Thứ bảy, 23/11/2024 12:11 (GMT+7)
Thứ năm, 15/10/2020 06:15 (GMT+7)

Thiên tai bất thường, thiệt hại khó lường

Theo dõi KTMT trên

Tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay đã giúp con người dự báo chính xác thời điểm xảy ra thiên tai, giảm bớt thiệt hại về người và của, nhưng biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã khiến thiên nhiên ngày càng khó lường.

Ví dụ mới nhất chính là cơn bão Delta xuất phát từ Đại Tây Dương đã đột ngột tăng sức mạnh khi nó đổ vào vùng duyên hải Vịnh Mexico gồm các bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, và Florida ở miền Nam nước Mỹ.

Theo các chuyên gia nghiên cứu khí tượng, bão Delta trước khi đổ bộ vào bán đảo Yucatan đã đột nhiên suy yếu khi tốc độ di chuyển của nó chỉ là 35 dặm trên giờ (tương đương 56km/h) và ngang một đợt áp thấp nhiệt đới không tên. Tuy nhiên điều kỳ quái là sau đó 36 giờ đồng hồ, bão Delta đã “sống lại” với sức gió mạnh 140 dặm trên giờ (225km/h) và được xếp vào danh mục bão khủng Cấp độ 4.

Nhà khoa học về dữ liệu thời tiết Sam Lillo ở Đại học Colorado (Mỹ) cho biết, bão Delta đã thiết lập kỷ lục mới về tốc độ di chuyển được ghi nhận từ cách đây đúng 20 năm.

“Thực tế là chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều điều tương tự xảy ra trong vài năm qua khi ghi nhận tính khó lường về sức mạnh của các cơn bão chỉ trong một thời gian ngắn, khác xa so với những năm 1980. Phần lớn nguyên nhân là liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra", chuyên gia dự báo bão và khí hậu Jim Kossin thuộc Cục Khí quyển và Đại dương quốc gia cho hay.

Chuyên gia khí tượng học kì cựu Jeff  Masters cho biết, trước bão Delta thì bão Laura là cơn bão mạnh nhất ở Vịnh Mexico trong mùa bão năm nay khi nó di chuyển với tốc độ 65 dặm trên giờ (105 km/h) sau một ngày hình thành và đổ bộ vào đất liền.

Thiên tai bất thường, thiệt hại khó lường - Ảnh 1
Siêu bão Laura tàn phá bờ Nam nước Mỹ. (Ảnh: Internet)

Nhận xét chung trong vài thập kỷ qua, các nhà khí tượng học thế giới ngày càng quan ngại về tính khó lường trước những cơn bão vốn xuất phát điểm khá… ầu ơ, giống như bão Delta rồi chỉ trong vòng 24 giờ bỗng nguy hiểm trở lại với sức tàn phá kinh khủng.

Mưa lũ ngày càng khó lường

Tại Việt Nam, những năm nay, các cơn bão cũng ngày càng diễn biến bất thường. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần qua, đã có hai cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta, không chỉ bão, mưa lũ kéo dài những ngày qua đã khiến nhiều tỉnh miền Trung ngập trong biển nước. Theo thống kê mới nhất, tính đến 16h ngày 14/10, đợt mưa, bão ở miền Trung đã làm 44 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Trị 13 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 10 người, tỉnh Quảng Nam 10 người… Ngoài ra, mưa, lũ, bão số 6 còn làm 6 người mất tích, 15 người bị thương…

Theo dự báo, trong 10 ngày tới, cơ quan khí tượng dự báo mưa lũ miền Trung chưa có dấu hiệu dừng lại.

Phân tích về yếu tố cực đoan của đợt mưa lũ năm nay, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng thực trạng các hồ chứa khu vực Trung Trung Bộ đã đầy, không còn hoặc còn ít khả năng cắt lũ. Đất cũng đã ngâm trong nước nhiều ngày, gây ra tình trạng bão hòa nước.

Mưa lớn tiếp diễn trong khi nước lũ chưa kịp rút khiến tính tổn thương trước thiên tai bão, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Trung Trung Bộ cao hơn.

Thiên tai bất thường, thiệt hại khó lường - Ảnh 2
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung. (Ảnh: Zing)

"Trọng tâm của mưa lũ những ngày tới vẫn là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Lũ trên các sông phổ biến ở báo động 2 và báo động 3, nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận các số liệu lịch sử về mực nước lũ", Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.

Nói thêm về nguyên nhân của đợt mưa lũ này, ông Long cho biết đây là diễn biến điển hình của sự kết hợp giữa dải hội tụ nhiệt đới đi ngang qua Trung Bộ và không khí lạnh. Tương tự dải mây Fron Mei-yu gây mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc cách đây chưa lâu, hình thái gây mưa cho miền Trung thời kỳ này có năm hoạt động yếu, có năm lại mạnh.

Năm nay, dải hội tụ nhiệt đới này hoạt động mạnh, kèm theo tương tác của nhiều hình thái cực đoan trên Biển Đông khiến tình hình diễn biến xấu.

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện nay, khí quyển đã chuyển sang trạng thái La Nina, do đó từ nay cho đến cuối năm tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng xuất hiện thêm các đợt mưa lũ lớn ở khu vực này.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai bất thường, thiệt hại khó lường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới