Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, các tỉnh ĐBSCL đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án có vốn đầu tư công.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 749/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.
Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023 là trên 95% kế hoạch. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về giải ngân vốn đầu tư công. Trường hợp cán bộ, công chức trì trệ, năng lực yếu kém, hay gây nhũng nhiễu sẽ bị xử lý, thay thế. Cần đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư công, vốn của chương trình phục hồi kinh tế, các dự án trọng điểm, cao tốc gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các đơn vị phải lập kế hoạch chi tiết từng dự án, tháo gỡ khó khăn và coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án có vốn đầu tư công. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 so với tổng số Thủ tướng Chính phủ giao thì tỉnh Long An đứng thứ 1/63 tỉnh, thành và thứ 3/114 chủ đầu tư cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An có tổng vốn đã giao đến nay là 8.811,4 tỷ đồng; đến hết tháng 9, tỉnh giải ngân hơn 8.200 tỷ đồng, đạt 93,85% kế hoạch.
Trong 30 chủ đầu tư được giao vốn thì có 12 chủ đầu tư đã giải ngân trên 80% kế hoạch (trong đó có 3 chủ đầu tư giải ngân 100% kế hoạch); có 6 chủ đầu tư giải ngân từ mức trung bình của tỉnh 68,3% đến 80% kế hoạch. Tuy nhiên, trong tỉnh vẫn có 11 chủ đầu tư giải ngân dưới 68,3% kế hoạch; 1 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Theo UBND tỉnh Long An, để hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư giải ngân đạt thấp phải có giải pháp tổ chức, quyết liệt thực hiện; các sở, ngành, chủ đầu tư tăng cường phối hợp để bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, xem xét điều chuyển vốn sang dự án khác nếu giải ngân không đạt tiến độ; đồng thời sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư trong vấn đề chậm tiến độ giải ngân.
Là đầu tàu kinh tế, động lực phát triển của ĐBSCL, Cần Thơ luôn được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm đặc biệt, nhất là trong việc đầu tư công tại địa phương. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Cần Thơ đã giải ngân vốn đầu tư công được 7.602 tỷ đồng, đạt 69,4% kế hoạch năm với hành loạt dự án trọng điểm như đường Vành đai phía Tây; cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang , dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị…
Từ những kết quả nêu trên, TP. Cần Thơ đặt nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Thành ủy về phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong giai đoạn mới.
Hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ðẩy mạnh công tác thu ngân sách, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt và vượt kế hoạch. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn…
Tại tỉnh Đồng Tháp, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh hơn 6.501 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 20/10/2023 hơn 4.695 tỷ đồng, đạt 72,21%, cao hơn 17,05% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê, có 14/36 đơn vị giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh gồm: Đài Phát thanh - Truyền hình (đạt 100%), Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (đạt 95,08%), Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (đạt 87,97%)…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Đồng Tháp vẫn còn nhiều đơn vị thuộc sở, ngành tỉnh và đơn vị cấp huyện có tỷ lệ giải ngân thấp. Nguyên nhân do nguồn cung ứng cát cho các dự án, công trình của các chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng có biến động theo hướng tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn tới việc các dự án bị chậm triển khai...
Trước kết quả, nỗ lực của các Sở, ban, ngành trong nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Trong những tháng cuối năm, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống kê lại những công trình còn vướng về mặt bằng để kịp thời báo cáo UBND tỉnh có hướng tháo gỡ; các sở, ngành và địa phương cần quyết tâm, phối hợp thực hiện tháo gỡ khó khăn...
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong năm 2023, địa phương triển khai thực hiện 318 dự án, công trình với tổng nguồn vốn đầu tư công là 5.295 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh giải ngân được trên 3.230 tỷ đồng, đạt trên 61% kế hoạch vốn đầu tư công, tăng hơn 28% so cùng kỳ năm trước. Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu cuối năm 2023 nỗ lực giải ngân 100% vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo lãnh đạo tỉnh, trong các năm qua, tỉnh Tiền Giang luôn nằm trong tốp các tỉnh, thành giải ngân nhanh vốn đầu tư công nhất của cả nước.
Chủ tịch Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kết hợp có biện pháp chú trọng giải ngân nhanh vốn đầu tư công gắn với giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, dẩy nhanh tiến độ thi công, Tiền Giang đã tạo thêm động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều tỉnh còn khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công
Do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên nhiều địa phương tại ĐBSCL có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cong chậm.
Theo báo cáo của tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tính đến ngày 23/10/2023 đã giải ngân khoảng 1.895/3.900 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, đạt 48,6% kế hoạch.
Còn theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh đến nay mặc dù cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về giá trị và tỷ lệ (56,8/50%), nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra.
Theo các địa phương cho hay, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên vẫn là còn dự án, công trình vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục từ các dự án vốn lớn cũng là một trong những khó khăn chính trong giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Cà Mau. Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị cần có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn còn chưa thực hiện hoàn thành thủ tục đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Tại tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 15/10, tỉnh đã giải ngân 3.646,2 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo trong 2 tháng còn lại của năm 2023, các sở, ngành, địa phương rà soát kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, xác định các chỉ tiêu có thể bù đắp để tăng tốc vượt kế hoạch, nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch từ 95% trở lên, đối với các chỉ tiêu đạt thấp thì cố gắng đạt ở mức cao nhất có thể.
Song Anh t/h