Thứ sáu, 22/11/2024 20:53 (GMT+7)
Thứ tư, 25/01/2023 16:41 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022, hàng loạt những công trình giao thông trọng điểm tại TP. HCM được tái khởi động sau thời gian dài “đóng băng” bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay nhiều dự án đã hoàn thiện và đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ, bền vững.

Thông tin về kết quả chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 202, tại Kỳ họp thứ 8 - Hội đồng Nhân dân Khóa X diễn ra hồi đầu tháng 12/2022, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, điểm sáng bao trùm là kết quả phục hồi kinh tế, xã hội đạt hơn dự kiến, thể hiện qua kiểm soát dịch Covid-19; tăng trưởng GRDP đạt 9,02%; thu ngân sách ước vượt trên 18%, hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp phục hồi sống động…

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Nhiều hệ thống hạ tầng tại TP. HCM đã được hoàn thành năm 2022

Một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội mà TP. HCM đạt được và để lại nhiều dấu ấn rõ rệt đó là sự nỗ lực hoàn thiện về hạ tầng đô thị.  Mời quý bạn đọc cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường điểm lại những thành tựu ấn tượng mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong năm 2022:

Chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng

Công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh tọa lạc trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, là không gian cảnh quan, văn hóa quan trọng tại khu vực trung tâm TP.HCM và còn là địa điểm sinh hoạt công cộng của người dân qua nhiều thời kì. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hai công viên dần xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hại về mặt hạ tầng và mảng xanh cảnh quan.

Do đó, UBND Thành phố đã có quyết định thực hiện chỉnh trang, tổ chức cải tạo và nâng cấp, sữa chữa hai khu vực này theo phương thức xã hội hóa để nâng cao, phát huy công năng của không gian công cộng phục vụ cộng đồng và cải thiện cảnh quan khu vực trung tâm.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2
Công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh tọa lạc trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, là không gian cảnh quan, văn hóa quan trọng tại khu vực trung tâm TP.HCM

Sau thời gian chỉnh trang, công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng, nơi đặt tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã hoàn thiện và chính thức được khánh thành vào giữa tháng 3/2022. Riêng về dự án chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, công trình được hoàn thành với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6ha, trong đó có 8.700m đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite núi lửa và 7.000m mảng xanh kiểng có định hình không gian kiến trúc chuỗi hoa sen xuyên suốt công viên, tạo không gian và tầm nhìn thông thoáng cho khu vực phía bờ sông Sài Gòn.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3
Sau thời gian chỉnh trang, công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng, nơi đặt tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã hoàn thiện và chính thức được khánh thành vào giữa tháng 3/2022

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị đồng hành xuyên suốt dự án cải tạo công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng) bày tỏ: “Công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng như một góc ký ức của người dân, đặc biệt nơi đây là một quần thể tạo nên hào khí của Thành phố, nơi có tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cũng là nơi tụ hội kết nối cộng đồng nâng cao giá trị thiêng liêng của vùng văn hóa, một giá trị mà chúng ta cần gìn giữ, tôn tạo”.   

Thông xe tuyến đường Đặng Thúc Vịnh

Dự án nâng cấp, sửa chữa đường Đặng Thúc Vịnh hay còn gọi là Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn có tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, với chiều dài 5,3km, mặt đường được mở rộng từ 7 mét lên 30 mét với mục tiêu kết nối từ Trung tâm huyện Hóc Môn theo hướng trục đường Tỉnh lộ 9 đến cầu Rạch Tra, đồng thời giúp kết nối TP.HCM, Bình Dương và Long An.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 4
Sau nhiều năm thi công dự án đường Đặng Thúc Vịnh đã chính thức thông xe năm 2022

Sau nhiều năm thi công, dự án này thường chậm trễ do gặp khó bởi công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Bên cạnh đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật chậm trễ trong thực hiện và chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến dự án kéo dài. Đến 26/4/2022, đường Đặng Thúc Vịnh chính thức được thông xe sau bốn năm thi công.

Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Võ Văn Hoan cho biết: Dự án nâng cấp và sửa đường đường Đặng Thúc Vịnh đóng vai trò hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông khu vực, khắc phục tình trạng ùn tắc, góp phần giảm tình trạng ngập nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị; Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn và khu vực Tây Bắc Thành phố.

Hoàn thành dự án cầu Thủ Thiêm 2

Đóng vai trò quan trọng, giúp thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông khu vực trung tâm đô thị hiện hữu và TP. Thủ Đức, đồng thời, là công trình tạo nên động lực phát triển, đưa Thủ Thiêm sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dự án cầu Thủ Thiêm 2 được Thành phố nỗ lực thực hiện và đã chính thức thông xe vào 28/4/2022.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 5
Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án trọng điểm của TP được khởi công năm 2015 và hoàn thành sau 7 năm với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng

Cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km với 6 làn xe, riêng phần cầu dài 885 m. Cầu được thiết kế kiểu dây văng; có trụ tháp chính với kiến trúc hiện đại cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm.

Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm của TP được khởi công năm 2015 và hoàn thành sau 7 năm với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ chính thức thông xe, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Cầu Thủ Thiêm 2 là dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối hệ thống giao thông vùng trọng điểm. Cùng với cầu Thủ Thiêm 1 và hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 sau khi đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực phía Đông của TP. HCM. Đây là bước mở đầu giúp thành phố thu hút đầu tư, có ý nghĩa to lớn đối với TP. HCM trong bối cảnh Thành phố đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

“Hồi sinh” kênh Nước Đen

Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (thuộc quận Bình Tân) đến khu vực cầu Tham Lương (quận 12), từ nhiều năm qua là “điểm đen” điển hình về vấn đề ô nhiễm môi trường, việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sinh hoạt, sức khỏe của người dân trong khu vực, cũng như mỹ quan đô thị.

Đến tháng 4/2020, dự án được chính quyền thực hiện nâng cấp, cải tạo đường và kênh (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) với tổng chiều dài 1,4 km, rộng 40 m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh, vốn đầu tư dự án lên đến 629 tỉ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 6
Tuyến kênh Nước Đen được hồi sinh

Ngoài việc cải tạo dọc đôi bờ kênh sạch sẽ, thông thoáng, phía Ban Quản lý Dự án còn chỉnh trang lại công viên ven kênh tạo cảnh quan xanh, lắp các tiện ích để người dân đi bộ và tập thể dục. Đồng thời lắp bảng cảnh báo, nhắc nhở người dân thực hiện tuyến đường văn minh đô thị.

Sau gần 2 năm nâng cấp và cải tạo, ngày 26/4/2022, công trình cũng đã chính thức hoàn thành đúng dịp 30/4 – 1/5 như kế hoạch, giúp việc đi lại được thông thoáng hơn và góp phần thay đổi bộ mặt mỹ quan đô thị, cải thiện môi trường cho khu vực.

Xóa nạn ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc

Cầu Bưng (được xây dựng mới bắc qua kênh Tham Lương, nằm trên tuyến đường Lê Trọng Tấn) nhằm thay thế cống hiện hữu có mặt cắt ngang hẹp, xuống cấp trầm trọng, tạo nút thắt cổ chai, liên tục gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Công trình này có chiều dài 555m, bề rộng 22m, bao gồm phần cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tổng chiều dài 207m, bề rộng trung bình 22m và hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố, ông Lương Minh Phúc cho biết: Công trình bắt đầu thi công từ tháng 7/2017. Quá trình thi công đã có lần phải tạm dừng do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.

Trong thời gian đó, dù vẫn chưa nhận được trọn vẹn mặt bằng thi công phía quận Tân Phú nhưng chủ đầu tư, nhà thầu với sự hỗ trợ của Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan đã tìm giải pháp điều chỉnh phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng tiếp tục thi công và đã hoàn thành, thông xe Nhánh cầu 1 vào tháng 12/2021.

Tiếp nối những thành công đã đạt được của nhánh 1, chủ đầu tư cũng đã nỗ lực thi công để đưa nhánh 2 của công trình xây dựng mới Cầu Bưng hoàn thành và chính thức thông xe, đưa vào khai thác phục vụ người dân Thành phố vào tháng 10/2022.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường: Công trình sau khi hoàn thành sẽ nối liền quận Bình Tân và quận Tân Phú trên trục đường Lê Trọng Tấn, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cầu Bưng. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, nối kết liên vùng trong khu vực Tây Bắc của Thành phố.

“Trả tự do” cho tuyến đường Lê Lợi

Do tuyến đường có sự kết nối với chợ Bến Thành và phố đi bộ Nguyễn Huệ nên đường Lê Lợi được nhiều chuyên gia đánh giá là địa điểm thích hợp để phát triển các hoạt động du lịch, cho du khách đi bộ, ăn uống và mua sắm khi đến TP.HCM du lịch.

Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, đường Lê Lợi lại bị rào kín để phục vụ cho việc thi công gói thầu 1a (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Bến Thành), điều này khiến khu vực không phát huy được hết những ưu điểm du lịch, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh của người dân và gặp nhiều khó khăn cho vấn đề giao thông.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 7

Đường Lê Lợi được "trả tự do" sau thời gian bị chặn để thi công nhà ga tuyến metro số 1

Đến tháng 8/2022, phần đường Lê Lợi có chiều dài khoảng 800, một trong những khu vực kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất Thành phố đã được tiến hành gỡ bỏ rào chắn, không còn cảnh "lô cốt" án ngữ.

Mặt đường được tái lập như dự kiến ban đầu với 10 làn xe cùng vỉa hè thông thoáng, không còn công trường ngổn ngang như hồi tháng 4 năm nay, trả lại “sự tự do” cho khu vực, khiến. người dân không khỏi vui mừng.

Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất trước đó về việc thiết kế lại cảnh quan đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành) theo ba giai đoạn.

Giai đoạn 1, ngay khi Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố (MAUR) hoàn trả mặt bằng xây dựng tuyến metro số 1, nhà thầu sẽ tái lập, làm mới vỉa hè, lề đường (bên phải - cùng phía với khách sạn Rex) của trục Lê Lợi.

Hình thức lát gạch vỉa hè sẽ thực hiện tương tự hình thức lát gạch phía trước tòa nhà Saigon Center. Các hạng mục giai đoạn này có thiết kế đơn giản chủ yếu duy trì tuyến giao thông Lê Lợi như trước, chỉ điều chỉnh vỉa hè hai bên được đồng bộ, có kết hợp trồng lại cây xanh.

Giai đoạn 2, hoàn thiện thiết kế đô thị trên lòng đường và vỉa hè với các nâng cấp về tiện ích xã hội nhằm khuyến khích người đi bộ sử dụng phương tiện công cộng và thương mại hai bên trục đường.

Mục tiêu của giai đoạn này là thay đổi bộ mặt của trục đường một cách mạnh mẽ với các phương án cụ thể như đề xuất tăng vỉa hè cho đi bộ, phân làn đường dành riêng cho xe buýt và xe đạp, điều chỉnh làn đường cho xe máy và ô tô cũng như thí điểm các trạm xe đạp công cộng, tăng cường tiện ích công cộng.

Giai đoạn 3, mở rộng ranh giới nghiên cứu và thực hiện ra các dãy nhà dọc hai bên đường Lê Lợi với mục đích ưu đãi về mặt hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để khuyến khích thương mại - dịch vụ và thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần chỉnh trang đồng bộ mặt đứng, cũng như quy định về biển quảng cáo... nhưng vẫn giữ được những kiến trúc mang giá trị văn hóa – lịch sử.

Mở rộng đại lộ Nguyễn Văn Linh

Đại lộ Nguyễn Văn Linh có tổng chiều dài khoảng 18km, nối  từ quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) đến giao lộ Huỳnh Tấn Phát. Tuyến đường có lộ giới 120m có 10 làn xe, được khởi công xây dựng từ năm 1996.

Dự án chính thức thông xe 2 làn vào đầu năm 1998, đến năm 2003 thông xe từ 4 – 6 làn và năm 2007 thông xe 10 làn theo đúng thiết kế.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 8
Đường Nguyễn Văn Linh được đầu tư mở rộng

Nguyễn Văn Linh được xem là một trong những đại lộ lớn nhất Thành phố, có lượng phương tiện lưu thông lớn, trước khu chế xuất Tân Thuận và gần cầu Phú Mỹ kết nối quận 7 qua TP. Thủ Đức, mỗi ngày luôn nhiều xe qua lại và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài vào giờ cao điểm.

Để giải quyết cho tình trạng này, cuối năm 2021, việc nâng cấp, mở rộng đoạn đường đã được triển khai. Phần mặt đường được mở rộng thêm mỗi bên 13,25m, bao gồm hơn 7m làn xe hỗn hợp và 6m vỉa hè. Sau khi hoàn thiện, bề rộng mặt đường từ 6 làn nâng lên 10 làn xe.

Tuyến đường sau khi đưa vào khai thác sẽ giúp xóa điểm nghẽn gây ùn tắc, kẹt xe nhiều năm tại tuyến đường huyết mạch khu Nam TP.HCM, bên cạnh đó, tạo tiền đề cho việc hình thành, phát triển khu đô thị Nam Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng, KCN cảng Hiệp Phước...

Háo hức đợi ngày thông xe hầm chui trăm tỉ gầnBến xe Miền Đông mới

Hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới nằm trong dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới có tổng vốn đầu tư 437 tỉ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2018, riêng hạng mục hầm chui được khởi công vào tháng 3/2020, thuộc gói thầu XL3 (xây lắp đường chui nhánh phải) với tổng vốn là 75 tỉ đồng.

Trong đó, hạng mục hầm chui có tổng mức đầu tư 75 tỉ đồng, với dài 670 m, rộng 8 m, nằm bên phải quốc lộ 1, hướng từ TP. HCM đi Đồng Nai.

Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 9
Phối cảnh dự án Hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới

Dự án hầm chui đi vào khai thác sẽ có 3 đoạn kín và 4 đoạn hở, giúp tách dòng xe đi thẳng xa lộ Hà Nội với hướng ra vào Bến xe Miền Đông mới, từ đó đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn ứ ở khu vực.

Dự kiến công trình được thông xe vào cuối tháng 11 này. Tuy nhiên, đoạn quốc lộ từ đoạn cuối hầm chui đến ngã 3 Tân Vạn hiện vẫn chưa được mở rộng do vướng giải phóng mặt bằng, khi qua hầm các phương tiện phải di chuyển nhập vào làn đường cũ tạo nút "thắt cổ chai" gây xung đột giao thông.

Hiện, các đơn vị thi công vẫn đang gấp rút thực hiện những phần cuối cùng để sớm hoàn thành trong năm nay.

Dự tính sau khi thông nhánh hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới theo hướng TP.HCM đi Đồng Nai, phía Ban Giao thông sẽ triển khai các hạng mục khác như làm nhánh hầm chui từ Đồng Nai về TP.HCM và một cầu đi bộ băng qua quốc lộ 1 ở gần bến xe và ga Metro Bến Thành - Suối Tiên. Tuy nhiên, hiện hạng mục này vẫn vướng mặt bằng qua khu vực tỉnh Bình Dương

Ngoài hầm chui trên, dự án còn một hầm khác ở đối diện, một cầu đi bộ băng qua quốc lộ 1 ở gần bến xe và ga metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hai cầu để quay đầu xe.

Thanh Tùng - Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới