Thứ năm, 28/03/2024 23:28 (GMT+7)
Thứ tư, 06/04/2022 16:00 (GMT+7)

Tận dụng lợi thế để thúc đẩy phục hồi du lịch Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổng cục Trưởng Nguyễn Trùng Khánh, du lịch Việt Nam có lợi thế của “người đi sau”. Đó là điểm đến mới với những sản phẩm mới. “Chúng ta phải tận dụng những lợi thế này để phục hồi du lịch trong giai đoạn tới”.

Du lịch Việt Nam - Điểm đến mới với những sản phẩm mới

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, phát triển dựa trên hệ thống dịch vụ công cộng, xã hội và trong mối tương quan với các ngành, lĩnh vực khác. Do đó, chỉ khi nào xã hội thực sự bình thường, các ngành dịch vụ hoạt động bình thường thì mới thực sự là điều kiện phát huy của du lịch.

Phát biểu tại diễn đàn "Phục hồi Du lịch Việt Nam, định hướng mới, hành động mới", Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận định, chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đang bị chậm hơn so với các thị trường du lịch trong khu vực. 

Tuy nhiên, theo ông Khánh, dù có tốc độ phát triển chậm hơn và còn nhiều hạn chế trong việc phục hồi du lịch, nhưng du lịch Việt Nam lại có lợi thế của “người đi sau”. Đó là điểm đến mới với những sản phẩm mới.

“Chúng ta phải tận dụng những lợi thế này để phục hồi du lịch trong giai đoạn tới”, ông Khánh khẳng định.

Ông Khánh cho biết thêm, Việt Nam nằm cùng các quốc gia có du lịch phát triển, nhưng so với các thị trường du lịch trong khu vực, chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đang bị chậm hơn. Điển hình như Thái Lan – một trong những quốc gia tiên phong mở cửa du lịch, có những sản phẩm rất hiệu quả. Ngay từ 1/7/2021, Thái Lan đã khởi động lại du lịch bằng việc mở cửa ở Phuket. Trong khi đến tận tháng 11/2021, Việt Nam mới triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế.

Tận dụng lợi thế để thúc đẩy phục hồi du lịch Việt Nam - Ảnh 1
Với lợi thế là một điểm đến mới, với những sản phẩm mới, du lịch Việt Nam sẽ có những điều kiện để phục hồi trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, các chính sách của Thái Lan cũng liên tục được thay đổi để thu hút khách quốc tế. Mới đây nhất, Thái Lan chính thức cho khách vào mà không cần test Covid-19. Đây là bước đi quyết liệt, cạnh tranh mạnh mẽ với thị trường du lịch của các nước trong khu vực.

Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ tháng 10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã tạo cơ hội cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có du lịch. Đặc biệt, từ ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3 - 4 năm để có thể phục hồi lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, để phục hồi các định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần được quan tâm như các định hướng về chính sách, định hướng về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Tập trung khai thác tốt thị trường truyền thống

Để phục hồi du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài. Một số thị trường cụ thể tại Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép; thị trường Nga, các thị trường Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương; thị trường Úc, Newzealand và thị trường Đông Nam Á; bên cạnh đó Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ cũng là các thị trường đã hầu như mở hoàn toàn đối với du lịch quốc tế.

Về các sản phẩm, ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh chung sống cùng dịch bệnh Covid-19 thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, sẽ tập trung phát triển du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau Covid-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc... Đây đều là những sản phẩm du lịch có triển vọng phát triển, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới trong thời gian tới.

Rõ ràng, để du lịch tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, một mặt phải nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc kể trên, mặt khác, ngành Du lịch cần xác định đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người dân, tạo ra xu hướng mới. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, ngoài những thách thức cạnh tranh, đây còn là cơ hội để Việt Nam trở thành nơi được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Bàn về các giải pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu và định hướng đối với việc phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, trong khu vực đang diễn ra gay gắt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại.

Thêm vào đó, việc phục hồi và phát triển du lịch cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực, trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi đảm bảo an toàn vừa phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch.

Người làm du lịch phải không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.

Tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” diễn ra ngày 26/3/2022 tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp “Việt Nam - Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận”.

Kiên định phát triển du lịch bằng những giá trị bền vững chính là hướng đến một tương lai lâu dài và tốt đẹp. Giá trị bền vững chính là gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh với sự thân thiện, an toàn, hòa hợp giữa người dân, du khách và môi trường thiên nhiên… 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tận dụng lợi thế để thúc đẩy phục hồi du lịch Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.