Thứ tư, 01/05/2024 21:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/12/2023 07:00 (GMT+7)

Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong thời gian tới, đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước, cần cụ thể hóa Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị.

Vị thế chiến lược quan trọng

ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là “vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia.

Với diện tích 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Vùng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước.

Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 1
ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. (Ảnh internet)

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như: Có diện tích tự nhiên lớn (gần 4 triệu km2, khoảng 13% diện tích cả nước), dân số đông (khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước); hiện nay đóng góp khoảng 12% vào GDP cả nước.

Với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp, ĐBSCL là vựa lúa lớn, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu(3). Đồng thời, trong vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều,... và là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.

Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nhất là cán bộ các cấp cần phải năng động, sáng tạo, tự tin, tận tụy, trăn trở nhiều hơn nữa. Quy mô kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 12,08% GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước.

Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP23), các chuyên gia đánh giá, ĐBSCL đứng thứ 3 trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu. Do đó có thể thấy, yêu cầu lớn nhất hiện nay đặt ra với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL chính là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, kết hợp hài hòa các yếu tố đất, nước, năng lượng và khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Chỉ thị nhằm phát triển vùng ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; xác định "nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng", chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.

Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 2
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, ĐBSCL cần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, kết hợp hài hòa các yếu tố đất, nước, năng lượng và khí hậu. (Ảnh internet)

Tiếp đó, ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL. Trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW có kết quả, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển địa phương nhanh và bền vững. Đặc biệt, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Phát huy tốt vai trò thành viên trong vùng ĐBSCL, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng nhằm góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Cảnh Nghi

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.