Thứ sáu, 29/03/2024 15:31 (GMT+7)
Thứ năm, 12/11/2020 16:54 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão càng trở nên tồi tệ

Theo dõi KTMT trên

Các nhà khoa học đã một lần nữa cảnh báo tình trạng Trái đất nóng lên chính là nguyên nhân khiến các cơn bão ngày càng trở nên mạnh và diễn biến khó lường hơn.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học và Kỹ thuật thuộc Trường Cao học Okinawa, nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu gây ra đang khiến các cơn bão mạnh hơn và kéo dài hơn sau khi vào đất liền, đồng thời có thể làm gia tăng mức độ tàn phá.

Giáo sư Pinaki Chakraborty, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên cho biết, qua quá trình theo dõi dữ liệu của các trận siêu bão ở Bắc Đại Tây Dương từ năm 1967 đến 2018 và kiểm tra "tốc độ tan bão" của chúng (thời gian để bão suy yếu) sau khi vào đất liền. Kết quả khảo sát cho thấy thời gian bão suy yếu kéo dài gần gấp đôi trong vòng 50 năm qua.

Quá trình nghiên cứu các nhà khoa học cũng phát hiện khi nhiệt độ bề mặt biển cao hơn thì các cơn bão mạnh hơn và kéo dài hơn. Nguyên nhân là các cơn siêu bão được hình thành từ những vùng biển ấm có "tốc độ tan bão" chậm hơn so với các cơn bão khác, đồng thời chúng cũng giữ lại được nhiều hơn "hơi nước nóng tích tụ", đây là nguồn cung cấp năng lượng cho các cơn siêu bão ngay cả khi chúng không còn nguồn cung cấp từ đại dương.

Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão càng trở nên tồi tệ - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đã khiến các trận bão trở nên mạnh hơn và kéo dài lâu hơn.

Ông Michael Mann - giám đốc Trung tâm khoa học hệ thống Trái đất thuộc Đại học Quốc gia Pennsylvania - nhận định việc Trái đất tiếp tục ấm lên tại khu vực Đại Tây Dương sẽ tiếp thêm năng lượng để các cơn bão nhiệt đới và siêu bão trở nên mạnh hơn. Nếu La Nina xuất hiện, nó sẽ càng khiến tác động biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn và dẫn tới mùa bão có sức tàn phá lớn như hiện nay.

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 6, tỉ lệ các cơn bão mạnh nhất đã tăng trung bình khoảng 8% trong một thập niên. Có tới 9 cơn bão nhiệt đới năm nay có cường độ gia tăng nhanh chóng.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê trong vòng 20 năm qua, nhiều quy luật của bão cũng đã bị phá vỡ, tổng số bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên, cụ thể: giai đoạn 1999-2008 tổng số cơn bão là 78, thì đến giai đoạn 2009-2018 là 93; giai đoạn 1999-2008 số cơn bão mạnh trên cấp 12 là 32, thì giai đoạn 2009-2018 là 36 và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta giai đoạn 1999-2008 là 28, giai đoạn 2009-2018 là 44.

Các kỷ lục về số lượng bão trên Biển Đông liên tục được thiết lập, đầu tiên là vào năm 2013, lần đầu tiên ghi nhận số lượng bão lên đến 14 cơn bão, cao hơn trung bình năm 4 cơn bão. Đến năm 2017, kỷ lục cũ đã bị xô đổ khi có tới 16 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.

Trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016, cơ quan khí tượng đã phải bổ sung cấp siêu bão, tức là cấp 16 trở lên.

Như vậy, thang đo cấp độ bão ở Việt Nam đã chia làm 4 cấp độ: bão thường có cường độ cấp 8-9; bão mạnh có cường độ cấp 10-11; bão rất mạnh có cường độ cấp 12-15 và từ cấp 16 trở lên được gọi là siêu bão.

Quy luật đổ bộ của bão trong 20 năm qua cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão càng trở nên tồi tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.