. Cùng với đó, triển khai NLTT tạo ra nhiều giá trị và việc làm tại địa phương. Đối với các nước có nền kinh tế tăng trưởng thấp trên thế giới, ngành NLTT sẽ cung cấp một giải pháp để tăng thu nhập, cải thiện cán cân thương mại, đóng góp cho phát triển công nghiệp và tạo ra việc làm. Các phân tích cho thấy các nước có khung chính sách NLTT ổn định được hưởng lợi nhiều nhất từ giá trị tại địa phương mà ngành này tạo ra.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia năng lượng tái tạo - Ảnh 2
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Khai Anh, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Thưa bà, để chuyển dịch dần từ các nguồn năng lượng truyền thống, hóa thạch sang các nguồn NLTT, khí hóa lỏng chúng ta phải làm gì để phát triển bền vững?

- Hệ thống lưới điện Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dần cạn kiệt. Từ thực tế này, việc phát triển nguồn NLTT sẽ đóng góp vào nền an ninh năng lượng; giảm bớt áp lực nguồn cung, đầu tư hạ tầng cho hệ thống điện quốc gia. Đầu tư vào NLTT còn giúp gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng cho đất nước; mang lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư nhờ nguồn điện bán lại; hạn chế hiệu ứng nhà kính từ các mái nhà.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn NLTT cũng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và nâng lên 25-30% vào năm 2045.

Chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để phát triển NLTT một cách hiệu quả, về mặt cơ chế chính sách chúng ta cần phải lưu tâm đến khía cạnh nào?

- Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về NLTT nhưng việc khai thác NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi. Đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ. Việc quản lý, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương về thực thi chính sách trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu quy hoạch và dự báo cung cầu còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện triển khai còn nhiều vướng mắc.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện, nguồn vốn và năng lực phát triển dự án của nhà đầu tư… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế.

Tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, khó khăn đối với việc chuyển dịch năng lượng bền vững, đó chính là nhu cầu sử dụng đất lớn, điều này có thể dẫn tới rủi ro xung đột đất đai nếu không có giải pháp căn cơ. Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chính sách phát triển NLTT chưa đồng bộ, chưa đóng vai trò dẫn dắt và tạo động lực đầu tư vì ngắn hạn, thiếu ổn định, chưa rõ ràng.

Chính phủ cần bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng các dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ theo cơ chế thị trường; tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng; có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư; thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh…

Trân trọng cảm ơn bà!

Chủ trương định hướng phát triển NLTT bền vững của Việt Nam là đúng đắn, được Bộ Chính trị ủng hộ, khuyến khích, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, doanh nghiệp tích cực vào cuộc và lộ trình phát triển đã có khởi đầu đáng khích lệ với những lợi ích thiết thực như tạo được việc làm mới và môi trường làm việc ít độc hại. Vốn đầu tư và chi phí sản xuất thấp, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho các vùng sâu xa, hẻo lánh. Giảm tác động với môi trường, an ninh năng lượng được đảm bảo tốt hơn…

Quang Huy (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Xem xét nới thời gian đăng kiểm xe ô tô cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Pu Ta Leng - Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Bắc
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ. Quyết tâm chinh phục chúng tôi mới hiểu vì sao ngọn núi này hấp dẫn đến vậy.