Thứ hai, 25/11/2024 01:07 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/11/2022 06:54 (GMT+7)

Tăng cường tài chính thích ứng với khí hậu ở châu Phi

Theo dõi KTMT trên

Giữa những khó khăn trong nỗ lực giúp các quốc gia nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP27, các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng về hành động cụ thể vì khí hậu, đặc biệt là thích ứng và vấn đề hóc búa về tổn thất và thiệt hại.

Các cam kết mới về thích ứng, tổn thất và thiệt hại

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã nhất trí thảo luận về việc các nước giàu có nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu hay không.

Ông Shoukry vui mừng trước việc một số quốc gia đã tuyên bố những cam kết mới về thích ứng, những cam kết cụ thể có thể giúp các nước tiến về phía trước. Ông đánh giá cao tuyên bố của Thủ tướng Anh Rishi Sunak rằng quốc gia này sẽ tăng gấp ba lần tài chính thích ứng vào năm 2025, vượt xa mức cam kết vào năm ngoái ở Glasgow.

Tăng cường tài chính thích ứng với khí hậu ở châu Phi - Ảnh 1
Các nước châu Phi đang khuyến khích phục hồi rừng ngập mặn. (Ảnh: AP)

Riêng Đức tuyên bố dành 170 triệu USD và Bỉ dành 2,5 triệu Euro để khắc phục hậu quả cho những tổn thất và thiệt hại, đặc biệt dành cho Mozambique, nước bị thiệt hại lớn do mưa lớn vào năm ngoái. Áo cũng công bố tài trợ 50 triệu USD cho tổn thất và thiệt hại, và Scotland, trước đó cam kết 2 triệu bảng Anh, đã thông báo sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu bảng.

Tính đến ngày 8/11, chỉ có 5 quốc gia châu Âu, gồm Áo, Scotland, Bỉ, Đan Mạch và Đức cam kết giải quyết tổn thất và thiệt hại. Trong bối cảnh đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tiếp bước Châu Âu về việc cam kết tài trợ khí hậu cho thế giới đang phát triển.

“Những quốc gia đang phát triển phải được hỗ trợ nhiều hơn để thích ứng với khí hậu khắc nghiệt. Ủy ban Châu Âu kêu gọi các đối tác ở phía Bắc toàn cầu ủng hộ các cam kết tài trợ khí hậu của họ cho phía Nam toàn cầu”, bà Ursula von der Leyen cho hay.

Cùng với đó, các quốc đảo nhỏ đang phát triển tiếp tục phản ánh việc các quốc gia phát triển không thực hiện những cam kết về tài chính của họ. Thủ tướng Antigua và Barbuda, ông Gaston Brown nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ đấu tranh không ngừng vì công lý khí hậu”.

COP27 đã kêu gọi thêm nguồn tài chính thích ứng với khí hậu

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại COP27 đã kêu gọi thêm nguồn tài chính thích ứng với khí hậu. Ông cho biết: “Nếu chúng ta không muốn chi trả nhiều hơn cho việc giải quyết hậu quả của thảm họa, chúng ta cần tăng cường đầu tư vào việc thích ứng”.

Ông Guterres nhắc lại, các ngân hàng phát triển đa phương có khả năng huy động rất lớn và tận dụng nguồn tài chính tư nhân không được sử dụng.

Theo ông Nana Akufo-Addo, Tổng thống Ghana cho hay, mặc dù châu Phi ít gây ra biến đổi khí hậu nhất, nhưng người dân châu lục này, đặc biệt là giới trẻ, đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ và tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Còn Tổng thống Rwanda, Paul Kagame cho biết, trong đại dịch Covid-19, nguồn tài chính từ bên ngoài đã không hoạt động đối với các quốc gia dễ bị tổn thương. Ông nói: “Đóng góp có giá trị nhất mà các nước phát triển có thể làm là giảm lượng khí thải của họ nhanh hơn trong khi đầu tư vào châu Phi để phát triển nguồn năng lượng xanh, bền vững. Không nên lấy câu hỏi liệu châu Phi đã sẵn sàng sử dụng tài chính khí hậu hay chưa như một cái cớ để biện minh cho việc không hành động”.

Nhiều sáng kiến ​​khác cũng được đưa ra tại COP27

Bên cạnh chủ đề về công bằng khí hậu, nhiều sáng kiến ​​khác cũng được đưa ra tại COP27, bao gồm Sáng kiến ​​thị trường carbon châu Phi, nhằm mục đích mở rộng sự tham gia của châu Phi vào thị trường carbon tự nguyện bằng cách đặt ra các mục tiêu cho châu lục này và xây dựng một lộ trình các chương trình hành động sẽ được thực hiện trong vài năm tới để đáp ứng các mục tiêu đó.

Một quốc đảo nhỏ tại COP27 đã yêu cầu một hiệp định quốc tế không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt. Thủ tướng Tuvalu, Kausea Natano cho biết, các vùng biển ấm lên đang bắt đầu “nuốt chửng” vùng đất của chúng ta – đến từng inch. Tháng 9/2021, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Vanuatu cũng đã kêu gọi thành lập hiệp định này.

Các nhà lãnh đạo từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng đã kêu gọi hỗ trợ các nước đang phát triển. Bà Theresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại tổ chức quốc tế chống đói nghèo Action Aid nhấn mạnh: “Thảm họa khí hậu để lại một cái bóng dài… trong nhiều thập kỷ, nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thế hệ. Chúng ta không thể để các cộng đồng dễ bị tổn thương, những người ít đóng góp vào cuộc khủng hoảng toàn cầu này tự mình ứng phó”.

Bà Anderson chia sẻ: “Các nước đang phát triển đại diện cho 6 trong số 7 người trên hành tinh và các nước này đều mong muốn COP27 thiết lập một cơ sở tài trợ để giải quyết tổn thất và thiệt hại. Theo bà, các quốc gia phát triển gây ô nhiễm cần phải nhìn xa trông rộng hơn, nhận ra tầm quan trọng của một cơ sở tài chính mới có thể giúp các nước nghèo khổ phục hồi sau thảm họa khí hậu”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường tài chính thích ứng với khí hậu ở châu Phi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới