Thủ tướng: Quy hoạch điện VIII phải ‘đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết’
Quy hoạch điện VIII phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết và đặc biệt không được tiêu cực trong xây dựng chính sách, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc và các vấn đề tồn đọng, cấp bách cần tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Theo Thủ tướng, Quy hoạch điện VIII phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết và đặc biệt không được tiêu cực trong xây dựng chính sách. “Ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định”, văn bản kết luận nêu.
Trong đó, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngoài vấn đề Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Công Thương cần tập trung là tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Bộ cũng cần rà soát hệ thống văn bản để ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi đầy đủ các cam kết theo các hiệp định FTA đã ký. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai tốt, nắm bắt các cơ hội từ các FTA.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ cần chú trọng yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao phẩm chất chính trị cán bộ, tránh để xảy ra hạn chế, khuyến điểm sai phạm như vừa qua.
“Bộ phải nghiên cứu ban hành cơ chế chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí. Từng lãnh đạo Bộ và các cấp phải là tấm gương để cán bộ trong ngành noi theo, chức vụ công tác càng cao thì càng phải nêu gương”, kết luận Thủ tướng nêu.
Quy hoạch điện VIII có nên tiếp tục phát triển nhiệt điện?
Quy hoạch điện VIII hiện đang được Bộ Công Thương dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi. So với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã loại bỏ hàng nghìn MW nguồn nhiệt điện than và tăng tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện với tỉ trọng cao sẽ gia tăng phụ thuộc nguồn than, khí nhập khẩu và đặt ra rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo vẫn chưa được Việt Nam khai thác tối đa. Điện gió ngoài khơi cũng chưa được triển khai và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này cũng khá đa dạng, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước.
Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng cũng chia sẻ, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang xoay quanh việc phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu.
"Vậy tại sao lại không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn", ông Lâm đặt vấn đề.
Còn theo PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại, việc phát triển các dự án điện than sẽ khiến lượng tro xỉ, tro bay, khí độc hại… gây ảnh hưởng môi trường, người dân xung quanh dự án. Tuy nhiên phải khẳng định, hiện nay, các dự án nhiệt điện than đều có công nghệ xử lý môi trường tốt và luôn đạt chuẩn quản lý môi trường quốc gia.
Công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc, nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến trên 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cũng cho biết, một dự án nhiệt điện than sản xuất ngang với 3 dự án điện gió và tương đương 4 dự án điện mặt trời. Ngoài ra, các dự án thủy điện vừa và lớn hiện đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025. Nếu nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện thì sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhập khẩu than vì liên quan đến tàu chở, hầm chứa, bảo quản khí…, nên không thể nhập khẩu nhiều như than và giá thành sẽ cao hơn.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng cho thấy, xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh, bổ sung khoảng 17 GW công suất điện mới vào hệ thống điện Quốc gia
Theo dự thảo đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần khoảng 128,3 tỉ USD vốn đầu tư để phát triển điện lực.
Cũng theo dự thảo, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW (trong đó nhiệt điện than là 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).
Đến năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW (trong đó nhiệt điện than là 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%).
Cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.
Hà Lan