Sử dụng than đá tiếp tục gia tăng tại Đông Nam Á
Mặc dù một số nước trong 10 quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua các chính sách về năng lượng sạch, nhưng việc sử dụng than đá vẫn tiếp tục gia tăng tại Đông Nam Á.
Nghiên cứu gần đây của Công ty Nghiên cứu năng lượng đa quốc gia Wood Mackenzie cho thấy than đá vẫn là một nguồn năng lượng chính ở Đông Nam Á trong nhiều năm tới và việc sử dụng than đá sẽ đạt đỉnh vào năm 2027.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 23% lượng điện từ các nguồn tái tạo, nhưng cho đến nay mới chỉ đạt được 12% do phụ thuộc nhiều vào than đá.
Jacqueline Tao, một nhà nghiên cứu tại Wood Mackenzie, cho rằng nhu cầu điện đang tăng lên và những vấn đề khả năng tài chính trong khu vực có nghĩa là công suất phát điện từ than đá sẽ chỉ bắt đầu bình ổn sau năm 2030.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng nhu cầu toàn cầu về than đá tăng 0,7% trong 2 năm 2017-2018. IEA ước tính trong vòng 20 năm tới, nhu cầu về than đá sẽ tiếp tục tăng do tính sẵn có và chi phí phải chăng của nguồn nhiên liệu này.
IEA cho rằng các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác sẽ là trung tâm của nhu cầu về than đá trong vòng 25 năm tới. Vào năm 2040, điện sản xuất từ than đá sẽ tăng từ mức 35% hiện nay lên 40%, trong khi tỉ trọng phát điện từ khí tự nhiên giảm từ 30% đến 45%.
Than đá vẫn là nguồn năng lượng chính ở Đông Nam Á trong nhiều năm tới. Ảnh: TTXVN. |
Các nước như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan sẽ phải nhập khẩu điện sản xuất bằng than đá từ những nước khác, trong khi Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ cần ít hơn.
Với nhu cầu về than đá tăng 3,2% mỗi năm, Ấn Độ dự kiến sẽ là nước nhập khẩu điện sản xuất bằng than đá chủ yếu, mặc dù quốc gia này đang gia tăng năng lực sản xuất than đá và khả năng phát điện Mặt trời, đồng thời phát triển năng lượng tái tạo cùng với các nhà máy điện chạy bằng than đá.
Các nhà máy điện chạy bằng than đá có công suất sản xuất điện tổng cộng 370.000 MW sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2040, so với mức 50.000 MW hiện nay.
IEA cho rằng những nước như Australia sẽ xuất khẩu nhiều than đá hơn mặc dù giá đang giảm, đồng thời sẽ tiếp tục giảm chi phí sản xuất cũng như gia tăng chất lượng.
Trong khi đó, Indonesia, một trong những nước xuất khẩu than đá lớn nhất, dự kiến sẽ sản xuất 400 triệu tấn than đá trong năm nay, chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và một phần cho xuất khẩu.
Do những lo ngại về môi trường, hầu hết các ngân hàng trên thế giới đều từ chối trợ cấp cho ngành than đá và thay vào đó khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch và tái tạo.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho rằng điện gió và điện Mặt trời cuối cùng sẽ chiếm ưu thế ở Đông Nam Á, phối hợp với việc sử dụng than đá để sản xuất 35% lượng điện vào năm 2040.
Đầu tư vào năng lượng gió và Mặt trời sẽ tăng 23% trong thời gian từ 2019-2050, với tổng giá trị là 89 tỉ USD.