Thứ sáu, 22/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 16:00 (GMT+7)

Tăng lương tối thiểu vùng là vấn đề cấp bách hiện nay

Theo dõi KTMT trên

Trước kiến nghị của 8 hiệp hội ngành hàng đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng lương từ ngày 1/7 bởi đây là vấn đề cấp bách, cần thiết khi đời sống của người lao động đang khó khăn.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho hay, trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Điều chỉnh lương của người lao động thời điểm nào cũng rất tốt.

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% từ 1/7/2022. Với mức tăng và thời điểm điều chỉnh này, ông Lợi cho rằng việc tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 là cần thiết, người lao động được hưởng lợi ngay.

“Từ 1/7 điều chỉnh lương tối thiểu vùng chưa có trong tiền lệ. Thông thường năm nay sẽ bàn về lương tối thiểu vùng để điều chỉnh vào ngày 1/1/2023. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tính toán giá thành, kế hoạch sản xuất…” - ông Lợi nói.

Việc thống nhất phương án tăng lương tối thiểu từ phiên đàm phán thứ 2, ông Lợi cho rằng điều này đã thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp và người lao động. Điểm rất hay trong những phiên họp này là mức tăng trên được thực hiện 18 tháng (từ 1/7/2022 đến 31/12/2023). Điều này cũng có lợi cho doanh nghiệp và người lao động được hưởng lợi ngay.

Tăng lương tối thiểu vùng là vấn đề cấp bách hiện nay - Ảnh 1
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% từ 1/7/2022. (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, 8 Hiệp hội ngành hàng đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023. Về đề xuất của hiệp hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Doanh nghiệp cho rằng điều chỉnh lương tối thiểu từ 1.7.2022 sẽ tác động đến họ. Tuy nhiên, tinh thần chia sẻ, lấy người lao động làm gốc, trung tâm, doanh nghiệp phải có biện pháp giữ chân người lao động. Ở đây, doanh nghiệp có thể giảm bớt lợi nhuận và các khoản khác chăm lo cho người lao động, cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp. Chúng ta nên thống nhất với đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia”.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, cho rằng việc kiến nghị là quyền của các hiệp hội, còn giải quyết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề rằng dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt và cuộc sống đang trở lại bình thường. Cùng với đó, chúng ta thấy rằng thời gian qua có rất nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như chia sẻ với người lao động.

"Đối với doanh nghiệp, từ các Nghị quyết số 42, 68, 03… còn với người lao động, chúng ta cần phải kéo họ trở lại thị trường lao động để đảm bảo ổn định sản xuất trong tình hình mới là hết sức cần thiết, đo đó việc tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022 là hết sức cấp bách, cần thiết bởi sự chịu đựng của người lao động trong suốt 2 năm qua là quá lớn, dù vẫn biết khó khăn đều đến đối với doanh nghiệp và người lao động thời gian qua, nhưng người lao động bị chịu đựng ảnh hưởng quá nặng nề. Do vậy tôi ủng hộ Chính phủ tăng lương từ 1/7" - Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội bày tỏ.

Theo ông Đặng Thuần Phong, dù việc tăng lương từ 1/7 sẽ gây khó khăn cho một bộ phận doanh nghiệp nhưng khó khăn này không phải là khó triệt để hay không thể tăng lương cho người lao động. "Đáng ra giai đoạn này cần phải chăm lo hơn nữa cho người lao động"- ông Phong nêu quan điểm và nói thêm rằng Hội đồng Tiền lương quốc gia đã rất trách nhiệm và đã đồng thuận rất cao khi xem xét sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, cân nhắc đầy đủ các yếu tố để quyết định tăng lương từ 1/7 cho người lao động.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh các hiệp hội mong muốn như vậy cũng cần thiết tuy nhiên việc tăng lương cho người lao động từ 1/7 là vấn đề cấp bách, cần thiết khi cuộc sống của người lao động đang hết sức khó khăn.

"Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã phân tích, đánh giá, cân nhắc thấu đáo trước khi bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu đã thể hiện sự chia sẻ của chủ sử dụng lao động đối với người lao động và coi người lao động như là trung tâm của quá trình sản xuất, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Điều này thỏa mãn được yêu cầu bù đắp một chút cho người lao động trong bối cảnh họ đang hết sức khó khăn. Điều này sẽ khuyến khích, khích lệ người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp phục hồi và phát triển"- ông Bùi Sỹ Lợi nói và đề nghị Chính phủ nên cho thực hiện việc tăng lương theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được phê chuẩn) sẽ lần lượt tăng thêm như sau:

Vùng 1: Tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu lên 4,68 triệu đồng.

Vùng 2: Tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu lên 4,160 triệu đồng.

Vùng 3: Tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu lên 3,64 triệu đồng.

Vùng 4: Tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu lên 3,250 triệu đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tăng lương tối thiểu vùng là vấn đề cấp bách hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.