Thứ bảy, 23/11/2024 09:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/04/2020 11:53 (GMT+7)

Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ

Theo dõi KTMT trên

Số người thất nghiệp tại Mỹ tăng kỷ lục, Trung Quốc lần đầu tăng trưởng âm trong vòng 30 năm là những tin nổi bật trong thế giới tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ - Ảnh 1
Số ca nhiễm Covid trên thế giới vẫn gia tăng một cách chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đạt hơn 2,2 triệu ca và hơn 150.000 ca tử vong

Theo Worldometers, tính đến 8h30 sáng (giờ Việt Nam), tổng ca nhiễm Covid-19 trên thế giới là hơn 2,2 triệu ca và có 153.950 ca tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 30.727 ca mắc và 2.342 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 708.297 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 36.959 trường hợp.

Tại châu Âu, nhìn chung tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm khi các quốc gia ghi nhận số ca tử vong dưới mốc 1.000. Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha sau thời gian lên đến đỉnh, dịch bệnh đang diễn biến chậm lại.

Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 gần đã lên tới 190.839 sau khi nước này ghi nhận thêm 5.891 trường hợp trong ngày 17/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 20.002 sau khi ghi nhận thêm 687 trường hợp.

Italy ghi nhận thêm 3.493 ca mắc mới và 575 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện tại là 172.434 trong đó có 22.745 ca tử vong. Số ca tử vong tại Italy hiện đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Để ngăn chặn dịch bệnh, nước này đã gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5.

Tại Châu Á, Hàn Quốc hiện ghi nhận 22 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 10.653 ca, trong đó có 230 ca tử vong.

Tại Trung Quốc, hôm qua đã đính chính số liệu, số ca tử vong tăng thêm 1.290 ca.

Tại khu vực Đông Nam Á, 2 nước hiện có số ca mắc bệnh Covid-19 gần ở mức 6.000 người là Indonesia, Philippines trong khi đó, Singapore và Malaysia cũng vượt mốc 5.000 người. Indonesia vẫn là nước có số tử vong cao nhất khu vực với 520 ca. Thái Lan hiện có 2.700 ca nhiễm, 47 ca tử vong.

Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ - Ảnh 2
22 triệu người dân Mỹ thất nghiệp và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Số người thất nghiệp ở Mỹ tăng kỷ lục

Theo Reuters, tính từ ngày 21/3 tới nay đã có hơn 22 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 13,5% lực lượng lao động của nước này nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhà kinh tế học quốc tế James Knightley tại New York nói, điều này cho thấy, chỉ trong vòng 4 tuần qua, Mỹ mất gần như toàn bộ số việc làm từng tạo lập được kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ còn mất thêm nhiều việc làm nữa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các bang và chính quyền địa phương đã đưa ra yêu cầu không rời khỏi nhà nếu không có việc cần thiết để ngăn Covid-19 lây lan. Quyết định này đã ảnh hưởng đến hơn 90% người dân Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/4 đã công bố hướng dẫn tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19, cho rằng các bang nên mở cửa từng bước để người dân trở lại làm việc.

Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ - Ảnh 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng trợ cấp cho WHO vì sự thiếu minh bạch về đại dịch Covid-19.

Mỹ ngừng hộ trợ cho WHO sau vì cơ quan này che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19

Ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump nói ông chỉ đạo chính phủ tạm ngừng tài trợ để "bắt đầu tiến trình đánh giá vai trò của WHO trong việc quản lý không đúng và che đậy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tại Trung Quốc”, theo AFP. Theo ông, WHO đã ngăn chặn sự minh bạch tông tin về đại dịch.

Mỗi năm, Mỹ cấp ngân sách cho WHO từ 400 đến 500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng “nếu WHO làm công việc của mình, đưa các chuyên gia y tế tới Trung Quốc đánh giá tình hình thực tế và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, dịch bệnh sẽ được kiểm soát ngay từ đầu với tổn thất rất nhỏ về sinh mạng”.

Phản ứng về việc ông Donald Trump tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho WHO, ngày 14/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Giờ không phải là thời điểm cắt giảm các nguồn tài trợ cho các hoạt động của WHO hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống Covid-19. Hơn lúc nào hết, đây là khoảng thời gian cộng đồng quốc tế phải nỗ lực đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ - Ảnh 4
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc những quý gần đây.

Trung Quốc tăng trưởng âm lần đầu kể từ năm 1992

Theo số liệu thống kê chính thức được Bắc Kinh công bố vào hôm nay, 17/04/2020, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, trong quý 1 năm 2020, đã sụt giảm dữ dội, - 6,8% tính theo tỉ lệ năm.

Đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc giảm sút như vậy, ít ra là kể từ năm 1992. Tỷ lệ tăng trưởng thậm chí còn bị sụt giảm mạnh hơn so với dự báo là - 6,5%. Trong quý 4 năm 2019, tăng trưởng của Trung Quốc là 6%.

Đây là hậu quả trực tiếp của các biện pháp chống virus corona. Trong hơn hai tháng, các thành phố lớn của Trung Quốc đã bị hoàn toàn tê liệt, sản xuất bị đình chỉ.

Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ - Ảnh 5
Lượng khí thải giảm kỷ lục vì đại dịch Covid-19, mức giảm lớn nhất trong vòng 50 năm qua.

Lượng khí thải toàn cầu giảm kỷ lục 2,5 tỉ tấn vào năm nay

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho sự hạn chế về các hoạt động sản xuất và giao thông chưa từng có. Dự kiến ​​sẽ cắt giảm hàng tỉ thùng dầu, hàng nghìn tỉ mét khối khí đốt và hàng triệu tấn than từ hệ thống năng lượng toàn cầu vào năm 2020.

Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm lượng khí thải CO2 lớn nhất trong ngành nhiên liệu hóa thạch, làm lu mờ các đợt sụt giảm carbon do các cuộc suy thoái lớn nhất trong 50 năm qua cộng lại.

Các chuyên gia khí hậu dự kiến ​​lượng khí thải carbon toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng sẽ tăng vào năm 2020, từ mức ước tính 36,8 tỉ tấn CO2 vào năm ngoái. Thay vào đó, khí thải có thể giảm khoảng 5%, tương đương 2,5 tỉ tấn CO2 xuống mức thấp nhất trong khoảng một thập kỷ.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Thế giới tuần qua: Mỹ dừng viện trợ cho WHO, lượng khí thải xuống thấp nhất trong một thập kỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới