Thứ năm, 02/05/2024 13:11 (GMT+7)
Thứ ba, 13/10/2020 06:40 (GMT+7)

Những 'con số biết nói' về thảm họa thiên tai trong vòng 20 năm qua

Theo dõi KTMT trên

Trong giai đoạn 2000-2019, trên thế giới đã ghi nhận 7.348 trận thiên tai lớn, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 20 năm trước. Thiên tai đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD.

Theo báo cáo được Văn phòng Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR) công bố ngày 12/10 cho biết, trong giai đoạn 2000-2019, trên thế giới đã ghi nhận 7.348 trận thiên tai lớn, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 20 năm trước.

Thiên tai đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD trong 20 năm qua. Các con số trên tăng mạnh chủ yếu là do gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu, trong đó có lũ lụt, mưa bão, hạn hán. Số đợt lũ lụt lớn tăng hơn gấp đôi lần lên 3.254 đợt, trong khi các đợt hạn hán, cháy rừng, nắng nóng kéo dài cũng gia tăng mạnh. Số lượng các cơn bão lớn là 2.034, tăng đáng kể so với con số 1.457 cơn bão của 20 năm trước trước đó.

Những 'con số biết nói' về thảm họa thiên tai trong vòng 20 năm qua - Ảnh 1
Thiên tai đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Tồi tệ nhất là trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, cướp đi sinh mạng của 226.400 người, sau đó là trận động đất ở Haiti năm 2010 với số người thiệt mạng lên tới hơn 222.000 người.

Châu Á được xem là nơi hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong 20 năm qua với 3.068 trận thiên tai, sau đó là châu Mỹ với 1.756 trận và châu Phi 1.192 trận. Trong đó, Trung Quốc là nước ghi nhận nhiều vụ thiên tai nhất với 577, sau đó là Mỹ (467), Ấn Độ (321) và Indonesia (278).

Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Năm 2017 là năm thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, để lại những hậu quả sau nhiều năm mới có thể khắc phục và làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Cụ thể, đã có 386 người chết, trong đó do bão có 43 người (chiếm 11%), chủ yếu trong bão số 12 với 37 người chết; mưa lũ, ngập lụt làm 243 người (chiếm 63%); lũ quét, sạt lở đất làm 71 người (chiếm 18%); các thiên tai khác làm 29 người (chiếm 8%).

Về nhà, có 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; về sản xuất nông nghiệp có 364.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại, 170.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả và 143.440 ha rừng bị đổ, gãy; 70.000 con gia súc và 02 triệu con gia cầm bị chết; 60.400 ha nuôi trồng thủy sản và 76.500 lồng bè bị mất, thiệt hại (trong đó riêng tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại 70.900 lồng, bè trong đợt bão số 12); 277 km đê cấp III, kè và 868 km kênh mương, bờ sông bờ biển bị sạt lở; nhiều hồ đập, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng; 7,0 triệu m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở…

Tổng thiệt hại về kinh tế riêng năm 2017 khoảng 60.000 tỷ đồng. Một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của địa phương như: Khánh Hòa thiệt hại hơn 14.700 tỷ đồng; Hòa Bình thiệt hại hơn 2.820 tỷ đồng; Yên Bái thiệt hại hơn 1.599 tỷ đồng, Hà Tĩnh thiệt hại trên 7.485 tỷ đồng; Quảng Bình thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng...

Trước những con số trên cho chúng ta thấy sự gia tăng của thiên tai trong 20 năm qua đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, thì khí hậu toàn cầu sẽ trở nên cực đoan hơn và khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Những 'con số biết nói' về thảm họa thiên tai trong vòng 20 năm qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới