Thứ sáu, 22/11/2024 22:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/03/2021 11:22 (GMT+7)

Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII: Vẫn còn nhiều bất cập

Theo dõi KTMT trên

Góp ý dự thảo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch vẫn đang “luẩn quẩn” với tuy duy cũ về phát triển điện than.

Quy hoạch vẫn đang “luẩn quẩn” với tuy duy cũ

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), về tổng quan, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Quy hoạch điện VIII tại mốc 2030 đã có một số thay đổi lớn: loại bỏ 5.000 MW điện than, 29.800 MW điện than còn lại được phát triển từ 2021 kéo dài tới 2045; tăng tỉ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo từ 21% lên 32,5%.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, các liên minh nhận định dự thảo quy hoạch vẫn có một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII: Vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 1
Quy hoạch vẫn đang “luẩn quẩn” với tuy duy cũ về phát triển điện than. (Ảnh minh họa)

Trong tọa đàm mới đây về góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện VIII, TS. Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cơ cấu nguồn vốn trong bản dự thảo chỉ phân bổ vào danh mục đầu tư, không đề cập đến cơ cấu nguồn vốn huy động từ đâu. Bản dự thảo chưa phù hợp, chưa đúng với định hướng và giải pháp quan trọng về tài chính xanh và ngân hàng xanh, được đề cập trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện than nếu tiếp tục được ưu tiên phát triển sẽ gặp khó khăn trong vấn đề huy động vốn khi các định chế tài chính trên thế giới đang thoái vốn khỏi điện than.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: “Công tác quản lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở nước ta hiện nay rất yếu. Một trong những nguyên nhân chính là vì không có cơ quan nào đặc trách nhiệm vụ này, nên có thể dẫn đến sự bỏ sót các khâu kiểm soát quan trọng (kiểm soát phóng xạ) và không kích thích việc tận dụng nguồn “tài nguyên” này. 

Hàng loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than đã được báo chí phản ánh, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những hộ dân xung quanh, đã trở thành nỗi lo dai dẳng nhiều năm nay.

Ông Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng cũng chia sẻ, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang “luẩn quẩn” với tuy duy cũ về phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu.

Tại sao không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn. Thậm chí, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến xuất khẩu điện chứ không phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, như trong bản dự thảo hiện nay.

Bỏ quên nhiều bài học

Cũng cho ý kiến về dự thảo này, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cho rằng, thời gian qua, chủ đầu tư phải chịu hậu quả của việc phát triển điện tái tạo quá nóng nhưng chưa thấy dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra giải pháp khắc phục. Nhiều nguồn phát nhưng chúng ta không thể phát lên lưới. Điều này làm giảm hiệu quả đầu tư và sức hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

“Cần phải chấm dứt việc chạy theo đề xuất của chủ đầu tư, nhét dự án vào quy hoạch bất chấp mọi cân đối về nguồn và lưới. Quy hoạch điện phải bám vào Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện các thông tin về việc thời điểm nào cần dự án ra sao và đặt ở đâu. Từ đó, sẽ quyết định dự án phù hợp xuất hiện ở thời điểm phù hợp để tối ưu hóa được việc phân bổ nguồn lực, thay vì nguồn có nhiều mà không phát lên lưới được, người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi”, TS Nguyễn Thành Sơn nêu.

Thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đã “khóc ròng” khi buộc phải tiết giảm nguồn phát do nhu cầu giảm và có thời điểm lưới điện truyền tải không theo kịp, gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội và gây rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân. Ngay cả khi truyền tải đáp ứng được thì tỉ trọng điện tái tạo quá lớn cũng đặt ra những lo lắng về độ an toàn hệ thống điện do đặc tính “thất thường của thời tiết”.

Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII: Vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 2
Thời gian qua, việc phát triển ồ ạt các dự án điện tái tạo cũng đặt ra những lo lắng về độ an toàn hệ thống điện. 

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã nâng tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo lên, phù hợp với xu hướng phát triển, song cần tránh các bài học của giai đoạn trước, đặc biệt liên quan đến việc lưới truyền tải điện không đáp ứng được để đưa lên lưới.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch Vũ Phong Energy Group cho hay, nhiều doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp FDI hay các doanh nghiệp sản xuất, gia công cho các hãng lớn tại Việt Nam đều đang có định hướng sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Do vậy, quy hoạch cần khuyến khích điện sạch đưa lên lưới mà không ảnh hưởng hệ thống điện, sa thải công suất, như: điện mặt trời áp mái bằng hình thức tự sản xuất – tự tiêu thụ, bởi đây cũng là cơ chế thuận lợi mới để mời gọi thêm nhà đầu tư sản xuất lớn vào Việt Nam.

Các nguồn năng lượng điện mặt trời, gió cần được tiếp tục ưu tiên phát triển bởi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt lớn của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nguồn năng lượng này thời gian qua cho thấy sự thiếu ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày và những hạn chế của lưới điện truyền tải nguồn năng lượng này.

Thời gian quá ngắn trong việc xin ý kiến cho bản dự thảo

Theo ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, Quy hoạch điện VIII có 4 tập, 831 trang nhưng phần giải pháp quá ít. Trong khi đó, quy hoạch khác với định hướng, chính sách. Quy hoạch phải rất cụ thể, công nghệ ra sao , hiệu quả năng lượng, giá cả như thế nào… Nếu không có giải pháp thì vài năm nữa, rất dễ phải điều chỉnh lại, vì vậy ngay từ bây giờ phải thấy rõ những vướng mắc để xử lý.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII là quá gấp, không đủ để các chuyên gia và người dân đọc – hiểu. Từ đó, có được những đóng góp có chất lượng, nhất là khi đây là một bản quy hoạch kinh tế xen lẫn kỹ thuật năng lượng.

Cụ thể, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương có văn bản (số 828/BCT-ĐL) xin ý kiến các bộ, ngành, nhưng trên thực tế, ngày 22/2/2021 Bộ Công Thương mới đăng tải toàn bộ Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII lên trang web của Bộ và đề nghị đóng góp ý kiến trước ngày 17/3/2021. Tuy nhiên, ngày 26/2/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản “yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình và Hội đồng thẩm định khẩn trương thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2021…”.

Theo các chuyên gia, với chừng ấy thời gian thì rất khó để có thể có được một bản quy hoạch điện “bảo đảm chặt chẽ, khoa học, nội dung theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị” đã đề ra. Quy hoạch điện VII với 3 lần điều chỉnh, bổ sung là bài học cần được nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để triển khai Quy hoạch điện VIII.

Thiếu kế hoạch phát triển thị trường điện

TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng Bộ môn Hệ thống Điện Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), nhận xét dự thảo thiếu hẳn nội dung quan trọng về chiến lược và kế hoạch phát triển thị trường điện. Nội dung này chỉ được tích hợp một phần nhỏ trong chương 13 về điều độ và thông tin hệ thống điện Việt Nam, thay vì xem xét việc phát triển thị trường điện là một trọng tâm trong đổi mới phương thức vận hành hệ thống điện.

Hiện tại, thị trường điện Việt Nam đã chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) với 98 nhà máy điện có tổng công suất lắp đặt 25.730 MW đã tham gia thị trường điện, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống, tính đến ngày 31/12/2019. Dù công việc phục vụ cho vận hành VWEM đã sẵn sàng nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước và một trong những khó khăn là phải xây dựng cơ chế bù chéo giữa các tổng công ty điện lực bởi khâu phát điện đã được thực hiện theo giá thị trường trong khi giá bán lẻ điện vẫn phải chịu sự điều tiết.

Về phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cũng phát sinh nhiều vấn đề thách thức mới đối với cơ quan điều hành thị trường như đấu thầu đầu tư nguồn mới, xây dựng thị trường công suất, thay đổi về quy định thị trường điện (giá nút, thị trường bán lẻ, mô hình chào giá 2 phía cung - cầu), điều chỉnh phụ tải (hành vi khách hàng thay đổi theo giá, áp dụng các dụng cụ điện thông minh).

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII: Vẫn còn nhiều bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới