Dịch Covid-19: Nhóm lao động tự do cần thủ tục gì để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước?
Tôi ở Nam Định lên Hà Nội sống và làm việc lao động tự do. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đang thất nghiệp, vậy tôi cần chuẩn bị thủ tục gì để được nhận tiền hỗ trợ?
Về vấn đề này, báo Tin tức trả lời như sau:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến về quy định việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là bước tiếp theo nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.
Trong đó, dự thảo quy định về thủ tục, điều kiện nhận hỗ trợ của người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do tác động của Covid-19.
Về điều kiện hỗ trợ
1. Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Không có đất sản xuất nông nghiệp;
b) Mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia quy đinh tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 do dịch Covid-19;
c) Có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 03 tháng trở lên trước ngày 01 tháng 4 năm 2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ.
d) Thuộc một trong những công việc sau:
- Người bán hàng rong;
- Lao động thu gom rác;
- Người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa;
- Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô;
- Người bán lẻ vé số lưu động;
- Người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
2. Ngoài các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương quyết định bổ sung các đối tượng khác và chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Mức và thời gian hỗ trợ tối đa theo quy định hỗ trợ đối với các đối tượng này theo quy định tại Điều 31 Quyết định này.
Về mức, thời gian và phương thức chi trả
Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ: theo tình hình ảnh hưởng thực tế của dịch Covid-19, cho tới khi người lao động có việc làm, tối đa không quá 03 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Phương thức chi trả: hỗ trợ theo hằng tháng.
Về hồ sơ và trình tự, thủ tục
Hằng tháng, người lao động có đủ điều kiện quy định tại Điều 30 Quyết định này có nhu cầu hỗ trợ, trực tiếp kê khai theo Mẫu số … ban hành kèm theo Quyết định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hợp pháp (có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú).
Trên cơ sở đề nghị của người lao động, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quy định tại Điều 30 của Quyết định này tổ chức rà soát, đánh giá và lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cộng đồng dân cư; niêm yết công khai trong 5 ngày làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động cư trú; tổng hợp danh sách theo mẫu số..., kèm theo hồ sơ đề nghị của từng người lao động gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Trường hợp người lao động không được hỗ trợ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện về danh sách người lao động bị mất việc làm được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến, công khai danh sách người lao động được hỗ trợ và chi trả trực tiếp cho người lao động…
Như vậy, với dự thảo quy định trên của Bộ LĐ-TB&XH và hướng dẫn của các quận huyện trên địa bàn Hà Nội trong rà soát thì người lao động cần chuẩn bị giấy tờ sau:
- Hộ khẩu hoặc giấy tạm trú (người từ địa phương khác).
- Giấy xác nhận không lĩnh hỗ trợ tại địa phương đi (trường hợp cụ thể của bạn, tức là ở Nam Định).
- Xác nhận thu nhập không quá 1,4 triệu đồng/người/tháng (do tổ dân phố và phường xác nhận).