Thứ năm, 20/02/2025 03:39 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/02/2025 11:30 (GMT+7)

Thái Bình: Phát triển khoa học công nghệ, tiến tới xây dựng nền kinh tế bền vững

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Thái Bình đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để tiến tới xây dựng nền kinh tế hiện đại, tăng trưởng và bền vững.

Khoa học công nghệ có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình. Các mô hình canh tác mới và giống cây trồng giá trị cao không chỉ nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn xây dựng bộ dữ liệu về đặc tính nông học, đa dạng di truyền và tuyển chọn các cây đầu dòng phục vụ nhân giống.

Những năm qua, ngành khoa học công nghệ tỉnh Thái Bình đã khảo nghiệm, tuyển chọn hàng trăm giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, đưa vào sản xuất như: Giống lúa lai Phúc Thái 168, dưa lê Kim Bạch, Cẩm Châu, bí đá trái dài… Trong chăn nuôi cũng xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cơ cấu lại giống vật nuôi, góp phần hạn chế dịch bệnh. Các mô hình được nông dân trong vùng đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và môi trường như: Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, mô hình nhân giống gà Tò, nuôi ong ngoại lấy mật trong thùng kế.

Thái Bình: Phát triển khoa học công nghệ, tiến tới xây dựng nền kinh tế bền vững - Ảnh 1
Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng dưa lưới của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân. Ảnh: Báo Thái Bình

Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, tại địa phương này đã ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại địa phương; xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển. Nhiều kết quả đề tài, sáng kiến khoa học công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2024, tỉnh này tổ chức 10 hội nghị phổ biến quy định pháp luật về đo lường, đảm bảo đo lường theo Đề án 996, hướng dẫn áp dụng truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, 7 doanh nghiệp đã được tư vấn, đánh giá và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, trong đó một doanh nghiệp đoạt giải Vàng (Tập đoàn Thái Bình Seed) và 4 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng quốc gia (gồm Công ty TNHH Hoa Việt, Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa, Công ty cổ phần Thương mại Dược Vật tư y tế Khải Hà).

Cũng trong năm 2024, tỉnh Thái Bình có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Việc triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc tiếp tục được đẩy mạnh, hỗ trợ 30 doanh nghiệp, tổ chức cập nhật dữ liệu sản phẩm lên cổng thông tin của tỉnh. Hoạt động thực thi hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) diễn ra hiệu quả với 169 lượt tư vấn về quản lý nhà nước, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Định hướng trong năm 2025, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Triển khai và tổng kết các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới tổ chức bộ máy chính trị, trong đó có khoa học công nghệ. Triển khai thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các mô hình khoa học công nghệ thành công và sản phẩm sáng tạo sẽ được giới thiệu rộng rãi qua các hội nghị, triển lãm và các sàn giao dịch. Các mô hình công nghệ thông minh tiếp tục được triển khai để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó có Dự án trọng điểm “Xây dựng khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao”, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển giống cây trồng và vật nuôi mới.

Thái Bình: Phát triển khoa học công nghệ, tiến tới xây dựng nền kinh tế bền vững - Ảnh 2
Sản phẩm máy cấy của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa. Ảnh: Báo Thái Bình

Thái Bình là tỉnh có ưu thế về phát triển nông nghiệp, vì thế khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh một cách bền vững. Theo ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoạch định trong các chủ trương, nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn. Với vai trò nòng cốt, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chủ trương, chính sách thúc đẩy cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Việc kết nối nghiên cứu khoa học và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những bước tiến vững chắc cho Thái Bình. Khoa học công nghệ tiếp tục là động lực quan trọng giúp Thái Bình phát triển bền vững và hội nhập, trở thành tỉnh phát triển mạnh trong khu vực.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Phát triển khoa học công nghệ, tiến tới xây dựng nền kinh tế bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới