Biến đổi khí hậu và những thách thức với an ninh lương thực
Biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực có xu thế ngày càng bất lợi như nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao, bão lũ, hạn hán tác động xấu đến giống cây trồng… sẽ càng làm cho tình trạng cung cấp lương thực trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài…
Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng BĐKH, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900.
Tình trạng phát thải carbon toàn cầu hiện nay đang khiến Trái Đất nóng lên hơn so với những dự tính ban đầu, tăng 2,8-4,6°C trong khoảng từ 2080 đến 2100. Các tác động sức khỏe của BĐKH là quá rõ ràng nếu khí thải không được kiểm soát chặt chẽ. BĐKH cũng đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và sức khoẻ con người.
Mối đe dọa lên an ninh lương thực
Bên cạnh đó, tình trạng BĐKH trên toàn cầu cũng đang tác động xấu đến giống cây trồng, công tác sản xuất của người dân và sẽ càng làm cho tình trạng cung cấp lương thực trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Liên hợp quốc cho hay năm 2008, khoảng 1 tỉ 100 triệu người trên thế giới bị đói tăng hơn 100 triệu so năm 2007 do cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cơ quan lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho rằng con số này lớn đến mức kỷ lục. Giám đốc FAO nói rằng tỉ lệ người đói trên thế giới chiếm khoảng 1/6 dân số toàn cầu đang là mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh và hòa bình trên thế giới. Phần lớn người suy dinh dưỡng sống ở các nước đang phát triển. Hơn một nửa số này khoảng 642 triệu người là cư dân vùng Á châu Thái Bình Dương.
Trao đổi với Nongnghiep.vn về vấn đề này, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, BĐKH đang đe dọa không nhỏ đến an ninh lương thực trên thế giới.
Theo thống kê mới nhất, trên 820 triệu người trên thế giới đang thiếu đói. Nhưng BĐKH có thể làm tăng thêm 122 triệu người nữa – chủ yếu là nông dân – vào tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2030, và đẩy giá ngũ cốc tăng thêm 29% từ nay đến 2050.
Nông nghiệp hiện là ngành bảo đảm sinh kế cho khoảng 2,5 tỉ người trên toàn cầu, cũng là nguồn thực phẩm cho toàn thể nhân loại. Ngành này hiện đang gánh chịu tới 26% tác động về kinh tế do thiên tai nói chung.
Riêng với hạn hán, mức độ gánh chịu này ở các nước đang phát triển lên tới 83%. Mặt khác chúng ta thấy bản thân ngành nông nghiệp cũng là ngành phát thải khí nhà kính rất lớn. Tính chung nông, lâm nghiệp và các loại hình sử dụng đất khác, con người tạo ra khoảng 1/4 lượng khí phát thải (riêng ngành chăn nuôi chiếm tới 14,5%).
Một phần ba trong tổng diện tích đất toàn cầu đang bị suy thoái, tạo ra 78 gigaton CO2 vào khí quyển, khiến giá trị của đa đạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thai bị mất đi tương đương với 10% GDP. Ở châu Á, trong giai đoạn từ 2005 - 2015, thiệt hại do thiên tai đã lên đến 48 tỉ USD trong đó 77% là do lũ lụt.
Về lâu dài, nếu không sớm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, nhân loại sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi dân số ngày một tăng lên trong khi quỹ đất nông nghiệp tiếp tục giảm xuống.
Đối với Việt Nam, tuy đã có những bước tiến vượt bậc về sản xuất nông nghiệp và đang trở thành một nước cung ứng nhiều mặt hàng nông sản cho thế giới, chúng ta cần lường trước những yếu tố tiêu cực sẽ khiến nguồn cung cấp khó ổn định do các yếu tố tự nhiên và xã hội – đặc biệt là làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị hoặc khu công nghiệp để tìm kiếm các nguồn thu nhập cao hơn, đẩy lao động nông thôn đến chỗ khan hiếm.
Chỉ riêng thiệt hại về sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNP-TNT) các hình thái thiên tai đã gây thiệt hại 100 ngàn ha lúa và hoa màu, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỉ đồng. Nhiều dữ liệu tương tự cho thấy BĐKH là mối đe dọa của sự đảm bảo bền vững an ninh lương thực (ANLT) của Việt Nam.
Theo một báo cáo được công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2100, BĐKH sẽ ảnh hưởng hơn 12% dân số Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng 10%.
Và những nỗ lực của Việt Nam
Theo báo cáo về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã dành hàng tỉ USD cho phòng chống và phục hồi trước những thiên tai do BĐKH như lũ lụt, bão, hạn hán… với cường độ ngày càng khốc liệt. Nỗ lực gần đây nhất của Chính phủ chính là việc ban hành Kế hoạch thích ứng quốc gia với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/7/2020.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, chẳng hạn như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật so với NDC đệ trình năm 2015, Việt Nam đã bổ sung lĩnh vực các quá trình công nghiệp trong kiểm kê khí nhà kính, kịch bản phát triển thông thường, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hài hòa đồng lợi ích giữa các hành động khí hậu với phát triển bền vững.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng về lượng giảm phát thải từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ, tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng lên từ 25% lên 27% và lượng giảm phát thải khí nhà kính đã tăng từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ. Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015.
Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật.
Những nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, ngày 11/9, trang web chính thức của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia mới nhất gửi Báo cáo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC cập nhật). Theo đó, trong số 186 Bên nước tham gia UNFCCC, Việt Nam là quốc gia thứ 20 gửi NDC cập nhật đến Ban thư ký Công ước.
Mới đây, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành UNFCCC và ông Pablo Vieira, Giám đốc Tổ chức Đối tác NDC đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá cao tình hình cập nhật NDC của Việt Nam. “Việt Nam đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC theo Quyết định của COP21 trong bối cảnh phức tạp đầy thách thức do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã nâng cao đóng góp ứng phó với BĐKH thể hiện trong NDC cập nhật”- bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành UNFCCC viết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam luôn tăng cường đóng góp trong nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu và mong muốn các quốc gia và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện NDC cập nhật vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước góp phần thực hiện các nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu.
“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các chiến lược, kế hoạch và các hành động cụ thể; ví dụ như giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh phát triển năng lược tái tạo, phát triển tài chính xanh và thị trường carbon trong tương lai. Những nỗ lực này sẽ góp phần thực hiện NDC cập nhật từ năm 2021” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Minh Phương