Thứ sáu, 22/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 18:00 (GMT+7)

Thông qua Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho điện gió phát triển

Theo dõi KTMT trên

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia. Việc cập nhật cam kết của Thủ tướng tại COP26 trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã mở cơ hội cho điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi phát triển.

Chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là một quy hoạch ngành rất khó, liên quan đến mục tiêu phát triển chung và riêng; nhất là trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Đặc biệt là sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 và Việt Nam có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. 

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 tại ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đã cho thấy một số vấn đề còn bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn cũng như một số vấn đề về cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện...

Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII nhằm khắc phục cho được các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".

Mới đây nhất, tại Hội nghị với các địa phương ngày 15/4/2022, cơ bản các ý kiến đều thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, tối ưu hiệu quả tổng thể của nền kinh tế, đảm bảo giá điện ở mức thấp nhất, phù hợp với khả năng của người dân trong khi đó vẫn đảm bảo thực hiện một cách hết sức trách nhiệm những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Thông qua Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho điện gió phát triển - Ảnh 1
Dự thảo Quy hoạch điện VIII nhằm khắc phục các bất cập còn tồn tại, bám sát các cam kết của Việt Nam tại COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". (Ảnh minh họa)

Trao đổi về vấn đề này, TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết, Quy hoạch điện VIII được xây dựng rất kỹ, hết sức cẩn thận, đến giờ đã là phương án thứ 6. Phiên bản tháng 4/2022 có thêm 2 kịch bản mới, trong đó có kịch bản chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. Đây là kịch bản mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được.

"Thêm kịch bản nữa là tính toán khả năng nếu nguồn điện thiếu, chậm thì điều hành như thế nào. Đây là điều chỉnh mới và tốt, phù hợp với quan điểm Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, trong quá trình thực hiện Quy hoạch sẽ cập nhật, tính toán, điều chỉnh dựa trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội thực tế ở mỗi giai đoạn. Quy hoạch đã cập nhật dữ liệu về điện gió gần bờ, xa bờ,... nhưng cần có khảo sát, đánh giá riêng, chứ không chỉ cập nhật con số của các tổ chức quốc tế", TS. Kiệt nói.

Tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định Quy hoạch điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây: Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước.

"Nếu giữ nguyên như trước thì mức đầu tư sẽ lớn, dàn trải. Có sự thống nhất cao về cơ cấu phân bổ vùng miền, hạn chế truyền tải đi xa. Điều này rất quan trọng bởi với từng ấy sản lượng điện nhưng nếu chuyển từ miền Trung ra miền Bắc để sử dụng thì sẽ lãng phí đường dây, hao hụt…"- Phó Thủ tướng nhận định.

Sớm quy hoạch không gian biển cho phát triển năng lượng

Một điểm mới của Quy hoạch điện VIII là đã khắc phục là cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo.

Trước đó, nhiều đánh giá của tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.

Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch, cho rằng, so với gió trên bờ, chất lượng và độ ổn định của gió ngoài khơi thường tốt hơn, đặc biệt là ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi mà nguồn tài nguyên gió ngoài khơi được đánh giá là có chất lượng tốt hơn so với gió trên bờ. Các tuabin gió có kích thước lớn hơn giúp dự án điện gió ngoài khơi đạt được hệ số công suất hàng năm cao vượt trội.

Đơn cử như Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Thanglong Wind tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ có tổng công suất hàng nghìn MW sau khi đi vào vận hành hoàn chỉnh. Những dự án này tương đương việc cung cấp điện cho hàng chục triệu hộ gia đình Việt hàng năm.

Việc đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn như vậy có nhiều lợi thế hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác, do tránh được nhiều hạn chế đáng kể mà các dự án năng lượng tái tạo trên bờ đang gặp phải, chẳng hạn như yêu cầu diện tích đất đai rất lớn, tác động cảnh quan và tầm mắt, tiếng ồn/độ rung trong quá trình xây dựng và vận hành...

Trao đổi tại cuộc họp, Ủy viên phản biện, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương đánh giá, việc cập nhật cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã mở cơ hội cho điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần sớm quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2045 về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và năng lượng đại dương một cách bền vững.

Sau khi Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Quy hoạch với số phiếu cao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch; việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

"Tuyệt đối không được biến Quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát thật kỹ dự thảo Quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công Thương phải xây dựng một kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch theo lộ trình.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thông qua Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho điện gió phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.