Than đá đang phá vỡ nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Các loại than nói riêng hay các loại nhiên liệu hoá thạch khác nói chung đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại. Tuy nhiên việc khai thác than đã làm thay đổi, phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu.
Châu Âu tìm nguồn năng lượng mới thay thế cho than đá
Trước hệ lụy khó lường của biến đổi khí hậu, một số nước châu Âu, trong đó có Anh đang đẩy nhanh việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Mới đây, Chính phủ Anh đã bác bỏ kế hoạch khai thác mỏ than đá lộ thiên gần một bãi biển của Tập đoàn Khai mỏ Banks do lo ngại ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tập đoàn Banks đề nghị được phép khai thác 3 triệu tấn than đá tại Highthorn trước khi tiến hành công tác bảo tồn và cải thiện môi trường cảnh quan xung quanh. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường tại Anh kịch liệt phản đối kế hoạch này vì cho rằng điểm khai thác rất gần với Vịnh Druridge. Đó là lý do quyết định ngừng khai thác của chính phủ được giới hoạt động môi trường đồng loạt hoan nghênh.
Đại diện chiến dịch Những người bạn của Trái đất Tony Bosworth cho rằng đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh thế giới bắt đầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Giám đốc điều hành Tập đoàn Banks Gavin Styles thất vọng với quyết định trên; cho rằng việc bác bỏ kế hoạch đã lấy đi cơ hội việc làm hiếm có dành cho khu vực Đông Nam nước Anh. Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Banks cũng đã đóng cửa mỏ khai thác than đá lớn nhất phía Đông Bắc nước Anh.
Anh không phải là nước đầu tiên có hành động quyết liệt trong việc khai thác than đá. Hồi năm 2018, Chính phủ Đức đã đóng cửa mỏ than đá đen cuối cùng tại khu hầm mỏ Prosper-Haniel ở vùng miền Bắc Ruhr, chính thức đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp khai thác than kéo dài hơn 150 năm qua ở nước này.
Tuy nhiên, động thái đóng cửa mỏ than nói trên không đồng nghĩa với việc Đức chấm dứt sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch này. Các nhà máy sản xuất điện và thép tại đây sẽ nhập khẩu hoàn toàn nguồn than đá từ nước ngoài. Theo thống kê trong năm 2018 than đá vẫn chiếm khoảng 13% trong tổng số nguồn nhiên liệu sản xuất điện năng tại Đức.
Hiện nay, Anh, Pháp, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha là những quốc gia châu Âu tiên phong trong việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng của quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Trong số đó, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để có được vị trí này, Chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch ngưng sử dụng than đá trước năm 2030. Đây cũng là một phần trong mục tiêu đầy tham vọng, cắt giảm ít nhất 80% phát thải khí nhà kính trước năm 2050 của Chính phủ nước này. Hiện tại, Phần Lan chỉ duy trì 8% năng lượng từ than đá, hầu hết được nhập khẩu từ Nga. Còn lại, năng lượng tái tạo và hạt nhân lần lượt đóng góp 45% và 35%. Hướng tới đến năm 2050, Phần Lan sẽ sản xuất năng lượng phi các bon như năng lượng sinh học hoặc năng lượng tái tạo.
Khai thác than làm thay đổi và phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng. (Ảnh: Internet) |
Châu Á chiếm tới 75% nhu cầu than đá toàn cầu
Tuy nhiên, trái với các nước phương Tây thì chính phủ nhiều nước châu Á vẫn tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng than đá tạo ra điện. Châu Á chiếm tới 75% nhu cầu than đá toàn cầu, chỉ riêng Trung Quốc chiếm tới phân nửa con số đó. Châu lục này cũng chiếm hơn ¾ nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng, tức khoảng 1.200 nhà máy, theo Urgewald, một tổ chức phi chính phủ vận động bảo vệ môi trường ở Đức.
Heffa Schücking, người sáng lập kiêm giám đốc Urgewald, gọi những nhà máy nhiệt điện than này là “một đòn tấn công” vào các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Indonesia đang khai thác thêm nhiều than. Nhật Bản cũng đang hồi phục các nhà máy nhiệt điện than sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do thảm họa kép sóng thần động đất vào năm 2011.
Trung Quốc là cường quốc tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Quốc gia này tiêu thụ hơn 50% sản lượng than toàn cầu. Hơn 4,3 triệu người Trung Quốc đang làm việc tại các mỏ than. Song một phân tích của tổ chức Coal Swarm (Mỹ) kết luận rằng các nhà máy nhiệt điện than mới vẫn tiếp tục được xây dựng ở Trung Quốc và các dự án khác chỉ bị tạm trì hoãn chứ không phải bị đình chỉ hoàn toàn.
Tại Ấn Độ, than đóng góp 58% tổng tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ, cao hơn dầu thô (28%) và khí đốt (7%).
Không chỉ gây hại tới thiên nhiên mà chính con người chúng ta cũng trở thành nạn nhân của việc khai thác than quá mức. (Ảnh: Internet) |
Than đá là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo về các mối nguy hiểm chực chờ do khí thải CO2 từ hoạt động đốt than.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng, để tránh nguy cơ bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế thế giới cần phải được chuyển đổi căn cơ trong một vài năm tới. Trọng tâm của cuộc chuyển đổi này là phải dứt bỏ than càng nhanh càng tốt.
Là một trong những nhiên liệu có chi phí rẻ, sản lượng dồi dào, mặc dù gây ô nhiễm nhất nhưng than vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới dù các năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng rẻ hơn. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo có những hạn chế. Dòng chảy năng lượng điện gió và điện mặt trời chỉ xuất hiện khi có gió thổi và mặt trời chiếu sáng.
Theo giới chuyên gia khí hậu, than đá là nguồn nguyên liệu quan trọng nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà giới khoa học ví than đá là kẻ thù của loài người.
Hơn nữa, việc xây dựng hầm mỏ lộ thiên hay nằm trong lòng đất là nguyên nhân gây xói mòn đất đai và phá hủy lớp thực vật trên bề mặt. Ở những nơi không có cây cối, sự xói mòn sẽ kéo dài từ 50 đến 60 năm sau khi khai thác mỏ.
Xác định nguồn năng lượng này rẻ nhưng rất bẩn, là thủ phạm gây ra hậu quả môi trường nghiêm trọng nên các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang muốn sớm chấm dứt kỷ nguyên than đá.
Nhật Hạ