Chủ nhật, 28/04/2024 21:29 (GMT+7)
Thứ tư, 18/11/2020 14:14 (GMT+7)

Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn Trái đất nóng lên

Theo dõi KTMT trên

Khí nhà kính liên quan đến hệ thống lương thực toàn cầu đang trên đường đẩy nhiệt độ thể giới tăng thêm 1,5 độ C và khó có thể duy trì dưới mức tăng 2 độ C. Các chuyên gia cho rằng, con người cần ăn ít thịt để bảo vệ Trái đất.

Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất phát thải khí nhà kính. Nhiều quốc gia đang cố gắng giảm mức tiêu thụ cũng như mức phát thải các khí này, với mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu.

Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn Trái đất nóng lên - Ảnh 1
Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất phát thải khí nhà kính.

Giáo sư sinh thái học David Tilman tại Đại học California cho biết, nguồn năng lượng dầu mỏ chỉ là một phần của bức tranh lớn. Trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí Science, giáo sư Tilman và đồng nghiệp dự đoán ngay cả khi không có nhiên liệu hóa thạch, các phát thải khí nhà kính tích lũy từ một nguồn khác vẫn khiến nhiệt độ toàn cầu chạm tới giới hạn chỉ trong vài thập kỷ tới. Nguồn đó chính là thức ăn của con người.

Theo giáo sư, những khí nhà kính liên quan đến hệ thống lương thực toàn cầu đang trên đường đẩy nhiệt độ thể giới tăng thêm 1,5 độ C và khó có thể duy trì dưới mức tăng 2 độ C. Sự gia tăng dân số thế giới đòi hỏi sản xuất nhiều thức ăn hơn, từ đó thải ra khối lượng khổng lồ không ngừng tăng lên của các khí nhà kính như carbonic, metan vào khí quyển.

Theo số liệu của bài nghiên cứu, chỉ tính riêng phát thải từ nông nghiệp cũng có thể đưa nhiệt độ chạm giới hạn 1,5 độ C vào năm 2050.

Phát hiện này đặc biệt đáng lo ngại khi chúng ta thực chất vẫn đang tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Kể từ năm 1880 đến nay, thế giới đã tăng lên 1 độ C, vì thế chỉ còn một lằn ranh mỏng manh trước khi "thảm cảnh" biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng: Nước biển dâng, axit hóa đại dương, mất đa dạng sinh học…

"Chúng ta sẽ chạm giới hạn 2 độ C nếu phát thải từ lương thực vẫn cứ dần tăng cộng với 1 năm phát thải nhiên liệu hóa thạch như mức hiện tại. Và tôi đảm bảo rằng chúng ta sẽ không ngừng phát thải nhiên liệu hóa thạch sau 1 năm", giáo sư Tilman nhận định.

Các nhà khoa học đánh giá việc giảm phát thải từ lương thực là thiết yếu để giữ cho hành tinh này "sống được".

Vì sao sản xuất nông nghiệp lại khiến Trái đất nóng lên?

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) từng kêu gọi thay đổi chế độ ăn để hạn chế biến đổi khí hậu.

Trong bản báo cáo đặc biệt được đồng nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia đến từ hơn 100 nước và được hỗ trợ bởi 195 chính phủ, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã nêu lên sự liên hệ mật thiết giữa đất đai và biến đổi khí hậu, cũng như những tác động tiêu cực của con người lên môi trường thông qua các hoạt động sản xuất gắn liền với tài nguyên đất.

Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn Trái đất nóng lên - Ảnh 2
Chính quá trình sản xuất nông nghiệp lại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Các chuyên gia chỉ ra cái vòng luẩn quẩn của biến đối khí hậu và suy thoái đất đai. “Chúng ta phải trồng trọt để tạo ra lương thực, phục vụ nhu cầu ăn uống và sinh tồn, nhưng chính quá trình sản xuất nông nghiệp lại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và điều này sẽ giết chết chúng ta”, ông Valérie Masson-Delmotte, đồng Chủ tịch Nhóm Công tác I của IPCC, cho biết.

Tại sao quá trình sản xuất nông nghiệp lại dẫn đến sự nóng lên toàn cầu? Phá rừng và trồng trọt làm suy yếu khả năng hấp thụ carbon dioxide của đất, khiến một lượng lớn CO2 vẫn còn tồn đọng trong bầu không khí và gây ra hiệu ứng nhà kính.

“Khi đất bị suy thoái, khả năng hấp thụ và giữ carbon của đất sẽ yếu đi, vô tình làm nghiêm trọng hơn tình hình biến đổi khí hậu vốn dĩ đã có. Ngoài ra, trồng trọt liên tục không chờ đất phục hồi và phá rừng cũng dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Trên thế giới hiện có khoảng 500 triệu người sống trong vùng sa mạc hóa”, ông Masson-Delmotte cho biết thêm.

Để giữ nhiệt độ trung bình của Trái đất không ấm thêm quá 2 độ C, IPCC cho biết nhân loại phải chung tay giảm phát thải khí nhà kính từ tất cả các lĩnh vực trong đó có đất đai và lương thực. Đây cũng là mục đích của Hiệp định Paris năm 2015 cùng nhiều hội nghị các bên khác.

Ăn ít thịt để bảo vệ Trái đất

Đảo ngược sự biến đổi khí hậu là một chuyện gần như không thể mà chỉ có thể tiến hành dần dần qua thời gian. Các chuyên gia cho biết con người cần ăn ít thịt để quá trình sản xuất lương thực từ đó giảm dần đi, theo phản ứng dây chuyền đất đai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn và môi trường được bảo vệ tốt hơn.

Ngoài ra, cách quản lý đất đai cũng cần được thay đổi để sử dụng đất tốt hơn mà không bị lãng phí nguồn tài nguyên này. Các nhà khoa học trong bản báo cáo gợi ý trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp, hay còn gọi là nông lâm kết hợp để giảm chất thải và tăng năng suất.

Vốn là một hồ chứa carbon khổng lồ giúp điều hòa nhiệt độ toàn cầu, nay các rừng mưa Amazon đang đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa và thải ra đến 50 tỉ tấn carbon vào khí quyển trong 30 năm đến 50 năm tới. Chăn nuôi gia súc đã gây ra nạn chặt phá rừng trên diện rộng ở các quốc gia Nam Mỹ.

Bản báo cáo nhấn mạnh tính cần thiết của việc bảo vệ và tái tạo rừng nhằm hấp thụ lượng carbon trong không khí và than bùn. Trong quá trình tiêu hóa, gia súc như bò cũng thải ra một lượng lớn methane - một loại khí nhà kính.

Các nhà nghiên cứu tự tin khẳng định chế độ ăn cân bằng với thực phẩm chủ yếu bao gồm thực vật và nguồn thịt động vật được sản xuất theo tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường vừa giảm thiểu tác hại lên môi trường, vừa mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người.

Cứ 1 kg thịt bò sẽ sinh ra 26,5kg khí CO2

Chăn nuôi chiếm 14,5% phát thải khí nhà kính toàn cầu, vì thế là một trong các tác nhân chính góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. 65% lượng phát thải nhà kính từ chăn nuôi đến từ bò và các gia súc nuôi lấy sữa.

Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn Trái đất nóng lên - Ảnh 3
Chăn nuôi chiếm 14,5% phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên về tiêu thụ thực phẩm ở Mỹ hồi năm 2017, cứ 1 kg thịt bò sẽ sinh ra 26,5kg khí CO2 - cao hơn 5 lần so với thịt gà. Mức phát thải CO2 của thịt bò cũng cao nhất trong số các thực phẩm được xét trong nghiên cứu.

Giảm ăn thịt bò là cách hiệu quả để giảm phát thải carbon toàn cầu. Theo Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, người Mỹ tính đến năm 2017 đã ăn ít thịt bò hơn 17% so với năm 2015, và sự cắt giảm khẩu phần này tương đương với giảm 185 triệu tấn khí thải (bằng khí thải phát ra từ 39 triệu chiếc xe hơi).

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn Trái đất nóng lên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới