Quy hoạch điện VIII: Hướng tới ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo
Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể khai thác và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.
Sáng 10/3, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì lập, hiện đã nộp dự thảo lần thứ 3 để Bộ Công Thương xin ý kiến rộng rãi. Đặc biệt, đề án Quy hoạch này sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện trong nước.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng.
Ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần hướng đến trong bối cảnh các nguồn điện khác đang dần cạn kiệt. Theo ông Linh, khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Bởi vậy, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, chia thành các nội dung chủ yếu như quan điểm, mục tiêu và phương pháp; hiện trạng hệ thống điện quốc gia và nhu cầu tiêu thụ điện; các tiêu chí, thông số đầu vào để lập quy hoạch; tiềm năng các nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện...
Theo tính toán, điện thương phẩm dự báo trong Quy hoạch điện VIII thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỉ kWh vào năm 2030. Tỉ trọng nhu cầu điện sẽ có sự dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc, đây là yếu tố mới của Quy hoạch điện VIII.
Về nhiên liệu cho phát điện, Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện. Tuy nhiên nguồn khí tự nhiên đang cạn kiệt dần, trong khi việc khai thác các mỏ khí mới còn chưa chắc chắn về thời điểm dòng khí đầu tiên cũng như chịu nhiều yếu tố bất định tác động. Vì vậy để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí LNG với quy mô khá lớn để cấp cho các nhà máy điện khí LNG, đi kèm với đó cần phải phát triển các cơ sở hạ tầng khí phục vụ sản xuất điện như hệ thống kho, hệ thống cảng...
Giai đoạn tới năm 2030 tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác...
Về chương trình phát triển nguồn điện, kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đáp ứng tốt tiêu chí an ninh cung cấp điện, thỏa mãn các cam kết với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện với chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Chương trình phát triển nguồn điện đáp ứng tốt các tiêu chí đặt ra nêu trong Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.
Liên quan tới chương trình phát triển lưới điện, Đề án chia thành 6 vùng lớn và 19 tiểu vùng để phân tích và xây dựng lưới điện truyền tải liên kết mạnh giữa các vùng.
Trước năm 2030, giữa các vùng sẽ được liên kết bằng nhiều đường dây 500kV. Sau năm 2030, sẽ xuất hiện thêm các đường dây truyền tải điện 1 chiều để giải tỏa công suất các cụm nguồn điện lớn, các nguồn điện gió xa bờ về các trung tâm phụ tải.
Vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỉ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD và cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD; giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 192,3 tỉ USD, trong đó cho nguồn điện khoảng 140,2 tỉ USD và cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD.
Quy hoạch điện VIII được hy vọng sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Hơn nữa, đây cũng là công cụ để kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh các nguồn năng lượng cho quốc gia.
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Hơn 100 dự án năng lượng mặt trời đã được kí hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời đã được đưa vào vận hành đạt xấp xỉ 6.000 MW.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể khai thác và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho biết: “Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đón dòng đầu tư mới để phát triển kinh tế xã hội… Có thể nói, chuyển dịch năng lượng nhưng cũng là sự chuyển dịch của cả nền kinh tế”.
Thùy Linh